Những ý kiến trái chiều về Kiểm sát viên

06:54, 23/05/2014
|

(VnMedia) - Dự án Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) được trình bày trước Quốc hội sáng ngày 22/5, vẫn còn một số ý kiến khác nhau được Báo cáo thẩm tra nêu ra, trong đó có vấn đề về tuổi nghỉ hưu, ngạch bậc, nhiệm kỳ của Kiểm sát viên…

Tăng tuổi nghỉ hưu của Kiểm sát viên

Báo cáo thẩm tra Dự án Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trình bày, nêu rõ: Nhìn chung, dự án Luật đã thể chế hóa quy định của Hiến pháp mới, một số định hướng cải cách tư pháp của Đảng liên quan đến tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND),Viện kiểm sát  VKSQS.

Về tuổi nghỉ hưu của Kiểm sát viên, các ý kiến đa số là tán thành với đề nghị của VKSNDTC về tăng tuổi nghỉ hưu của Kiểm sát viên VKSNDTC (65 tuổi đối với nam, 60 tuổi đối với nữ) và quy định ngay trong Luật Tổ chức VKSND để tránh lãng phí nguồn nhân lực có chất lượng cao, vì Kiểm sát viên VKSNDTC là những người giàu kinh nghiệm trong hoạt động tư pháp, phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 187 của Bộ luật lao động năm 2012.

Đối với tuổi nghỉ hưu của các ngạch Kiểm sát viên khác thực hiện theo quy định chung của Bộ luật lao động.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện  cũng nêu ra một số ý kiến khác, nên tăng tuổi nghỉ hưu của cán bộ, công chức nói chung, trong đó có tuổi nghỉ hưu của Kiểm sát viên VKSNDTC là vấn đề hệ trọng, nhạy cảm, cần có sự nghiên cứu, đánh giá xem xét tổng thể toàn diện trong toàn bộ hệ thống chính trị, trước mắt không nên quy định ngay trong Luật Tổ chức VKSND về tăng tuổi nghỉ hưu của Kiểm sát viên VKSNDTC.

Nhiệm kỳ của Kiểm sát viên

Về nhiệm kỳ của Kiểm sát viên, đa số ý kiến cho rằng cần thiết phải tiếp tục quy định nhiệm kỳ đối với tất cả các ngạch Kiểm sát viên và phân hóa thời hạn bổ nhiệm giữa các ngạch Kiểm sát viên (05 năm bổ nhiệm lần đầu, 10 năm bổ nhiệm lại hoặc nâng ngạch) phù hợp với đặc điểm Việt Nam, thể chế hóa chủ trương cải cách tư pháp “Tăng thời hạn bổ nhiệm các chức danh tư pháp hoặc thực hiện chế độ bổ nhiệm không có kỳ hạn”, nhằm bảo đảm thận trọng trong đánh giá, bổ nhiệm cán bộ, tạo động lực phấn đấu, rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức, trách nhiệm của Kiểm sát viên trong thực thi nhiệm vụ.

Một số ý kiến khác đề nghị chỉ quy định nhiệm kỳ đối với ngạch Kiểm sát viên sơ cấp, trung cấp và cao cấp, còn Kiểm sát viên VKSNDTC là những chuyên gia giàu kinh nghiệm, có uy tín của ngành Kiểm sát thì không nên quy định nhiệm kỳ mà thực hiện cơ chế bổ nhiệm không thời hạn.

Sẽ có thêm ngạch Kiểm sát viên cao cấp

Theo Điều 65 Dự thảo quy định Kiểm sát viên gồm 04 ngạch, gồm có: Kiểm sát viên VKSND tối cao, Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp và Kiểm sát viên.

Ban soạn thảo lý giải : Việc tổ chức các ngạch Kiểm sát viên như vậy đã tạo điều kiện thuận lợi cho VKSND trong việc bố trí nhiều ngạch Kiểm sát viên ở mỗi cấp kiểm sát và trong công tác điều động, luân chuyển Kiểm sát viên giữa các cấp kiểm sát. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành quy định về ngạch Kiểm sát viên cho thấy còn tồn tại nhiều bất cập.

 Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa



Để khắc phục, cần thiết phải tổ chức một ngạch Kiểm sát viên mới là Kiểm sát viên cao cấp. Việc bổ sung ngạch Kiểm sát viên này cũng phù hợp với tinh thần sửa đổi các ngạch Kiểm sát viên khi xây dựng Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND năm 2011. Việc sửa đổi các ngạch Kiểm sát viên thành Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên VKSND tối cao là bước chuẩn bị cho việc bổ sung ngạch Kiểm sát viên cao cấp khi VKSND được tổ chức thành 4 cấp.

Việc phân ngạch Kiểm sát viên theo thứ bậc như trên cũng rất phù hợp với tính chất nhiệm vụ của từng cấp Viện kiểm sát. Theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, dân sự, hành chính hiện hành thì Viện kiểm sát cấp trên luôn phải thực hiện các nhiệm vụ phức tạp hơn Viện kiểm sát cấp dưới hoặc kiểm tra, hướng dẫn công việc của Viện kiểm sát cấp dưới.

Vì vậy, việc phân định các ngạch Kiểm sát viên như trên sẽ bảo đảm phân hóa đội ngũ Kiểm sát viên về năng lực, trình độ chuyên môn, có thể bố trí đội ngũ Kiểm sát viên ở Viện kiểm sát cấp trên có trình độ, kinh nghiệm cao hơn đội ngũ Kiểm sát viên ở Viện kiểm sát cấp dưới, vừa bảo đảm thực hiện nhiệm vụ của Viện kiểm sát cấp mình, vừa bảo đảm khả năng hướng dẫn nghiệp vụ cho Viện kiểm sát cấp dưới.

Việc chia 04 ngạch Kiểm sát viên sẽ bảo đảm cho việc điều động, luân chuyển Kiểm sát viên giữa các cấp kiểm sát được thông suốt; tạo cơ sở pháp lý thuận lợi, bảo đảm tính liên tục trong việc giải quyết án của Kiểm sát viên ngay từ đầu đến khi kết thúc. Kiểm sát viên cao cấp ở VKSND tối cao thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án do Cơ quan điều tra của Bộ Công an điều tra sẽ trực tiếp thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực nơi vụ án được chuyển đến để xét xử sơ thẩm, khắc phục tình trạng không hợp lý hiện nay là phải ủy quyền công tố cho Kiểm sát viên cấp tỉnh, cấp huyện, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án.

Việc chia 04 ngạch Kiểm sát viên còn đáp ứng được yêu cầu xây dựng, tăng cường, phát triển đội ngũ Kiểm sát viên ngành Kiểm sát (mở rộng nguồn tuyển chọn, bảo đảm tính liên tục, tính kế thừa), tạo động lực mạnh mẽ để từng Kiểm sát viên phấn đấu, nâng cao chất lượng Kiểm sát viên các cấp.

Bên cạnh việc bổ sung ngạch Kiểm sát viên cao cấp, dự thảo Luật đã đổi tên ngạch “Kiểm sát viên sơ cấp” thành “Kiểm sát viên” để tránh gây hiểu lầm giữa tên ngạch và trình độ của Kiểm sát viên. Như vậy, trong mỗi cấp kiểm sát đều có Kiểm sát viên thuộc các ngạch khác nhau, như: VKSND tối cao và VKSND cấp cao có thể bố trí đủ 4 ngạch Kiểm sát viên; VKSND cấp tỉnh và VKSND khu vực (hoặc cấp huyện) có thể bố trí 3 ngạch Kiểm sát viên: cao cấp, trung cấp và Kiểm sát viên.

Thảo luận tại tổ chiều ngày 22/5, đại biểu Quốc hội Đinh Xuân Thảo (Hà Nội)  tán thành với quy định viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục duy trì cơ chế Hội đồng tuyển chọn đa thành phần như hiện nay đối với Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Theo đại biểu Đinh Xuân Thảo, quy định này để đánh giá toàn diện về phẩm chất đạo đức và uy tín nghề nghiệp mà không cần thiết phải áp dụng hình thức thi tuyển, vì Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao là những cán bộ đầu ngành đã được thi tuyển, rèn luyện qua nhiều ngạch Kiểm sát viên.

Đối với các ngạch Kiểm sát viên khác thì cần thiết phải kết hợp giữa hình thức Hội đồng tuyển chọn và thi tuyển để vừa đánh giá được tinh thần trách nhiệm, phẩm chất đạo đức, vừa lựa chọn được Kiểm sát viên có trình độ, năng lực, phù hợp với xu hướng tuyển chọn công chức hiện nay theo định hướng cải cách tư pháp; đồng thời bảo đảm tính thận trọng, khách quan, công bằng và sự giám sát của các cơ quan, tổ chức đối với công tác cán bộ của ngành Kiểm sát.

Tổ chức VKSND, TAND theo cấp là hợp lý

Cũng thảo luận tại tổ chiều ngày 22/5, đại biểu Nguyễn Đình Quyền nêu ý kiến, để thể hiện được tinh thần đổi mới của các cơ quan tư pháp theo Hiến pháp vừa được thông qua, các dự luật phải thể hiện được tính độc lập của các cơ quan có thẩm quyền theo hiến pháp, thể hiện qua tổ chức; cơ cấu; các chức danh tư pháp và cán bộ ngành; mối quan hệ công tác giữa các thiết chế tòa án, viện kiểm sát, cơ quan thi hành án… Để quy định được 4 vấn đề trên, phạm vi điều chỉnh của 2 dự án luật phải đảm bảo vừa khái quát, vừa đủ cụ thể để làm cơ sở cho các luật tố tụng, tránh chồng lấn.

Trước hết, mô hình tổ chức của các cơ quan này phải đảm bảo có sự độc lập tương đối, tránh can thiệp. Muốn vậy, việc tổ chức các cơ quan tư pháp theo cấp, chứ không phải theo đơn vị hành chính, là hoàn toàn phù hợp, vừa tập trung được nguồn lực, vừa tránh dàn trải, lãng phí.

Về cơ cấu tổ chức, khi tổ chức theo cấp, công việc của cấp trên sẽ dồn cho cấp dưới. TANDTC sẽ chủ yếu làm nhiệm vụ giám đốc thẩm và hướng dẫn áp dụng thực hiện thống nhất pháp luật, án lệ.

Về đội ngũ cán bộ, theo lộ trình và xu hướng chung của các nước tiên tiến trên thế giới, các chức danh tư pháp phải được tuyển dụng theo chế độ thi tuyển. Tuy nhiên, để đánh giá được cả chuyên môn lẫn đạo đức, các chức danh tư pháp của Việt Nam nên được lựa chọn dựa trên sự kết hợp kết quả từ cả tuyển chọn theo hội đồng lẫn thi tuyển quốc gia.

Đại biểu Nguyễn Sơn cũng cho rằng việc thành lập VKSND, TAND theo các cấp, đảm bảo tính độc lập của từng cơ quan, có cơ chế giám sát hiệu quả là hợp lý.


Đinh Bách

Ý kiến bạn đọc