Vợ liệt sỹ cô đơn mong thành “ma có nhà”

15:12, 10/05/2012
|

(VnMedia) - Vừa cưới nhau, chưa kịp có được một người con thì chồng bà Liễu nhập ngũ. Chẳng bao lâu sau đó, chồng bà hy sinh. Gia cảnh bên đằng nội khốn khó, bà Liễu phải nương nhờ đằng ngoại. Giờ đây, khi tuổi đã già, bà mong muốn sau khi chết có một mảnh đất để người cháu trai bên chồng làm nơi thờ cúng hai vợ chồng. Chạy vạy, vay mượn, bà Liễu đã mua mảnh đất nhưng rốt cuộc lại rơi vào cảnh khốn khó...

Thủ tiết chờ chồng

Ảnh minh họa

Bà Liễu vẫn đau đáu cái ngày có đất để thành "ma có nhà"


Tìm đến ngôi nhà nơi bà Đỗ Thị Liễu (SN 1944, trú tại Tổ 1, cụm dân cư số 4, phường Hưng Đạo, quận Dương Kinh, Hải Phòng), dù đã được giới thiệu qua về tình hình sức khỏe của nhân vật nhưng chúng tôi không thể tưởng tượng nổi hoàn cảnh của bà Liễu lại éo le, thương cảm đến thế.

Gọi cửa một hồi lâu, bà Liễu với gương mặt có một bên gò má vàng quạch bởi bôi nghệ lên vết thương, chậm chạp lết từng bước theo chiếc gậy chống có ba chân ra mở cửa đón khách. Bà gật đầu tỏ ý chào hỏi. Tưởng bà lão bị nặng tai nên chúng tôi hỏi thăm rất to, nhưng tuyệt nhiên bà lão vẫn im lặng. Thấy có khách lạ, ông Đỗ Văn Điểm (75 tuổi, anh trai bà Liễu) sống ở ngôi nhà kế bên vội chạy sang.

Ông Điểm thanh minh: “Từ sau trận ốm thập tử nhất sinh năm 2002, bà ấy không nói được nữa, chỉ lí nhí trong cổ họng, phải ghé sát mới vừa nghe, vừa đoán ý bà ấy mà hiểu thôi. Dạo gần đây, bà em tôi lại bị ngã tưởng chết. May mà các cháu nó phát hiện sớm, cấp cứu kịp thời, nhưng giờ đi lại không vững, chân tay run, người thì đầy vết trầy xước…”.

Bà Liễu tuy rất yếu, khó nhọc trong đi lại, trò chuyện nhưng bù lại, đầu óc vẫn còn rất tỉnh táo, tinh tường mọi việc. Vì bà Liễu không thể trò chuyện nên ông Điểm phải thay em lên tiếng. Bà ngồi lặng im bên anh trai, thi thoảng đưa ánh mắt đầy cầu khẩn về phía chúng tôi. Ánh nhìn của người phụ nữ chất chứa bao bức xúc nhưng không thể nói nên lời trông sao day dứt.

Theo lời kể của ông Điểm, em gái ông lấy chồng là người cùng quê từ thủa còn mười tám, đôi mươi. Khoảng năm 1964, nghe theo tiếng gọi của Đảng đi khai hoang vùng đất mới, bà Liễu cùng gia đình chồng chuyển lên Lào Cai sinh sống. Rồi cũng trong năm ấy, chồng bà Liễu là ông Đỗ Minh Kha đã lên đường nhập ngũ.

Khi chồng đi bộ đội, bà Liễu đã mang trong mình một sinh linh bé nhỏ. Nhưng rồi, cuộc sống khổ cực khiến bà Liễu không giữ được con. Để nguôi ngoai nỗi đau và nỗi nhớ chồng, bà Liễu xin theo học một trường sư phạm và ra làm cô giáo ở Lào Cai. Đến năm 1969, bà Liễu nhận được giấy báo tử của chồng. Ông hy sinh tại chiến trường Tây Nguyên. Đau đớn, tuyệt vọng nhưng bà Liễu vẫn gắng sức làm tròn vai trò người vợ goá, ở vậy thờ chồng.

Sau đó ít lâu, thương cảnh em sớm góa chồng, ông Điềm đã đích thân từ Hải Phòng lên Lào Cai xin phép đón và chuyển công tác của bà Liễu về quê. Từ đó đến nay, bà Liễu nương nhờ vào bên ngoại, trong căn nhà do bố mẹ để lại cho 4 anh em bà. Dù sau đó, gia đình chồng của bà Liễu cũng chuyển về sinh sống tại Hải Phòng, nhưng do điều kiện đấy chật, người đông, bà Liễu vẫn ở nhờ nhà ngoại và qua lại thăm nom gia đình chồng thường xuyên.

Quá khứ hạnh phúc với người chồng liệt sỹ tuy "ngắn chẳng tày gang” nhưng là những tháng ngày đẹp đẽ nhất cuộc đời bà Liễu. Bấy nhiêu thôi cũng đủ khiến bà bỏ quên tuổi thanh xuân, quên cuộc đời mình, thủ tiết chờ chồng. Bàn thờ liệt sỹ Đỗ Minh Kha được bà Liễu đặt trang trọng trong ngôi nhà của bố mẹ đẻ bà để lại. Sống cùng bà Liễu là một người chị gái cũng không lấy chồng và gia đình cô cháu gái con một người chị khác. Dựa vào đồng lương hưu giáo viên còm cõi và một khoản nhỏ tiền trợ cấp chế độ vợ liệt sỹ, chị em, dì cháu bà Liễu quấn túm lấy nhau sống qua ngày trong căn nhà nhỏ ấy.

Sợ thành “ma không nhà”

Ảnh minh họa

Bà Liễu vẫn cầu khấn linh hồn người chồng liệt sỹ phù hộ
cho ước nguyện cuối đời của bà thành hiện thực


Sống ở nhà ngoại, dù được các anh chị, các cháu thông cảm và yêu thương nhưng bà Liễu không tránh khỏi những lúc tủi phận. Đã đến cái tuổi gần đất xa trời, nhất là từ khi bị ngã, bà Liễu như ngọn đèn leo lét trước gió, chẳng biết sẽ mất lúc nào. Cả cuộc đời bà, điều day dứt nhất là chưa có một căn nhà cho riêng mình. Bà có một khát khao cháy bỏng là có một mảnh đất, một ngôi nhà đứng tên bà, để bà có nơi thờ cúng chồng đúng nghĩa.

Bà Liễu cố sức diễn tả cho chúng tôi hiểu rằng, dù hiện tại bàn thờ chồng bà được trang hoàng rất tử tế nhưng dù sao vẫn là ở nhờ bên ngoại, bà Liễu day dứt khi bị ám ảnh rằng, có lẽ linh hồn chồng bà cũng chẳng thể vui vì điều này. Mong mỏi ấy của bà Liễu ngày càng cháy bỏng bởi hơn ai hết, bởi bà Liễu hiểu rõ sức khỏe của mình. Bà mong muốn có một mảnh đất để cho đứa cháu trai bên nội quản lý, sau này khi bà mất đi, người cháu ấy có nơi để thờ cúng bà cùng người chồng liệt sỹ.

Tuổi già cùng những bệnh tật hành hạ khiến bà Liễu càng dằn vặt khi ước nguyện chưa được thực hiện, bà lo sợ khi chết đi, vợ chồng bà sẽ thành “con ma không nhà”. Anh em bên đằng nội bà Liễu thì chật vật về kinh tế, còn anh em bên ngoại, cả đời bà đã phải nương nhờ, hơn nữa họ cũng chẳng dư giả để thực hiện ước nguyện của bà. Sự bế tắc của một người già sao cay đắng thế!

Khoảng năm 2007, thực hiện theo chủ trương của huyện Kiến Thụy - Hải Phòng, xã Hưng Đạo nơi bà Liễu sinh sống đã thu hồi đất nông nghiệp của một số hộ dân, sau đó chia thành 86 lô đất, bán cho người dân trong xã làm nhà ở. Như một người đang lênh đênh trôi dạt vớ được cọc, bà Liễu đã bỏ toàn bộ số tiền chắt chiu cả đời và vay mượn thêm để mua được một suất đất. Được xét vào diện gia đình chính sách nên bà được ưu tiên giảm trừ, chỉ phải nộp số tiền là 30 triệu đồng. Thời điểm ấy, số tiền đó là cả một gia tài khổng lồ, bà Liễu đã phải đi vay mượn thêm và nộp đủ.

Giao tiền cho chính quyền xã được ít ngày thì bất ngờ, huyện Kiến Thụy được chia tách để thành lập quận mới. Xã Hưng Đạo được đổi thành phường Hưng Đạo, thuộc quận Dương Kinh, Hải Phòng. Kể từ khi chia tách, thành lập đơn vị hành chính mới, việc mua bán đất giữa chính quyền xã với 86 hộ dân, trong đó có bà Liễu bị ngưng trệ lại. Đã nhiều năm trôi qua, dù đơn thư cầu cứu của bà Liễu và 85 hộ dân khác được gửi khắp các cấp chính quyền, cơ quan ban ngành có thẩm quyền nhưng tuyệt nhiên chưa có sự giải quyết thấu đáo nào.

Tiền của dân chính quyền xã đã thu đủ, nhưng đất (mà lẽ tất yếu phải giao cho dân) thì vẫn bặt vô âm tín. Vợ liệt sỹ Đỗ Minh Kha vẫn ngày đêm cầu khẩn linh hồn liệt sỹ linh thiêng, chỉ đường dẫn lối để bà có thể lấy lại được mảnh đất bà đã mua, để khi bà theo chồng về thế giới bên kia, hai hồn ma ấy được là “ma có nhà”.

Bài tiếp: Những khuất tất, vô trách nhiệm trong vụ bán đất trên giấy của chính quyền địa phương.


Toàn Trung

Ý kiến bạn đọc