Vì sao tham nhũng càng nhiều, phát hiện càng ít?

06:49, 23/08/2012
|

(VnMedia) -  Tại phiên chất vấn sáng nay, đại biểu Nguyễn Đình Quyền đã hai lần chất vấn Tồng thanh tra Chính phủ về hiện tượng tham nhũng ngày càng nghiêm trọng nhưng số vụ được phát hiện thì ngày càng ít.


Tham nhũng gây bất bình trong xã hội

 

Báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, đến nay, công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) đã có bước tiến tích cực. Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được quan tâm thực hiện đồng bộ, nhất là việc công khai, minh bạch hoạt động của bộ máy nhà nước, cải cách hành chính, quản lý, sử dụng tài sản công. Trên một số lĩnh vực, tham nhũng đã từng bước được kiềm chế. Những kết quả đạt được có ý nghĩa quan trọng để tiếp tục thực hiện có hiệu quả cao hơn trong công tác PCTN trong thời gian tới.

 

Tuy nhiên, Tổng Thanh tra cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, công tác PCTN chưa đạt yêu cầu và mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng. Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội; là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

 

Theo Tổng Thanh tra, nguyên nhân là do một số cơ quan, đơn vị và người đứng đầu chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PCTN. Nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi bị buông lỏng. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, trong đó có những người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân…

 

Công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật ở nhiều nơi, nhiều cấp chưa thường xuyên, công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử hiệu quả chưa cao, việc xử lý tham nhũng còn chưa nghiêm, chưa kịp thời; các biện pháp hỗ trợ hoạt động tư pháp còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, vì vậy việc phát hiện và xử lý tham nhũng gặp nhiều khó khăn.


 Ảnh minh họa

 Đại biểu chất vấn tại phiên họp chiều 21/8

 

Càng tham nhũng nhiều, càng phát hiện ít: Vì sao?

 

Chất vấn tại phiên họp sáng nay, đại biểu Nguyễn Đình Quyền thẳng thắn nhận định, qua 5 năm thực hiện nghị quyết Trung ương 3, và 5 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng, nhưng tình hình tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng. “Tuy nhiên, thực trạng đáng lo ngại nhất chính là việc phát hiện các vụ việc tham nhũng năm sau lại giảm hơn năm trước. Đề nghị Tổng thanh tra cho biết, nguyên nhân của hiện tượng này là gì, đồng thời làm rõ hiệu quả của công tác thanh tra cũng như trách nhiệm của cơ quan thanh tra trong ít phát hiện ra tham nhũng”.

 

Trả lời “câu hỏi khó” này, Tổng thanh tra Chính phủ Nguyễn Phong Tranh cho biết, không phải thời gian đầu phát hiện nhiều vụ việc vi phạm hơn, mà vì trước đó, trong thời gian dài chưa có thống kê nên những năm đầu thống kê ra số lượng cao hơn. Những năm về sau thấy phát hiện ít hơn là do ít vụ việc tồn đọng.

 

Đặc biệt, Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, tham nhũng là hành vi tinh vi, khó phát hiện, và càng về sau người tham nhũng là người có chức vụ quyền hành nên việc phát hiện khó khăn, đặc biệt là trong các tổ chức cơ quan nhà nước.

 

Không bằng lòng với câu trả lời này, đại biểu Nguyễn Đình Quyền tái chất vấn: “Về nguyên nhân mà Tổng Thanh tra nêu lên, tôi chưa đồng tình. Sự tinh vi phức tạp thì cách đây 10 năm vẫn tinh vi thế, về năng lực thì chúng ta qua 5 năm thực hiện nghị quyết và luật, đã được kiện toàn về mặt tổ chức, năng lực được nâng cao, con người thì năm sau nhiều hơn năm trước”.

 

Đại biểu Quyền đặt thêm câu hỏi: “Phải chăng ở đây có vấn đề về lợi ích nhóm, bao che trong đội ngũ cán bộ của chúng ta trong vấn đề chống tham nhũng? Năng lực không thiếu, tổ chức không thiếu… lại vẫn phát hiện ít. Chúng ta phải đi vào công tác quản lý cán bộ, làm rõ trách nhiệm của thanh tra trong việc phát hiện sai phạm liên quan đến tham nhũng, chứ không phải là vấn đề khách quan. Theo tôi, nguyên nhân chủ yếu là do chủ quan”.

 

Trước câu hỏi tái chất vấn của đại biểu Quyền, Tổng Thanh tra Chính phủ hứa: “Trong thời gian tới đây, chúng tôi sẽ làm kỹ hơn, tích cực hơn để làm sao hoàn thành trách nhiệm của mình. Trong thời gian vừa qua, chắc là chất lượng công tác của ngành thanh tra chưa thật tốt, kết quả chưa nhiều, đó là trách nhiệm của chúng tôi".

 

Tổng Thanh tra Chính phủ cũng cho biết thêm, "đối với công tác thanh tra, chức năng của thanh tra chính phủ là chức năng tổ chức thanh tra, chức năng thẩm quyền của thanh tra được luật quy định, nhưng việc phát hiện vẫn “rất là khó”. Trong nhiều thời gian, thời kỳ đã được đề cập, nhưng nói chung trong cả nước chưa tốt, chưa đến nơi đến chốn, chúng tôi sẽ tiếp thu, thể hiện trách nhiệm của mình…”.

 

Tham gia chất vấn, đại biểu Nguyễn Minh Tiến cũng thẳng thắn cho biết: "Qua đường dây nóng, tôi nhận được thắc mắc của cử tri là doanh nghiệ, rằng mỗi khi có thông báo sắp có cuộc thanh tra, doanh nghiệp ngoài việc phải lo chuẩn bị tài liệu, còn phải lo tiếp đón nồng nhiệt lúc thanh tra đến, chăm sóc chú đáo lúc thanh tra làm việc và tiễn đưa hậu hĩnh lúc chia tay… Đó có phải là nguyên nhân của việc không phát hiện ra hàng trăm vụ tham nhũng không?”.

 

Trả lời câu hỏi này, Tổng Thanh tra nói: “Chúng tôi xin tiếp thu ý kiến đại biểu. Việc đại biểu nói là hoàn toàn có và trong thời gian vừa qua Thanh tra Chính phủ cũng đã xử lý hành vi này. Từ năm 2007 đến năm 2012, chúng tôi đã xử lý 6 cán bộ, trong đó hai trường hợp bị xử lý hình sự, một trường hợp bị thôi việc. Trường hợp thanh tra nhũng nhiễu, thiếu công minh là chính xác, tôi sẽ tăng cường quản lý giáo dục và sẽ phát động văn hoá thanh tra, thanh lọc bộ máy".


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc