Cả nước vào cuộc sẵn sàng ứng phó với cúm A (H7N9)

07:11, 15/04/2013
|

Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh yêu cầu các ngành và UBND các tỉnh cần phối hợp chặt chẽ, để đủ sức ứng phó với dịch cúm A (H7N9) đang có nguy cơ xảy ra, cần công khai diễn biến dịch bệnh để người dân được biết.

Để sẵn sàng đối phó với dịch cúm A (H7N9), ngày 13/4, BCĐ quốc gia về phòng, chống đại dịch cúm ở người đã họp triển khai công tác phòng, chống dịch cúm A (H7N9) trên toàn quốc, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát. Lãnh đạo các bộ, ngành, lãnh đạo 63 tỉnh, thành; đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) đã tham dự.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, dịch cúm A (H7N9) diễn biến phức tạp khi số mắc gia tăng từng ngày, xảy ra trên diện rộng và chưa xác định được phương thức lây truyền; chưa có vaccin phòng bệnh; chưa có kinh nghiệm thực tế điều trị. Số người mắc cúm A (H7N9) có tỉ lệ tử vong cao, chiếm khoảng 30%; 72% là nam giới, đa phần ở nhóm tuổi trên 60.

Tại Trung Quốc đã có 38 người mắc và 10 người tử vong. Dịch bệnh có nguy cơ xâm nhập, lan truyền và bùng phát cao ở Việt Nam, do nước ta có đường biên dài gần 1.400km với Trung Quốc, hơn 40 cửa khẩu và việc vận chuyển lậu gia cầm về Việt Nam vẫn rất nóng. Nguy cơ cao còn vì đây là bệnh do chủng virus cúm A (H7N9) chưa từng gây bệnh cho người, có nguồn gốc gen từ virus cúm gia cầm; đã phát hiện virus cúm A (H7N9) trên chim bồ câu nên dễ có sự di chuyển của bệnh; đặc tính của virus cúm A là dễ biến đổi, tính thích nghi cao của chủng cúm A (H7N9) nên có khả năng lây nhiễm từ người sang người.

Hiện ngành Y tế đã kích hoạt khởi động toàn hệ thống để triển khai phòng chống dịch: phối hợp với: Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Biên phòng v.v… để phối hợp kiểm tra, giám sát, quản lý việc nhập khẩu, lưu thông gia cầm không rõ nguồn gốc v.v… Bộ Y tế đang tập trung giám sát tất cả các hành khách nhập cảnh vào Việt Nam qua các cửa khẩu, thông qua theo dõi thân nhiệt bằng hệ thống máy đo thân nhiệt từ xa và hệ thống giám sát cúm tại cộng đồng và sẵn sàng lấy mẫu xét nghiệm nhằm phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên (nếu có) để kịp thời cách ly và xử lý. Bộ Y tế cũng đã tập huấn cho tất cả các tỉnh, thành về công tác giám sát, chẩn đoán, thu dung điều trị bệnh nhân; rà soát thuốc, hóa chất, phương tiện phục vụ phòng chống dịch; cập nhật và phối hợp tốt với các cơ quan truyền thông, để tuyên truyền cho người dân không hoang mang và chủ động phòng chống.

Ông Takeshi Kasai, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đề nghị Việt Nam tăng cường giám sát để phát hiện sớm bệnh; thiết lập chẩn đoán phòng thí nghiệm; áp dụng các biện pháp phòng chống và kiểm soát khuẩn thích hợp trong cơ sở y tế và giám sát chặt chẽ tình trạng sức khỏe của nhân viên y tế; chuẩn bị sẵn sàng tại các cơ sở điều trị. Tuy nhiên, WHO không khuyến cáo áp dụng bất kỳ biện pháp nào hạn chế đi lại đối với người rời khỏi Trung Quốc, cũng như không nên áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại tại thời điểm này.

Đại diện của FAO cũng kiến nghị Việt Nam triển khai các biện pháp sinh học ở các trang trại và chợ buôn bán gia cầm để kiểm soát nhiễm virus.

Đại diện các ngành và các tỉnh đã trao đổi về công tác phòng, chống dịch cúm A (H7N9), trong đó, đặc biệt lo ngại khi tình trạng gia cầm nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp, là nguy cơ lây lan dịch: 3 tháng đầu năm 2013, ở Lạng Sơn và Quảng Ninh đã bắt 18 vụ nhập lậu gia cầm giống với trên 151 ngàn con; 20 vụ gia cầm giết thịt với hơn 10.000 con; khoảng 5 tấn thịt, sản phẩm gia cầm và hơn 45 ngàn quả trứng.

Để giám sát, phát hiện cúm A (H7N9) trên gia cầm cũng như trên người, nhằm tập trung xử lý sớm ổ dịch, không để bệnh lây lan, hạn chế thấp nhất tử vong, Bộ Y tế đề nghị Bộ Công an tăng cường điều tra ngăn chặn, bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm không đảm bảo an toàn thực phẩm; Bộ Tư lệnh Biên phòng phối hợp với chính quyền địa phương bắt giữ và xử lý nghiêm các vụ nhập khẩu trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm v.v… Chủ tịch UBND các tỉnh chỉ đạo ngành Y tế cùng các ngành liên quan xây dựng kế hoạch liên ngành phòng, chống dịch cúm A (H7N9) v.v…

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh yêu cầu các ngành và UBND các tỉnh cần phối hợp chặt chẽ, để đủ sức ứng phó với dịch cúm A (H7N9) đang có nguy cơ xảy ra. Nhân dân có quyền được biết tình hình dịch bệnh, vì thế, cần công khai diễn biến dịch bệnh, nên vai trò của truyền thông rất quan trọng để nhân dân hiểu và chủ phòng, chống. Phương pháp phòng bệnh và ở cơ sở là chính nên các cấp, ngành phải vào cuộc đồng bộ để ngăn chặn vận chuyển gia cầm lậu; cần khử trùng, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học tại các trang trại. Tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế để trao đổi thông tin thường xuyên trong phòng, chống dịch là điều đặc biệt ý nghĩa.


Báo Điện tử VnMedia

Ý kiến bạn đọc