Luật sư nói gì về vụ thảm sát khiến 6 người chết?

06:37, 09/07/2015
|

(VnMedia) - Theo luật sư, các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội vô cùng tàn ác, dã man, thực hiện tội phạm đến cùng, gây hoang mang căm phẫn trong xã hội và gây tang thương mất mát cho gia đình người bị hại...

>> Bộ trưởng Bộ công an thị sát hiện trường vụ thảm sát
>> Đại tướng Trần Đại Quang chỉ đạo khẩn trương điều tra vụ thảm án tại Bình Phước
>> 6 người bị thảm sát dã man trong căn biệt thự

Ảnh minh họa
Căn biệt thự, nơi xảy ra vụ thảm sát khiến 6 người chết

Như tin đã đưa, vào khoảng 6h sáng ngày 7/7, người giúp việc cho gia đình ông Lê Văn Mỹ (48 tuổi) đến làm thì thấy cổng sau của căn biệt thự nằm sát quốc lộ 13 (xã Minh Hưng, Chơn Thành) bị khóa, cửa trước khép hờ.

Khi vào bên trong, người đàn bà này thấy nhiều vết máu và phát hiện ông chủ và vợ Nguyễn Thị Ánh Nga (44 tuổi) cùng cậu con trai nằm chết trên nền nhà.

Khi chạy lên lầu, bà này tiếp tục phát hiện thêm con gái ông Mỹ và cô cháu gái (cùng 18 tuổi) chết ở phòng ngủ.

Sự việc ngay lập tức được cấp báo lên cơ quan công an. Khi công an đến hiện trường đã tìm thêm được thi thể bé trai 14 tuổi (cháu ông Mỹ) ở cổng nhà. Tất cả họ đều bị trói, nhiều vết thương vùng cổ.

Chiều cùng ngày, thông tin với báo chí về vụ án, thiếu tá Đào Văn Thêm, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Bình Phước cho biết, cơ quan điều tra nhận định khả năng đây là vụ giết người, cướp tài sản.

Được biết, căn biệt thự khang trang kín cổng cao tường, đồng thời là công ty chế biến gỗ Quốc Anh nằm trên quốc lộ 13, gần khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc.

Gia đình ông Mỹ nổi tiếng giàu có trong vùng và là một trong những người có công ty sản xuất, chế biến gỗ lớn ở Bình Phước. Trung bình xưởng gỗ của ông Mỹ có khoảng 100 công nhân làm việc.

Liên quan đến vụ việc trên, trao đổi với VnMedia , luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, Điều 19, Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”

Quyền sống là một trong những quyền cơ bản nhất của con người. Mọi hành vi tước đoạt quyền sống của con người trái pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo qui định của Pháp luật.

Hành vi phạm tội của các đối tượng gây ra vụ thảm sát là đặc biệt nghiêm trọng không những xâm mạng đến tính mạng của nhiều người mà còn xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ.

Theo ông Thơm, các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội vô cùng tàn ác, dã man, thực hiện tội phạm đến cùng, gây hoang mang căm phẫn trong xã hội và gây tang thương mất mát cho gia đình người Bị hại. Hành vi của các đối tượng phạm tội thể hiện chúng đã không còn tính người. Dư luận cả nước đã rất căm phẫn trước hành vi của các đối tượng đã gây ra và mong muốn phải trừng trị thật nghiêm khắc nhất các đối tượng phạm tội.

Trong khoảng một thời gian ngắn, các đối tượng đã phạm 2 tội đặc biệt nghiêm trọng được qui định tại BLHS đó là Tội Giết người và Cướp tài sản. Tội phạm và hình phạt được qui định tại điểm a, c, g, n khoản 1 Điều 93 BLHS và Điều 133 BLHS.

"Các đối tượng trong vụ thảm án này nếu khi phạm tội đã đủ 18 tuổi thì mức hình phạt cao nhất là Tử hình để loại trừ vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội là có căn cứ, đúng pháp luật và tương xứng với những hành vi mà chúng đã gây ra; Nếu các đối tượng chưa đủ 18 tuổi tuổi, nghĩa là khi phạm tội đang ở lứa tuổi vị thành niên thì chỉ áp dụng hình phạt cao nhất không quá 18 năm", ông Thơm khẳng định.

Điều 93. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết nhiều người;
c) Giết trẻ em;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
n) Có tính chất côn đồ;

Điều 133. Tội cướp tài sản
1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.


Phương Mai

Ý kiến bạn đọc