Hà Nội: "Xẻ thịt" đê điều vì mục đích cá nhân

13:47, 18/07/2012
|

(VnMedia) - Những kết luận về tình hình vi phạm Luật đê điều ở Hà Nội vừa được công bố khiến không ít người giật mình quan ngại.

Theo kết quả kiểm tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình vi phạm pháp luật về đê điều, phòng chống lụt bão trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn đang diễn ra phức tạp, còn tồn đọng nhiều vụ vi phạm chưa xử lý được. Nguy hiểm hơn, quá trình kiểm tra cho thấy đã phát sinh những vụ việc mới có tính chất, mức độ nghiêm trọng.

 

Theo đó, tính từ năm 2008 đến hết Quý I năm 2012, trên địa bàn Thành phố xảy ra đến 1.616 vụ vi phạm, hiện đã xử lý được 741 vụ, chỉ đạt 45,85%, còn tồn đọng tới 875 vụ.

 

Kết quả kiểm tra cho thấy, hình thức vi phạm chủ yếu là lấn chiếm hành lang bảo vệ đê làm nhà ở, nhà xưởng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; xẻ đê làm dốc; xây dựng lò gạch trên bãi sông, đổ đất, phế thải lấn chiếm bãi sông, lòng sông; xây dựng công trình trái phép trong chỉ giới thoát lũ; khai thác cát không phép.

 

Đặc biệt nghiêm trọng là các vi phạm tập kết đất, cát, vật liệu xây dựng với khối lượng và chiều cao lớn ở trên bãi sông ảnh hưởng đến thoát lũ, ổn định bờ, bãi sông, ảnh hưởng an toàn đê điều; xe quá tải trọng cho phép đi trên đê xảy ra ở hầu trên các tuyến đê của Thành phố làm hư hỏng mặt, thân đê; đổ đất, phế thải san lấp mặt bằng lấn chiếm bãi sông, lòng sông.

 

Những địa bàn có nhiều vụ vi phạm là các quận, huyện, thị xã như Ứng Hoà, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Sơn Tây, Từ Liêm, Hoàng Mai, Tây Hồ, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn,…

 

Theo Đoàn kiểm tra, một số vụ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thoát lũ, an toàn đê điều như: Tập kết cát sỏi, vật liệu với khối lượng lớn trên bãi sông Hồng khu vực thượng, hạ lưu cầu Thăng Long, huyện Từ Liêm và trên địa bàn xã Thống Nhất, thị trấn Vạn Điểm, huyện Thường Tín; Xây dựng lò gạch, chất tải đất ở bờ hữu sông Hồng khu vực các xã Hồng Thái, Phú Minh, huyện Phú Xuyên.

 

Ngoài ra, hiện tượng xây dựng mới, sửa chữa, cơi nới mở rộng diện tích nhà xưởng, công trình, chất tải trên bãi sông trái phép, không phép trên bãi sông Hồng, huyện Từ Liêm của Công ty Cổ phần sản xuất và dịch vụ du lịch Chèm và Công ty Cổ phần thương mại Nam Thăng Long;

 

Trong khi đó, hiện tượng đổ đất, phế thải xây dựng lấn chiếm, nâng cao cao trình bãi sông, lòng sông với quy mô lớn, xây dựng công trình trái phép ở bãi sông, trong chỉ giới thoát lũ sông Hồng tại khu vực cầu Nhật Tân, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ; khu vực gầm cầu Thanh Trì, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai.

 

Đặc biệt vụ việc xây dựng công trình kiên cố, quy mô lớn trong vi bảo vệ đê điều của hộ gia đình ông Nguyễn Quốc Công xã Phong Vân, huyện Ba Vì.


 Ảnh minh họa

 Một công trình vi phạm Luật đê điều - ảnh minh hoạ TTXVN


Buông lỏng quản lý, xử lý vi phạm không nghiêm

 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để xảy ra tình trạng trên có nguyên nhân là chính quyền địa phương, cơ quan chức năng còn buông lỏng quản lý, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình đã được pháp luật quy định.

 

Các chỉ thị, quyết định, văn bản chỉ đạo xử lý vi phạm của UBND Thành phố chưa quy định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao xử lý vi phạm nên hiệu lực, hiệu quả còn hạn chế.

 

Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, việc thực thi các quyết định, văn bản chỉ đạo xử lý vi phạm chưa nghiêm túc, mang tính hình thức, chưa mang tính răn đe, có những cơ quan chức năng ở địa phương đã đưa ra hàng loạt quyết định đình chỉ, cưỡng chế nhưng không triển khai thực hiện một cách kiên quyết dẫn đến vi phạm vẫn tồn tại, hầu hết các quyết định cưỡng chế chỉ xử lý vi phạm về trật tự xây dựng mà không đề cập đến vi phạm pháp luật về đê điều, phòng chống lụt bão nên làm giảm mức độ nghiêm trọng củahành vi vi phạm.

 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng chỉ ra một nguyên nhân không kém phần quan trọng, đó là sự phối hợp trong thực hiện trách nhiệm quản lý, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật giữa các cấp, ngành còn chưa chặt chẽ, đùn đẩy trách nhiệm quản lý. Trong khi đó, việc giao, cho thuê đất, cấp phép cho các hoạt động liên quan ở khu vực bãi sông, ven đê nhiều nơi chưa đảm bảo tính pháp lý, chưa phù hợp pháp luật về đê điều, chống lụt bão.

 

Bộ này cũng đánh giá rằng, công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát của các quận, huyện, thành phố chưa chặt chẽ nên việc thực hiện xử lý vi phạm theo kết luận thanh tra, các quyết định cưỡng chế chưa được thực hiện nghiêm túc.

Trước những vi phạm tràn lan nói trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đề nghị Thanh tra Thành phố làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc để xảy ra vi phạm hoặc thiếu kiên quyết trong việc xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và phòng chống lụt bão theo chỉ đạo của UBND Thành phố.

Bộ Nông nghiệp nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị công an Thành phố và các đơn vị liên quan nghiên cứu, xem xét một số vụ vi phạm nghiêm trọng kéo dài, cố ý làm trái, đã nhiều lần lập biên bản... để xử lý theo quy định.

Bài 2: Cả gan, ngoan cố chặn dòng thoát lũ sông Hồng


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc