V-League trước nguy cơ bị hoãn

14:00, 17/09/2012
|

(VnMedia) - Kinh tế khó khăn, mọi lĩnh vực đời sống xã hội cũng đều bị ảnh hưởng, và bóng đá cũng không phải ngoại lệ.

 

Bóng đá - “Tuần trăng mật” đã qua

 

Có thể nói, bóng đá Việt Nam thời gian trước là một thời kì phát triển nóng, không theo một qui luật nào cả. Câu nói “bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc” của ông HLV A Rield quả thật đúng và sâu cay. Bóng đá và những dòng tiền đổ vào đây chả khác gì bất động sản một thời, mang lại những giá trị rất ảo và khi thời kì “ăn xổi” đã qua, thì mọi thứ đang dần trở lại với giá trị thực.

 

Khái niệm xây dựng bóng đá chuyên nghiệp đã bị nhầm lẫn thành những cuộc đua về tiền bạc. Khi những ông chủ, nhưng nhà doanh nghiệp nhảy vào bóng đá, thì những dòng tiền tấn cứ thế đổ vào, và cầu thủ có giá trị, tiền chuyển nhượng cao ngất trời, và những thành tích phải đổi lại bằng những con số trăm tỉ.

 

           Ảnh minh họa
                    
                     Bóng đá cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự khó khăn của nền kinh tế

Nhìn lại thì chẳng thành công nào lại không gắn với câu “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. HA Gia Lai đi tiên phong khi bầu Đức tung tiền ra mua về ngôi sao Kiatisuk, trả phí chuyển nhượng cao và mức lương khủng chưa từng có so với mặt bằng khi đó. Ông bầu của HA Gia Lai còn mua nguyên cả một đội hình toàn sao khủng về phố Núi, và kết quả là HA Gia Lai có 2 chức VĐ liên tiếp. Khi bầu Đức bỏ cuộc đua tiền này, lập tức cả một thời gian dài 6 - 7 năm vừa qua, HA Gia Lai chỉ là một đội bóng hạng trung tại V-League.

 

Becamex Bình Dương trong 2 năm vô địch, ngoài việc có thuyền trưởng Lê Thụy Hải, đội bóng đất Thủ khi đó vô đối trên thị trường chuyển nhượng, tất cả cầu thủ tốt nhất đều được đưa về đây. Tương tự, HN T&T với chuỗi dài thành công những năm vừa qua thì yếu tố chính cũng là túi tiền của bầu Hiển.

 

V - League trước nguy cơ bị hoãn lại

 

Khó khăn kinh tế đã tác động đến V-League, với nhà tài trợ chính cho giải là một ngân hàng, và có đến 3 - 4 đội bóng phụ thuộc trực tiếp vào ngân hàng. Các nhà đầu tư cũng đang lao đao, khốn khó để tìm cách đứng vững và vượt qua gia đoạn này, nói gì đến việc nuôi một đội bóng, với ngân quĩ chuyền nhượng, chi phí thi đấu, lương thưởng mỗi năm trên dưới 100 tỷ đồng. Chính các ông bầu đã tổng kết với nhau rằng mỗi năm nếu không lãi vài nghìn tỷ thì đừng nghĩ đến chuyện nhảy vào làm bóng đá.

 

Sau bầu Long, bầu Tuấn "chạy" khỏi bóng đá và mỗi lần được hỏi đều khẳng định chắc chắn sẽ không quay lại nữa bởi giờ đây tập đoàn Hòa Phát phải tập trung vào kinh doanh, bầu Kiên từng tiết lộ rằng có thêm vài ông bầu nữa có ý định rời khỏi bóng đá. Bên cạnh khó khăn về tài chính thì còn nguyên nhân khác là những bất cập của giải đấu vẫn cứ còn tồn tại.

 

Sau V-League 2012, có đến vài đội bóng kêu vẫn còn bị chậm lương thưởng. Cầu thủ V Ninh Bình kêu chuyện chậm lương suốt cả mùa bóng, đến trận cuối mùa còn định đình công không đá. SHB Đà Nẵng sau chiến tích vô địch, cầu thủ cũng kêu ca với báo chí về chuyện tiền thưởng, số tiền 4 tỷ mà bầu Hiển hứa sẽ trao thưởng vẫn chưa được giải ngân, trong khi ông bầu này vẫn đang phải chịu sức ép từ chuyện một ông bầu 2 đội bóng.

 

Minh chứng rõ nhất cho chuyện “đồng tiền đi liền khúc ruột” là ở đội bóng Vicem Hải Phòng. Trước đây khi còn “ông Xi măng”, còn bầu Thành, đội bóng đất Cảng tài chính chả kém ai, và thành tích thì cũng đáng nể. Xi măng đi, bầu Thành không còn gắn với đội, đội bóng này lập tức bết bát và đến mùa vừa rồi thì xuống luôn hạng.

 

Số phận của đội bóng Á quân và đang là nhà VĐ Cup Quốc gia - X.T Sài Gòn cũng chưa biết thế nào. Chỉ cần bầu Thụy chán bóng đá, lắc đầu một cái, thì đội bóng này lập tức coi như chẳng còn gì.

 

Đã có những thông tin rằng V-League có thể sẽ bị hoãn lại, và trong tình hình khó khăn như hiện nay, thì điều này chẳng phải không có cơ sở. Bóng đá quá phụ thuộc vào các ông bầu và khi các ông bầu phải thắt chặt hầu bao thì mọi thứ lập tức trở nên khó khăn.

 

Nói đơn giản và cay đắng, thì với bóng đá V-League, không tiền thì khó có thể hoạt động!


Quang Anh

Ý kiến bạn đọc