Tham vấn công chúng để làm gì?

23:21, 08/02/2013
|

Trong quá trình xây dựng hiến pháp, xu thế hiện nay là tham vấn công chúng, thu hút sự tham gia góp ý rộng rãi của các nhóm xã hội về dự thảo hiến pháp. Cách làm này không chỉ giúp người dân thấy gắn bó và có trách nhiệm với những vấn đề của quốc gia, nâng cao kiến thức về hiến pháp mà còn bảo đảm tính đại diện, công khai, minh bạch và thúc đẩy đồng thuận xã hội.
 
Liên Hợp Quốc cho rằng, mỗi quốc gia cần khuyến khích sự tham gia của tất cả các tầng lớp xã hội trong quá trình soạn thảo hiến pháp. Những người hoạt động bảo vệ quyền con người, các hiệp hội chuyên gia pháp lý, truyền thông và các tổ chức xã hội dân sự, bao gồm đại diện của phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số, người bản địa, người tị nạn, người không quốc tịch, người lao động, các doanh nghiệp đều có tiếng nói trong quá trình này. Ở cấp quốc gia, luật về sửa đổi hiến pháp một số nước quy định Ủy ban soạn thảo hiến pháp phải tham vấn công chúng trong quá trình xây dựng dự thảo hiến pháp.

Tham vấn công chúng về hiến pháp là cách thức dân chủ, tạo điều kiện để người dân thể hiện quan điểm, chính kiến về toàn bộ hiến pháp nói chung cũng như đối với từng điều khoản cụ thể của hiến pháp. Thế mạnh của hình thức này thậm chí so với trưng cầu ý dân, khi mà mỗi người chỉ có thể nói “đồng ý”, “không đồng ý”, là ở chỗ có thể tạo điều kiện để người dân thảo luận, tạo diễn đàn tranh luận. Qua đó, về tâm lý, người dân cảm nhận được vai trò của mình, sự gắn bó của mình với các vấn đề quốc gia.

Tham vấn công chúng cũng nâng cao năng lực và kiến thức của nhân dân về Hiến pháp; chuẩn bị cho nhân dân tham gia vào các sự kiện chung, thực hiện và bảo vệ các quyền của mình; tôn trọng các nguyên tắc của hiến pháp; tăng cường tính hợp pháp của hiến pháp bằng cách đảm bảo rằng nó đã phản ánh sự quan tâm của nhân dân.

Tham vấn công chúng một cách thực chất góp phần bảo đảm tính đại diện rộng rãi, thu hút tất cả các bên liên quan vào quá trình thảo luận, thương lượng về Hiến pháp, nhất là những nhóm người yếu thế như phụ nữ, người khuyết tật, các dân tộc thiểu số, người nghèo. Chẳng hạn, quá trình xây dựng Hiến pháp ở Afghanistan năm 2004 đã có những biện pháp để đảm bảo phụ nữ được tham gia đầy đủ vào từng giai đoạn làm Hiến pháp. Vì hiến pháp là một đạo luật cơ bản, phản ánh lợi ích của các nhóm lợi ích, tầng lớp, giai cấp trong xã hội, nên điều quan trọng là làm thế nào để cho phép tất cả các bên đó được quyền tranh luận, trao đổi, bày tỏ quan điểm, đánh giá của mình, và quan trọng hơn, những ý kiến, quan điểm của họ được lắng nghe.

Thu hút sự đóng góp của công chúng vào hiến pháp cũng tăng cường tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho công chúng, xã hội dân sự, báo chí theo dõi từng bước đi của quá trình soạn thảo, thảo luận, thông qua hiến pháp, phản hồi về việc tiếp thu các ý kiến của công chúng, nhất là để báo chí tham dự, đưa tin về các hoạt động sửa đổi, bổ sung hiến pháp.

Tham vấn công chúng hướng đến sự đồng thuận xã hội, nhất là ở các nước vừa thoát khỏi xung đột, theo đó, có thể trong quá trình ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp sẽ có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau gay gắt, nhưng kết quả cuối cùng phải đạt được sự dung hòa, đáp ứng lợi ích lớn nhất, chung nhất của xã hội, của quốc gia. Bởi lẽ, suy cho cùng, hiến pháp thể hiện ý chí chung, nguyện vọng của toàn thể nhân dân trong một quốc gia.


Báo Điện tử VnMedia

Ý kiến bạn đọc