Đậm đà Hương vị chợ quê ngày Tết

16:39, 09/02/2013
|

(VnMedia) - Những phiên chợ quê vẫn còn lưu giữ được những nét đẹp rất xưa trong truyền thông văn hóa dân tộc. Vào những ngày cuối năm, được đi một phiên chợ quê mới cảm nhận hết được không khí xuân đang về.

Đô thị hóa, cuộc sống của người dân có nhiều đổi khác nên phiên chợ quê cũng thay đổi theo từng ngày. Những phiên chợ đông vui, nhiều mặt hàng và cũng mang tính chất thương mại cao hơn, nhưng vẫn còn những nét cổ xưa được giữ lại cho đến hôm nay.

Ảnh minh họa

 Những chiếc bánh đa giòn tan... luôn hấp dẫn các trẻ em mỗi khi được đi chợ cùng bà hay mẹ


Các bà, các chị vẫn quẩy trên vai đôi quang gánh để đến chợ. Các mặt hàng được bán vẫn có một phần khá lớn là của nhà làm được, từ mớ rau đến hoa trái. Nhiều người đi chợ, ngoài bán còn có thể trao đổi với mọi người, có khi đổi chút thịt lấy mớ rau, cái quần cái áo.

Ảnh minh họa

ChợTết, ngào ngạt với mùi của hương trầm, mùi của lá dong giềng và đặc biệt vị thơm của mùi già...

Chợ quê những ngày giáp Tết càng đông vui. Ngoài những mặt hàng ngày thường, đi chợ vào những ngày này thấy đâu đâu cũng bày bán lá rong, lạt, cây quất, cành đào. Không khí Tết làm cả khu chợ quê rộn ràng, vui tươi hơn những ngày thường.

Ảnh minh họa

Tết, chợ sẽ họp cả ngày... với đầy đủ các loại thực phẩm
Khi trời mới tờ mờ sáng, những người bán hàng đến chợ, bầy biện hàng hóa. Còn những người đi chợ cũng đến từ rất sớm để tìm mua thực phẩm tươi ngon và để đỡ đông. Phiên chợ quê ngày Tết thường họp đến đầu giờ chiều, nếu càng vào những ngày giáp Tết, chợ sẽ họp cả ngày.

Mọi người đi chợ để sắm Tết, tìm mua cho gia đình những vật dụng, thực phẩm cần thiết. Có người đến chợ chỉ để tìm mua được một cành đào, nhưng quan trọng là để tìm lại không khí Tết của phiên chợ quê.

Các bà, các mẹ đi chợ tất bật tìm mua cho đủ những thứ cần thiết, còn những đứa trẻ thì háo hức để đợi được mua quần áo mới. Cho đến bây giờ, với những đứa trẻ quê, Tết là vui mừng vì có được mộ bộ quần áo đẹp, được mặc đi chúc Tết, chơi xuân.
Bác Nguyễn Thị Mai, chia sẻ: “ Cả năm mới có một cái Tết, đi chợ để mua cho mấy ngày Tết, mua đồ cho gia đình, mua quần áo mới cho con. Chợ Tết đông vui, nhiều mặt hàng hơn ngày thường nhưng cũng đắt hơn”.

Chị Mai Trang, một người dân địa phương, chia sẻ: “Mình sống trong Nam, Tết này về quê ăn Tết với gia đình. Theo mẹ đi chợ, mới nhận thấy chợ quê ở mình vẫn còn những nét rất xưa, khác hẳn với không khí của chợ thành phố. Mình thì không biết mua bán gì, chỉ chở mẹ đi thôi, nhưng đến chợ thấy rất thích, cảm giác cũng giống như ngày bé vẫn còn được ở nhà và theo mẹ đi chợ”.

Về quê đi chợ ngày Tết, nhiều người xa quê hương như tìm lại kỷ niệm xưa có biết bao nhiêu thứ để nhớ. Nhớ lại ngày nhỏ được bà cho đi chợ được mua bánh đa, khi mua bánh nếp thơm phưng phức... Nhớ những lần theo mẹ đi chợ mải chạy theo người bán kẹo kéo hoặc người “thợ” nặn tò he, với những hình rực rỡ như: Con gà, Tôn ngộ không, bông hoa hồng, cô gái mặc áo mớ ba mớ bảy… được nặn bằng thứ bột dẻo quẹo có pha tẩm phẩm xanh, đỏ, tím, vàng… vì mải mê ngắm nghía bị lạc không biết đường về.

Chợ Tết còn có hương rất riêng của ngày Tết, đó là mùi của hoa quả ngày Tết, mùi của hương trầm ngào ngạt, mùi của lá dong giềng…và đặc biệt đến với  chợ Tết là không thể quên được mùi hương của cây mùi già…

Đi chợ quê, ngoài mua sắm còn là để thưởng thức chút quà quê. Mọi người ngồi ở hàng, ăn tấm bánh, bát cháo, trò chuyện với nhau đôi ba câu chuyện. Ở quê mọi người thân nhau, biết đến chuyện của nhau nhiều hơn cũng là từ những câu chuyện bên hàng quà của phiên chợ quê. Ngày Tết dù bận rộn như cũng không ai bỏ qua những món quà quê ấy.

Chợ Tết, nhiều người như tìm về những kỷ niệm xưa, với nét văn hóa đã ăn sâu vào ký ức của mỗi người, nó là nơi thể hiện một phần đời sống của người dân. Sự tấp nập, nhộn nhịp của chợ quê ngày cuối năm vừa cho ta thấy những nét đẹp xưa, vừa chứng tỏ một phần không thể mất trong tinh hoa văn hóa dân tộc của người dân Việt nam.


Quỳnh Giang - Minh Phương

Ý kiến bạn đọc