Mỗi năm, mất hàng chục nghìn tỷ vì thiên tai

12:48, 13/04/2013
|

(VnMedia) - Theo số liệu thống kê, trong khi số người chết giảm đáng kể thì tổng giá trị thiệt hại về tài sản thời kỳ 2008 - 2012 trên cả nước ước tính khoảng gần 74 nghìn tỷ đồng, tăng gần 20 nghìn tỷ so với 5 năm trước.

 

Thông tin được ông Nguyễn Xuân Diệu, thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương cho biết tại hội nghị về phòng chống lụt bão mới đây của Hà Nội.

 

Theo ông Diệu, trong 5 năm qua, mặc dù thiên tai diễn ra khốc liệt và bất thường hơn 5 năm trước, nhưng thiệt hại về người do thiên tai đã giảm đáng kể. Theo đó, số người mất tích trong 5 năm là 1.868 người, giảm được 162 người so với cùng kỳ. Trong khi đó, số người bị thương là 2.972 người, giảm 607 người. Trong số đó, thiệt hại về tính mạng đối với ngư dân hoạt động trên biển cũng giảm đáng kể.

 

“Đặc biệt, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là vùng giảm được nhiều nhất thiệt hại về người. Ví dụ như trận lũ năm 2000, tổng số người chết và mất tích lên đến 481 người, trong đó có tới 335 trẻ em thì năm sau, lũ lớn tương đương nhưng số người chết là 89 người và vì vậy, số trẻ em bị thiệt mạng do lũ cũng giảm hẳn” – ông Diệu dẫn chứng.

 

Kết quả trên được đánh giá là hiệu quả rõ rệt và thiết thực nhất của Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ, trong đó có việc đưa hàng trăm ngàn hộ dân ở vùng thường xuyên bị ngập sâu, vùng sạt lở đất đến nơi ở an toàn hơn, cũng như việc tổ chức dạy bơi cho trẻ em.

 

Tuy nhiên, trong khi đạt được hiệu quả rõ rệt về giảm số người chết thì thiệt hại về vật chất do thiên tai không những không giảm mà còn tăng lên. Theo thống kê, tính toán, tổng giá trị thiệt hại về tài sản trong thời kỳ 5 năm qua ước tính lên đến gần 74 nghìn tỷ đồng, tăng 19 nghìn tỷ so với 5 năm trước.

 

Đánh giá về nguyên nhân gây thiệt hại, ông Nguyễn Xuân Diệu cho rằng, ngoài nguyên nhân khách quan từ tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu thì nguyên nhân sâu xa nhất vẫn là do chủ quan, chưa quan tâm thích đáng đến quy hoạch, chưa thực hiện bài bản việc lồng ghép yêu cầu phòng ngừa thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; các dự án trong Chiến lược giảm nhẹ thiên tai quá nhiều và dàn trải...

 Ảnh minh họa

 Các công trình vi phạm ngay cạnh mặt đê tại Hà Nội

 

Hà Nội cần khắc phục tâm lý chủ quan

 

Tâm lý chủ quan cũng được chính Thành ủy Hà Nội cảnh báo trong tham luận tại Hội nghị. Theo Thành ủy Hà Nội, vài năm gần đây, Thủ đô không phải chịu những tổn thất do mưa bão gây ra nên dễ làm cho người dân có tư tưởng chủ quan. Cụ thể, Hà Nội hiện có 20 tuyến đê chính với tổng chiều dài hơn gần 470km, ngoài ra còn có 25 tuyến đê bối với tổng chiều dài hơn 82 km. Tuy nhiên, nhiều vụ vi phạm Luật Đê điều, Pháp lệnh phòng chống lụt bão, Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình Thủy lợi còn diễn ra phổ biến.

 

Trong khi đó, theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão của Thành phố thì việc phòng chống lụt bão, bảo vệ đê điều vẫn chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý và chính quyền các cấp. Công tác quản lý trật tự xây dựng còn lỏng lẻo và đặc biệt là việc xử lý vi phạm không kịp thời, thiếu kiên quyết, dứt điểm, thậm chí còn né tránh....

 

Thành ủy Hà Nội đề nghị ngoài việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng chống lụt bão thì cần xử nghiêm những trường hợp vi phạm luật Đê điều như làm nhà kiên cố, nhà cấp 4, lều quán, để vật liệu chất tải lên mặt đê, chân đê... đồng thời xử lý dứt điểm việc lấn chiếm, sử dụng hành lang đê điều làm bãi tập kết vật liệu xây dựng.

 

Liên quan đến việc bảo hiểm thiệt hại do mưa bão, đặc biệt là thiệt hại về người, ông Đỗ Ngọc Hoàng, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, Công ty đã đề nghị Thành phố cho phép mua bảo hiểm hoặc được tính quỹ dự phòng 2% trên tổng kinh phí cắt sửa, chặt hạ cây để giải quyết đền bù những trường hợp mà nguyên nhân do khách quan, bất khả kháng làm cho cây đổ, cành gẫy thiệt hại cho người và tài sản.

 

Năm 2012, đã có 28 sự cố đê điều xuất hiện trên các tuyến đê sông của Hà Nội như sạt lở bờ sông tại xã Phong Vân đê Hữu Hồng; sạt lở mái đê thượng lưu tả Cà Lồ huyện Sóc Sơn, xói lở mái đê thượng lưu tả Đuống thuộc huyện Gia Lâm; sạt lở mái đê thượng lưu tả Cà Lồ huyện Sóc Sơn; xói lở mái đê thượng lưu tả Đuống thuộc huyện Gia Lâm; sạt trượt mái đê tại xã Cấn Hữu đê tả Tích... Đặc biệt đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của nhân dân khu vực phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng và phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm là một số điểm sạt lở nguy hiểm ở bờ Hữu Hồng, tả Hữu Đuống...


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc