Mỗi trạm thu phí chỉ được bán quyền 10 năm

07:15, 22/01/2013
|

(VnMedia) - Theo quy định của Chính phủ có hiệu lực từ 1/3/2013, mỗi trạm thu phí chỉ được bán quyền thu phí trong vòng 10 năm.

>>Sắp dừng hoạt động thêm 2 trạm thu phí

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Theo đó, để hạn chế tình trạng các trạm thu phí được bán quyền quá lâu, Nghị định dành một số nội dung quy định, từ 1/3 tới, việc bán quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ chỉ được kéo dài trong vòng 10 năm.

Cụ thể, Nghị định quy định, việc bán quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ là việc Nhà nước chuyển giao quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ cho tổ chức, cá nhân thực hiện trong một thời hạn nhất định theo Hợp đồng để nhận một khoản tiền tương ứng.

Việc bán quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ được áp dụng đối với đường bộ đã được xây dựng. Căn cứ lưu lượng vận tải thực tế, tác động của việc thu phí đến sự phát triển kinh tế xã hội và khả năng thu phí của từng tài sản hạ tầng đường bộ; định kỳ hàng năm Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện thống kê, rà soát, lập phương án bán quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi quản lý.

Thời hạn bán quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng giao thông đường bộ được xác định cho từng Hợp đồng nhưng tối đa không quá 10 năm.. Số tiền thu được từ bán quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ sau khi trừ các chi phí có liên quan được sử dụng để đầu tư phát triển và bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Việc bán quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ được thực hiện theo hình thức đấu giá; trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

 Ảnh minh họa

Theo Nghị định mới ban hành của Chính phủ, tới đây thời gian bán quyền thu phí của mỗi trạm thu phí sử dụng đường bộ chỉ kéo dài 10 năm. Ảnh: Tùng Nguyễn

Theo Nghị định của Chính phủ, từ 1/1/2013, chủ sử dụng phương tiện ô tô, xe máy phải đóng Quỹ Bảo trì đường bộ. Theo đó, mỗi năm người sử dụng xe máy phải đóng từ 50-150.000 đồng tùy theo dung lượng, ô tô từ 130.000-1.050.000 đồng/tháng, tùy theo từng loại xe.

Cuối tháng 12/2012, chuẩn bị cho Quỹ Bảo trì đường bộ đi vào hoạt động, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải xóa bỏ, dừng thu từ ngày 1/1/2013 đối với các trạm thu phí sử dụng đường bộ nộp ngân sách nhà nước, các trạm thu phí sử dụng đường bộ trả nợ vay.

Người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xử lý đối với các trạm thu phí khác (trừ các trạm thu phí hoàn vốn các dự án BOT) trong tháng 1/2013, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
 
Đối với các trạm thu phí trên hệ thống đường địa phương, Thủ tướng Chính phủ cũng giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xử lý, sắp xếp các trạm thu phí thuộc phạm vi quản lý theo nguyên tắc nêu trên.
 
Trước thời điểm 1/1/2013, trên cả nước có khoảng 57 trạm thu phí. Theo phân loại của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tại thời điểm trên có 12 trạm nộp ngân sách, 5 trạm trả nợ vay, 5 trạm đang bán quyền thu phí, 29 trạm thu hoàn vốn dự án BOT, 4 trạm thu hỗ trợ vốn dự án BOT, 1 trạm thu để hình thành vốn điều lệ cho CIPM Cửu Long, 1 trạm thu hoàn vốn đường cao t
ốc.


Vạn Xuân

Ý kiến bạn đọc