Những qui định có hiệu lực ngay ... trên giấy!

06:49, 21/01/2013
|

(VnMedia) - Thời gian gần đây, nhiều quy định do ra đời quá vội vàng, chưa nghiên cứu kỹ nhưng lại yêu cầu có hiệu lực ngay nên đã bị người dân phản ứng và dẫn đến… chết yểu ngay khi mới ra đời.

 

Những quy định gây bất ngờ lớn…

 

Chỉ tính riêng vài tháng gần đây, một số quy định vừa “ra lò” đã khiến dư luận bị “sốc nặng”.

 

Hồi tháng 7/2012, các bà bán trứng được một phen “tá hỏa” vì quy định bán trứng gia cầm phải có nguồn gốc. Theo Thông tư của Bộ NN&PTNT, các cơ sở bán lẻ phải được đóng gói, có nhãn mác theo đúng quy định và còn trong thời hạn sử dụng. Ngoài ra, trứng bày bán phải có nguồn gốc rõ ràng và có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y theo quy định, đồng thời, phải được làm sạch, khử trùng, đóng gói và có nhãn mác theo đúng quy định khi bày bán. Một điểm đáng lưu ý nữa là người bán hàng phải có Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm.

 

Tiếp đó, phải nói đến quy định chỉ được bán thịt trong 8 giờ kể từ khi giết mổ, được ban hành hồi đầu tháng 8 vừa qua. Theo Thông tư 33/2012/TT-BNNPTNT, kể từ ngày 3/9, các sản phẩm thịt và phụ phẩm (toàn bộ đầu, đuôi, chân, da, mỡ và phủ tạng ăn được của động vật) bảo quản ở nhiệt độ thường chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ.
 

Bất ngờ nhất có lẽ là quy định “xe chính chủ”. Theo quy định tại Nghị định 71, người dân sau khi mua, bán phương tiện trong vòng 30 ngày phải đến cơ quan đăng ký, làm thủ tục sang tên, chuyển quyền sở hữu...

 

Đối với xe lưu thông trên đường, nếu CSGT kiểm tra, phát hiện không làm thủ tục sang tên đổi chủ, sẽ ra quyết định xử phạt người điều khiển, nhưng không tạm giữ phương tiện. Còn với người đi xe của bạn bè, người thân đều phải chứng minh được chủ phương tiện là ai, như cần có sổ hộ khẩu, giấy chứng minh hoặc giấy khai sinh,

 

Cách đây ít ngày, Bộ Y tế lại ra quy định về “Điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố”. Theo đó, người đang mắc các bệnh truyền nhiễm không được phép tiếp xúc trực tiếp trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm (danh sách do Bộ Y tế quy định) thì không được tham gia kinh doanh thức ăn đường phố.

 

Theo quy định, người bán thức ăn đường phố cũng phải tham gia tập huấn về ATTP và được cấp giấy chứng nhận tập huấn kiến thức về ATTP; trang phục phải sạch, dùng găng tay sử dụng một lần khi tiếp xúc với thực phẩm…

 

Các phương tiện kinh doanh thực phẩm ăn ngay bán rong phải có khoang riêng chứa thực phẩm chín, đảm bảo chống được bụi, bẩn, mưa nắng, côn trùng. Nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thực phẩm bao gói, chế biến sẵn bảo đảm có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và bảo đảm ATTP theo quy định…


 Ảnh minh họa

 Bất kỳ một quyết định nào, dù có lợi với người dân cũng phải được người dân ủng hộ thì quyết định đó mới đi vào cuộc sống.

 

… dễ “chết yểu”!

 

Đối với quy định chỉ được bán thịt trong vòng 8 giờ sau khi giết mổ, không chỉ người dân phản ứng mà ngay chính Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần cũng cho rằng, không ai có thể kiểm soát và chứng minh được sự vi phạm về thời gian.

 

Kết quả là, ngay khi quy định về bán thịt trong vòng 8 giờ sau khi giết mổ chưa có hiệu lực thi hành, trước phản ứng của người dân, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đã dừng hiệu lực thực hiện Thông tư này. Tương tự, quy định về bán trứng gia cầm cũng đã bịhủy bỏ..

 

Theo nhiều ý kiến, việc thực hiện theo những quy định về bán trứng trong điều kiện hiện nay là không tưởng bởi đặc điểm chăn nuôi ở Việt Nam khác những nước phát triển khác ở chỗ, các nước đó chủ yếu nuôi gia cầm theo môt hình trang trại, công ty… còn ở Việt Nam, chủ yếu người nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ. Trứng được bày bán ở khắp nơi, từ chợ quê, chợ cóc cho tới siêu thị.

 

Đối với việc bán thịt cũng vậy, khi mà các lò mổ tư nhân, lò mổ tự phát còn tràn lan, khi mà thịt được bán từ ngõ ngách cho đến đường phố chưa có biện pháp giải quyết thì quy định về thời gian nói trên là không khả thi, nếu không nói là chỉ quy định cho vui.

 

Quy định về thức ăn đường phố của Bộ Y tế (bắt đầu có hiệu lực từ ngày 20/1) cũng đang được dự báo sẽ “chết yểu”, bởi cho đến thời điểm hiện tại, hầu như những người tham gia làm nghề này vẫn còn… ngơ ngác. Thứ nhất, chưa có ai thông tin cho họ biết về những quy định đó và quan trọng hơn, với những điều kiện kinh tế, xã hội, tập quán… như ở Việt Nam hiện nay, liệu ngành Y tế có đủ khả năng để kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện những quy định đó hay không.

 

Tương tự, quy định “xe chính chủ” đã khiến dư luận một phen “nổi sóng” phản đối. Thậm chí, một đại biểu Quốc hội còn cho rằng, đây là một quy định sai luật và không khả thi. Cho đến nay, quy định này đã phải tạm dừng.

 

Không ai phủ nhận những quy định nói trên ra đời chủ yếu là nhằm để vảo vệ sức khỏe, lợi ích cho người dân, đồng thời giúp cho công tác quản lý của các cơ quan chức năng được thuận tiện hơn. Tuy nhiên, việc cho “ra lò” những quy định một cách vội vàng, không có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, chưa được chuẩn bị về phương thức thực hiện cũng như chưa có đủ thời gian để tuyên truyền, hỗ trợ cho người dân chính là nguyên nhân khiến cho những quy định đó bị phản ứng gay gắt.

 

Các cơ quan chức năng có lẽ nên hiểu rằng, bất kỳ một quyết định nào, dù có lợi với người dân cũng phải được người dân ủng hộ thì quyết định đó mới đi vào cuộc sống.


Mỹ Hạnh

Ý kiến bạn đọc