Thúc đẩy an toàn vệ sinh lao động trong khai thác mỏ

11:10, 18/07/2012
|

(VnMedia) - Ngày 16/7/2012, tại Quảng Ninh, Cục An toàn Lao động, Bộ Lao động Thương binh xã hội đã phối hợp với Hiệp hội An toàn mỏ Quốc Tế (ISSA Mining – CHLB Đức) tổ chức hội thảo “Thúc đẩy phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN) trong các ngành có nguy cơ cao tại Việt Nam”.

Hội thảo diễn ra tại nơi tập trung nhiều ngành công nghiệp nặng như: Khai thác than, khai thác đá, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp đóng tàu,… nhằm chia sẻ kinh nghiệm của chuyên gia mỏ đối với những cán bộ làm công tác ATVSLĐ trong các mỏ của Quảng Ninh, qua đó nâng cao hiệu quả của công tác ATVSLĐ trong ngành khai thác mỏ nói riêng cũng như trong các ngành có nguy cơ cao nói chung.

Đến dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thanh Hòa; Ông Hà Tất Thắng, Cục Trưởng Cục An toàn Lao động; Đại diện Hiệp hội An toàn mỏ Quốc Tế; Đại diện lãnh đạo sở LĐTBXH Quảng Ninh; các cán bộ phụ trách công tác ATVSLĐ đến từ các doanh nghiệp trong toàn tỉnh Quảng Ninh cùng đại diện các ban ngành liên quan.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa cho biết: Thời gian gần đây các ngành, các cấp, các doanh nghiệp đã có nhiều cố gắng trong công tác ATVSLĐ, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan, song do sự phát triển kinh tế nhanh chóng, sự gia tăng số lượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ và lực lượng lao động, Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và sự ô nhiễm môi trường. Một trong những quyền của người lao động là được làm việc trong môi trường an toàn và điều kiện lao động được đảm bảo, do đó thực hiện tốt công tác ATVSLĐ là yếu tố then chốt nhằm đảm bảo việc làm bền vững cho mọi người lao động, phòng tránh tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động đã thông tin về thực trạng ATVSLĐ trong các ngành có nguy cơ cao (xây dựng, khai thác mỏ, hóa chất) tại Việt Nam hiện nay, đồng thời chỉ ra nguyên nhân và những giải pháp để cải thiện tình trạng TNLĐ và BNN, trong đó nhấn mạnh đến việc cần xây dựng Luật An toàn vệ sinh lao động. Ông cho biết, việc nghiên cứu xây dựng Luật an toàn vệ sinh lao động của Việt Nam đã được đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh tại Quốc hội khóa XIII và được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng từ năm 2012, trình Quốc hội năm 2014, có hiệu lực năm 2015. Ông Thắng tin rằng Luật này ra đời sẽ tăng tính thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa TNLĐ và BNN.

Ông Helmut Ehnes, Tổng Thư ký ISSA Mining đưa ra Tầm nhìn Zero – Chiến lược phòng ngừa toàn cầu mới của ISSA Mining, theo đó Tầm nhin Zero là một chiến lược phòng ngừa cho một tương lai an toàn không có tử vong hay các căn bệnh nghề nghiệp nghiêm trọng, các tai nạn lao động và tai nạn giao thông. Và bảy nguyên tắc vàng để thực hiện tầm nhìn Zero, đó là:  1. Đưa ra cam kết lãnh đạo; 2. Nhận biết các mối nguy hiểm và rủi ro; 3. Đặt ra các mục tiêu an toàn và sức khỏe lao động; 4. Đảm bảo các hệ thống an toàn; 5. Sử dụng công nghệ an toàn và lành mạnh; 6. Nâng cao trình độ; 7. Đầu tư về con người. Ông cũng cho biết ngành khai thác mỏ là ngành nhiều rủi ro, tỷ lệ tử vong của thợ mỏ cao gấp 8 lần các ngành khác, do đó cần phải thực hiện tốt 7 nguyên tắc vàng để đạt được tầm nhìn Zero.

Tại hội thảo, đại diện Sở Lao động - TBXH Quảng Ninh báo cáo tình hình tai nạn lao động trong các ngành có nguy cơ cao tại tỉnh và các giải pháp cải thiện. Quảng Ninh là tỉnh công nghiệp với khoảng 5.125 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, tập trung nhiều ngành công nghiệp nặng như: Khai thác than, khai thác đá, sản xuất vật liệu xây dựng, lắp máy, công nghiệp đóng tàu,… Đây là những ngành nghề nhiều người lao động phải làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đặc biệt là các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người. Nhận thức rõ điều đó, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội,…trong toàn tỉnh luôn chú trọng đến công tác an toàn vệ sinh lao động, từ tuyên truyền, huấn luyện, đến đầu tư các trang thiết bị, kỹ thuật an toàn,… để tạo môi trường làm việc tốt nhất cho người lao động.

Hội thảo cũng được nghe chuyên gia của ISSA Mining chia sẻ kinh nghiệm trong công tác ATVSLĐ trong ngành khai thác mỏ ở Đức. Các đại biểu cũng thảo luận sôi nổi nhằm đưa ra những giải pháp tăng cường an toàn vệ sinh lao động trong các ngành có nguy cơ cao.


Thanh Hà

Ý kiến bạn đọc