Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Trên 3 triệu ý kiến về giao đất và thu hồi đất

07:56, 13/04/2013
|

(VnMedia) - Đã có hơn 6 triệu ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó chiếm một nửa là ý kiến đóng góp cho chương 5 (Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất) và chương 6 (Thu hồi đất, bồi thường và tái định cư)...

Thông tin trên được công bố tại buổi họp báo thường kỳ quý I năm 2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổ chức ngày 12/4 tại Hà Nội.

 

Theo ông Đào Trung Chính, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục quản lý đất đai, trong tổng số hơn 6 triệu ý kiến, hai nội dung trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhận được nhiều ý kiến đóng góp nhất là vấn đề thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; giao đất, cho thuê đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất, được quy định tại Chương 5 (gần 1,3 triệu ý kiến) và Chương 6 (gần 1,8 triệu ý kiến). Tuy nhiên, tất cả các chương khác của Dự thảo, mỗi chương cũng nhận được hàng trăm ngàn ý kiến đóng góp.

 

“Tổng hợp cho thấy, không chỉ hai nội dung quan trọng là thu hồi đất và bồi thường, tái định cư; Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất mới nhận được ý kiến mà hầu hết các nội dung khác cũng được người dân quan tâm góp ý” - ông Chính nói và cho biết thêm, các ý kiến tập trung vào việc thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; và việc giao đất, cho thuê đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

 

Theo ông Chính, đa số ý kiến góp ý đều cho rằng, nên bồi thường theo giá đất của loại đất bị thu hồi tại thời điểm có quyết định thu hồi đất. Các ý kiến cho rằng, để khắc phục tình trạng tùy tiện trong thu hồi đất, Luật cần quy định trong trường hợp thu hồi đất ở mà phải di chuyển chỗ ở thì Nhà nước mới bồi thường bằng đất. Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng đề nghị xác định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước khu bồi thường chậm và Chủ tịch UBND khi ban hành quyết định thu hồi đất phải sẵn sàng phương án bồi thường và chịu trách nhiệm khi bồi thường chậm.


 Ảnh minh họa

 Các vấn đề giao đất, thu hồi đất được đông đảo người dân tham gia, góp ý - ảnh minh họa

 

Lại “nóng” chuyện thủy điện

 

Cũng tại buổi họp báo, nhiều ý kiến của các cơ quan thông tấn báo chí đã quan tâm đến vấn đề sử dụng và tranh chấp tài nguyên nước, đặc biệt là hiện tượng thủy điện chuyển dòng nước hiện đang diễn ra ở một số nơi tại miền Trung. Trong đó, có những ý kiến đặt ra vấn đề trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

 

Giải thích về vấn đề này, ông Lê Kế Sơn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, thủy điện từ nhiều năm nay luôn là vấn đề được dư luận quan tâm, bức xúc. Tuy nhiên, liên quan đến thủy điện không chỉ có Bộ Tài nguyên và Môi trường mà còn có nhiều cơ quan liên quan. Theo đó, quy hoạch sử dụng điện do Bộ Công thương trình Chính phủ phê duyệt, còn về phê duyệt tác động môi trường có hai cấp, các dự án lớn thuộc cấp Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự án vừa và nhỏ do các địa phương phê duyệt. “Vì thế, ở đây phải xét đến khía cạnh các cơ quan liên quan ở Trung ương và địa phương” – ông Sơn nói.

 

Cũng theo ông Lê Kế Sơn, việc điều tiết dòng chảy được tính toán theo thiết kế và được xem xét rất kỹ trong đánh giá tác động môi trường (ĐTM). “Vấn đề ở chỗ không phải chủ dự án nào cũng thực hiện nghiêm túc, điều đó dẫn tới chuyện tích nước mùa hè, xả lũ mùa đông. Trách nhiệm trước hết thuộc về việc không thực hiện nghiêm túc báo cáo ĐTM, thứ hai là phụ thuộc vào công tác quản ký thanh tra, kiểm tra. Ở địa phương chúng tôi liên tục nhắc nhở và coi đây là điểm nóng trong công tác thanh tra, kiểm tra. Ở Trung ương, trong nhiều năm nay chúng tôi cũng liên tục tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra các dự án thủy điện do Bộ tài nguyên và Môi trường thẩm định ĐTM. Chúng tôi có nhiều văn bản nhắc nhở gửi cho các đơn vị iên quan, trong đó có Bộ Công thương. Chúng tôi có báo cáo trực tiếp với Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải và chính Phó Thủ tướng đã có công văn yêu cầu Bộ Công thương và các tỉnh điều chỉnh quy hoạch thủy điện” – ông Sơn phân tích rõ.

 

Liên quan đến việc thủy điện Đăk Mi 4 bị chính quyền thành phố Đà Nẵng kiến nghị tạm dừng hoạt động để trả lại nước do không thực hiện việc xả nước về sông Vu Gia, ông Lê Hữu Thuần, Cục phó Cục Quản lý Tài nguyên nước cho biết, sau khi có công văn của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đà Nẵng, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát báo cáo Thủ tướng Chính phủ các giải pháp xả nước của thủy điện Đắc Mi để không ảnh hưởng đến vùng hạ lưu sông Vu Gia nói chung và cấp nước sinh hoạt của Đà Nẵng nói riêng.

 

“Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan báo cáo trình Chính phủ, trong đó có việc quy định công trình thủy điện Đắc Mi cần xả nước về hạ du với lưu lượng lớn nhất là 25m3/s. Đây là tính toán cụ thể dựa vào nguồn nước trên sông cũng như nguồn nước hạ du. Với yêu cầu đó, nhà máy thủy điện Đắc Mi đã phải thiết kế 2 cống điều tiết của thủy điện với lượng xả 12,5m3/s” - ông Thuần khẳng định.

 

“Trong trường hợp hạn hán nghiêm trọng, thủy điện Đắc Mi 4 phải phối hợp với các công trình khác tiến hành điều hòa nguồn nước. Để đảm bảo khai thác sử dụng nước hài hòa, đặc biệt trong mùa cạn, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa cạn, trong đó có lưu vực sông Ba, sông Vu Gia - Thu Bồn. Khi đó sẽ qui định rõ qui trình điều tiết nước, duy trì dòng chảy tối thiểu, trách nhiệm của chủ đầu tư dự án… tránh tình trạng nhiều công trình tích nước vào mùa khô, xả nước vào mùa lũ” - ông Thuần nói.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc