Một phiên tòa quá nhiều nước mắt

14:51, 28/02/2012
|

Mới 16 tuổi nhưng từ nhiều năm nay Vịnh đã là lao động chính nuôi 4 miệng ăn trong gia đình. Vậy mà chỉ vì một chút bồng bột, cậu con hiếu thảo ấy đã phải trả giá bằng 13 năm tù giam.

TAND tỉnh Gia Lai vừa mở phiên tòa sơ thẩm xét xử và tuyên phạt bị cáo Lê Viết Vịnh (SN 1995, trú điểm 9, xã Uar, huyện Krông Pa, Gia Lai) 13 năm tù giam về tội “giết người”.

Lần đầu tiên người viết dự một phiên tòa xử kẻ giết người đầy nước mắt mà không có sự căm phẫn của gia đình bị hại, dù cả hai gia đình trước đó không thân quen. Phải chăng gia đình bị hại nhận thấy bản án nặng nhất không phải do tòa tuyên, mà là sự khốn cùng của cái gia đình nghèo đến mức “không có mồng tơi mà rớt” mà chỗ dựa lớn nhất chính là bị cáo đang đứng trước vành móng ngựa. Cậu con trai 16 tuổi ra tòa, người cha tật nguyền và người mẹ bệnh tật không biết bấu víu vào đâu, đứa em thơ đang học lớp 3 phải nghỉ giữa chừng, cùng một khoản nợ “khổng lồ” lên đến gần 62 triệu đồng đền bù cho gia đình bị hại.

Sinh ra trong một gia đình nghèo, cha Vịnh là ông Lê Viết Vinh (63 tuổi) bị liệt hai chân từ nhỏ, mẹ Vịnh là bà Nguyễn Thị Vui (51 tuổi) cách đây vài năm bị tai nạn giao thông nên gần như không thể lao động được gì ngoài việc lặt vặt. Vịnh còn một cô em gái chưa đầy 10 tuổi, đang học lớp 3. Để nuôi cha mẹ và em gái, Vịnh phải nghỉ học khi mới tốt nghiệp tiểu học, gánh mọi gánh nặng gia đình trên đôi vai bé nhỏ chưa kịp lớn hết.

Để nuôi 4 miệng ăn và có tiền trang trải thuốc men cho cha mẹ, học phí cho em gái, hàng ngày Vịnh phải đi làm thuê từ sáng đến chiều tối. Thương cậu bé nhà nghèo, hiền lành lại rất hiếu thảo, bà con chòm xóm có việc gì đều kêu Vịnh tới làm để em có tiền mua gạo nuôi gia đình. Vất vả kiếm tiền từ rất sớm, lại thiếu sự dạy dỗ của cha mẹ nhưng Vịnh không a dua đua đòi, không thói hư tật xấu, chỉ hiền lành, tiết kiệm, tảo tần thương mẹ cha. Chính vì thế ai ai cũng quý mến Vịnh.

Dù phải gánh vác “nhiệm vụ” của một người trưởng thành trong gia đình nhưng tâm hồn của chàng thiếu niên hiếu thảo ấy vẫn rất hồn nhiên, Vịnh luôn sống một cách “nghĩa hiệp” như những bộ phim Tàu cổ trang, muốn được những đứa trẻ cùng trang lứa nể phục vì dám đứng lên bênh vực những kẻ yếu bị hiếp đáp. Chính suy nghĩ này cộng với việc phải sớm xa rời ghế nhà trường, thiếu hiểu biết pháp luật, nhận thức còn hạn chế đã đẩy Vịnh đến hố sâu của tội ác.

Khoảng 20 giờ 30 phút ngày 4/3/2011, sau một ngày lao động vất vả, Vịnh xin phép bố mẹ được đi chơi cùng bạn vì hôm nay là ngày sinh nhật của Vịnh. Trước khi đi, Vịnh lấy một con dao sắc nhọn dài chừng 20cm bỏ vào túi áo ngực. Thấy con bọc dao trong người đi chơi, mẹ Vịnh hỏi thì cậu con trả lời: “Con mang dao để cắt trái cây đãi bạn”. Sau đó Vịnh đến nhà người bạn thân trong xóm là Lương Đại Long rủ đi chơi.

Khi cả 2 đi đến đoạn đường giáp với điểm 10 thì gặp nhóm bạn 5 người ở điểm 9, trong đó có Phạm Trọng Út (18 tuổi, quê Kiến Xương, Thái Bình), Phạm Văn Khương. Lúc này, Vịnh chợt nhớ mấy hôm trước Út đã đánh mấy đứa nhỏ gần nhà khiến mấy đứa về khóc lóc mách lại với Vịnh. Vịnh đến chỉ tay vào mặt Út và hỏi: “Út! Tại sao hôm qua mày đuổi đánh mấy thằng nhỏ ở cuối điểm 9?”. Út đáp: “Mấy đứa đó đánh em tao đến nỗi không dám đi học”.

Nghe vậy, Vịnh lập tức cho Út một tát tai để dằn mặt. Tức mình, Út xông vào đánh lại Vịnh. Long đứng bên liền đẩy Út ra để can ngăn, nhưng Khương lại lôi Long ra để Vịnh và Út “giải quyết như 2 người đàn ông”. Lúc này Vịnh chợt nhớ tới con dao trong người, không kịp nghĩ suy, Vịnh dùng tay trái rút con dao nhọn đâm liên tiếp 4 nhát về phía ngực Út, rồi lôi Long bỏ trốn.

Út trúng 2 nhát dao sâu hoắm vào ngực trái, chao đảo chừng 5m thì gục xuống đường và chết khi chưa kịp tới bệnh viện.

Sau khi nghe tin Út chết, Vịnh đã ra cơ quan công an đầu thú. Viện Kiểm sát nhân dân huyện Krông Pa đã khởi tố bị can Lê Viết Vịnh với tội danh “giết người” được quy định tại điểm n khoản 1 điều 93 BLTTHS.

Trước vành móng ngựa, cậu thiếu niên có khuôn mặt trắng trẻo, hiền lành và rất thư sinh luôn tỏ ra ăn năn, hối hận. Với Vịnh, bản án lương tâm là sự trừng phạt nặng nhất khi chính mình đã tước đi sinh mạng của người khác. Và một nỗi đau khác luôn canh cánh trong lòng Vịnh suốt phiên tòa đó là gánh nặng với người thân, rồi đây ai sẽ thay Vịnh chăm sóc cha mẹ già và đứa em bé nhỏ?

Qua nhiều giờ xét hỏi và tranh luận, cuối cùng giờ nghị án cũng đến, cả nhà Vịnh cùng nhiều người thân, bạn bè khóc òa trong giây phút đoàn tụ hiếm hoi. Vịnh bật khóc thật lớn, nước mắt tuôn xối xả, dặn dò người cha tật nguyền cố gắng sống chờ đến ngày con trở về, dặn bạn bè không đi vào con đường tội lỗi… Cha con Vịnh ôm nhau khóc nức nở. Bị cáo òa lên: Chẳng biết có ai lo cho bố mẹ và em gái đây?

Bà Nguyễn Thị Vui, mẹ bị cáo, chỉ dám ngồi nhìn con từ xa, gục mặt xuống bàn, lặng lẽ khóc: “Không có nó giờ gia đình tôi biết sống sao đây? Cha nó thì vậy, tôi thì ốm yếu, em nó còn nhỏ chẳng có ai thuê làm. Cả nhà tôi lâu nay đều dựa vào nó cả, nó ngoan hiền là vậy… Nó là chỗ dựa cho cả gia đình, dù còn nhỏ nhưng mọi việc đều lo hết. Nó rất nghe lời, hiếu thảo, nói sao nghe vậy. Tôi đâu có ngờ nó ra đường lại làm chuyện dại dột như vậy”.  

Phiên tòa kết thúc, Vịnh được dẫn giải lên chiếc xe bịt bùng, người cha già tật nguyền chống tay lết dưới sàn, nước mắt giàn giụa cố nhìn theo con. “Người ta dẫn nó đi rồi!”.


(Theo Dân trí)

Ý kiến bạn đọc