Cảnh báo thời tiết diễn biến phức tạp

07:09, 07/04/2013
|

(VnMedia) - Từ đầu năm đến nay, hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc xoáy, mưa đá liên tục xảy ra trên diện rộng, cùng với đó là áp thấp nhiệt đới và bão đến sớm... cho thấy dấu hiệu của một mùa mưa bão phức tạp...

 

Ngày 6/4, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các Bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố.

 

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Diệu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thủy lợi, ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương biết, từ đầu năm 2013 đến nay, trên địa bàn cả nước đã xảy gần 35 đợt lốc xoáy, mưa đá, gây thiệt hại lớn về nhà cửa và nông nghiệp. Lốc xoáy, mưa đá đã xảy ra trên địa bàn 18 tỉnh, thành phố. Đó là các tỉnh Lào Cai, Cao Bằng, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Hà Giang, Sơn La, Bắc Cạn, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Kon Tum, Đắc Lắc, TP. Hồ Chí Minh, An Giang.

 

Còn theo ông Phạm Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, cùng những hiện tượng thời tiết cực đoan nói trên thì áp thấp nhiệt đới và bão năm nay cũng xuất hiện sớm, đồng thời nắng nóng được dự báo cũng sẽ đến sớm hơn, với cường độ được dự báo có thể gay gắt hơn năm trước.

 

Cùng với đó, ông Tăng cảnh báo, mùa mưa tới ở miền Trung sẽ tương đối "ác liệt" nên cần đề phòng lũ lớn trên các sông.


 Ảnh minh họa

 Dự báo, mùa mưa tới ở miền Trung sẽ tương đối ác liệt, cần đề phòng lũ quét - ảnh minh họa

 

Trong khi đó, tình hình khô hạn đang diễn ra hết sức căng thẳng. Bắt đầu từ tháng 10 và tháng 11/2012, khu vực Trung và Nam trung Bộ đã thiếu hụt từ 70-90%. Năm nay, dù lượng mưa ở khu vực Trung Bộ được dự báo cao hơn so với trung bình nhiều năm, tuy nhiên giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 8, lượng mưa trung bình nhiều năm vẫn còn ở mức thấp, do vậy tình hình khô hạn tại các tỉnh phía nam Trung Bộ được dự báo có khả năng đến cuối tháng 8/2013 mới dần được cải thiện.

 

Để công tác phòng chống bão lụt được hiệu quả, rút kinh nghiệm mùa mưa bão năm 2012, ông Tăng đề nghị cần có cơ chế kiểm duyệt thông tin bởi đã xảy ra những trường hợp các địa phương đưa ra dự báo bão sai, không đúng với bản tin do Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương đưa ra.

 

Ngoài ra, ông Tăng cũng kiến nghị cần có cơ chế cung cấp tin nóng cho lãnh đạo địa phương một cách kịp thời. Nội dung tin nhắn sẽ do Trung tậm Khí tượng Thủy văn Trung ương chuẩn bị.

 

Trung ương quyết liệt, địa phương chủ quan

 

Một trong những công tác quan trọng để giảm thiểu thiệt hại trong bão lũ chính là công tác tìm kiếm cứu nạn. Theo Thiếu tướng Phạm Hoài Giang, Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Cục trưởng Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), công tác tuyên truyền về phòng chống thiên tai, sự cố tuy đã được quan tâm, chú trọng hơn, song nhận thức của một bộ phận cán bộ, nhân dân vẫn còn tư tưởng chủ quan, đơn giản. “Ví dụ như trong cơn bão số 8 năm 2012, trong khi cấp Trung ương chỉ đạo rất quyết liệt nhưng cấp cơ sở xã, phường lại triển khai không cương quyết, còn chủ quan” - Thiếu tướng Giang nhận xét.

 

Ngoài ra, theo Thiếu tướng Giang, vẫn còn hiện tượng ngư dân giấu ngư trường, thông tin chưa vững chắc, thêm vào đó là chất lượng tàu, thuyền chưa đảm bảo, nhiều tàu không có phao cứu sinh... nên đã ảnh hưởng đến công tác cứu hộ, cứu nạn.

 

Thiếu tướng Phạm Hoài Giang cũng cho biết, quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cho các thành viên tổ chức tìm kiếm cứu nạn ở một số nơi vẫn chưa cụ thể, chưa rõ ràng; công tác xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó ở một số địa phương, đơn vị còn chung chung, sơ sài, chưa sát thực tế, thiếu tính khả thi; việc phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng theo từng phương án, kế hoạch ứng phó chưa chặt chẽ, chậm được triển khai...

 

Đặc biệt, theo Thiếu tướng Phạm Hoài Giang, thông tin yêu cầu cứu nạn trên biển hiện còn thiếu chính xác, không kịp thời. “Trong năm qua có 110 tin báo nạn giả trên tổng số 319 tin báo nạn trên biển, chiếm tới trên 37%” - Thiếu tướng Giang dẫn chứng và cho biết, điều này đã gây khó khăn, tốn kém cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn.

 

Theo Thiếu tướng Phạm Hoài Giang, để chủ động đối phó với thiên tai trong năm 2013, cần thực hiện đầy đủ theo phương châm chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, trong đó lấy phòng, tránh là chính.

 

Một số nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng đầu năm được Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đặt ra là: Củng cố, kiện toàn bộ máy, tổ chức của Ban chỉ đạo và Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành, địa phương; tăng cường công tác tập huấn, đào tạo đội ngũ cán bộ; tăng cường công tác quản lý tàu thuyền... Đặc biệt là công tác tổ chức, kiểm tra đánh giá chất lượng đê điều, hồ đập và công tình thủy lợi...


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc