Người Nghệ An bị xuất khẩu lao động "tẩy chay"?

08:14, 06/04/2013
|

(VnMedia) - Vấn đề kỳ thị lao động vùng miền đã từng một thời gây xôn xao dư luận khi có thông tin cho biết, lao động Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh bị “tẩy chay” tại một số thị trường lao động ở Bình Dương.

 

Sáng nay (5/4), trong chương trình đối thoại trực tuyến giữa Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, một số lao động tại Nghệ An lại nêu lên tình trạng lao động Nghệ An bị kỳ thị ngay cả trong khâu tuyển đi xuất khẩu lao động.

 

Theo đó, bạn Trần Thị Hạnh cùng một số lao động tại Nghệ An đặt câu hỏi cho Bộ trưởng: “Cho em xin hỏi tại sao xuất khẩu lao động Nhật Bản, một số công ty lại không nhận lao động Nghệ An? Em có đi tham gia phỏng vấn hai nơi, nhưng đều không nhận Nghệ An. Nếu thế, trước khi thi tuyển phải thông báo cho lao động biết, đằng này bọn em vẫn tham gia thi tuyển xong, họ bảo về chờ kết quả. Mấy ngày sau họ gọi bảo không nhận Nghệ An. Em không biết làm sao, nếu như thế thì em không bao giờ được đi ạ?”

 

Với vấn đề kỳ thị lao động vùng miền này, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định: “Theo chúng tôi được biết, đến thời điểm này các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn tiếp nhận lao động Việt Nam từ bất kỳ vùng miền nào, còn trường hợp cá biệt của bạn chúng tôi sẽ giao Cục Quản lý lao động ngoài nước để nắm thêm”.

 

Liên quan đến tình trạng một lao động ở Nghệ An bị lừa xuất khẩu lao động đi Angola, người đi được thì phải về nước sau 4 tháng với chằng chịt những vết sẹo do chủ lao động đánh đập, còn người chưa đi được thì mất trắng hàng chục triệu đồng tiền phí môi giới, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, đến thời điểm này, Việt Nam chưa có thỏa thuận lao động với Angola. Vì vậy, để hạn chế tình trạng bị lừa đảo, người lao động phải tìm hiểu kỹ thị trường đã hợp tác hay chưa, tổ chức đưa người lao động đi có hợp pháp hay không.

 

“Các bạn nên liên hệ với Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), kể cả về thị trường và phương thức đưa lao động. Bởi nếu bạn ra nước ngoài lao động mà không qua tổ chức hợp pháp thì sẽ gặp khó khăn trong việc được bảo vệ quyền lợi hợp pháp tại nước sở tại” - Bộ trưởng nói.

 

Còn đối với những người ở vùng sâu, vùng xa, không có điều kiện liên hệ trực tiếp với Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ trưởng khuyên người lao động hãy đến Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội để hỏi thông tin và nơi này sẽ có trách nhiệm liên hệ với Cục Quản lý lao động ngoài nước để tìm hiểu thông tin, trả lời cho người lao động.


 Ảnh minh họa

 Lao động Nghệ An phản ánh tình trạng không được tiếp nhận đi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản - ảnh minh hoạ


Rút giấy phép doanh nghiệp vi phạm về mức phí

 

Một vấn đề được rất nhiều lao động quan tâm, đó là phí đi xuất khẩu lao động. Theo quy định về phí vào thị trường Nhật Bản và Đài Loan là 4.000 - 4.500 USD, đi Hàn Quốc là 1.500 -2.700 USD, nhưng thực tế, mức thu tại các doanh nghiệp xuất khẩu lao động thường cao hơn.

 

Giải thích về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, các loại phí khi đi lao động ra nước ngoài, cụ thể mức phí đi từng nước là để giúp chuẩn bị cho người lao động như học ngoại ngữ, kiến thức cần thiết khi sang nước ngoài làm việc, vé máy bay, bảo hiểm xã hội trong thời gian làm việc ở nước ngoài.

 

“Nếu doanh nghiệp thực hiện trong khung phí quy định thì không vi phạm. Vừa qua, ở chỗ này, chỗ kia có hiện tượng doanh nghiệp thu phí vượt khung, chúng tôi đã cho kiểm tra” - Bộ trưởng nói..

 

Cùng làm rõ thêm về vấn đề phí, ông Lê Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Lao động ngoài cho biết, trong các văn bản quy định về phí môi giới xuất khẩu lao động hiện nay đều có quy định mức phí tối đa. (Ví dụ như đi Đài Loan tối đa là 4.000 USD). Nếu doanh nghiệp nào thu vượt mức này sẽ bị xử phạt, thậm chí bị đình chỉ giấy phép. Người lao động có thể thông báo cho Cục Lao động ngoài nước để xử lý các trường hợp thu vượt khung quy định.

 

“Vừa rồi, Cục Lao động ngoài nước đã kiểm tra, thanh tra và phát hiện một số trường hợp vi phạm. Cục đã tiến hành xử lý và rút giấy phép một số trường hợp” - ông Thanh khẳng định.

 

Liên quan đến vấn đề xuất khẩu lao động nói chung, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, thời gian qua, một số thị trường nhận lao động Việt Nam cũng có khó khăn về kinh tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, nên việc tiếp nhận lao động hạn chế. Ngoài ra, một số thị trường không còn hấp dẫn về thu nhập như Malaysia , thu nhập chỉ 8-10 triệu đồng/tháng.

 

Một nguyên nhân nữa ảnh hưởng đến chỉ tiêu xuất khẩu lao động là tình trạng lao động ở lại Hàn Quốc. “Nếu năm 2011, chúng ta đưa 15.000 lao động sang thị trường này thì năm 2012 chúng ta chỉ đưa được 9.000 người. Với những nguyên nhân trên đã tác động đến tổng thể mục tiêu đưa lao động ra ngoài nước của năm 2013” - Bộ trưởng nói.

 

Bộ trưởng cũng giải thích thêm về chỉ tiêu đưa 100.000 lao động ra nước ngoài trong năm 2013. Theo đó, “nếu thời điểm hiện tại thì chúng ta thấy khó khăn nhưng cũng có những tín hiệu tích cực nhất định như triển vọng đưa lao động là y tá, hộ lý sang Nhật Bản, Đức, hay một số thị trường Trung Đông, nếu tình hình ổn định trở lại thì chúng ta có thể tiếp tục đưa lao động sang được” - Bộ trưởng dự báo.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc