Nên giao nhiệm vụ chống tham nhũng cho cơ quan điều tra Viện Kiểm sát

21:03, 29/05/2014
|

(VnMedia)- Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, xuất phát từ nguyên tắc kiểm soát quyền lực lẫn nhau trong Hiến pháp qui định, theo quan điểm của Luật sư việc tiếp tục kế thừa và có tồn tại CQĐT của VKS là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai.

>> Mở rộng quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Viện kiểm sát?
>> Công an xã, phường không được xác minh tin báo về tội phạm?
>> Mở rộng quyền hạn điều tra của hải quan,kiểm lâm?

Liên quan đến ý kiến nên hay không mở rộng quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Viện Kiểm sát trong dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự đang được Bộ Công an lấy ý kiến, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư Hà Nội, đã có những chia sẻ thú vị với VnMedia.
 
Thưa luật sư, trong dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự đang được Bộ Công an lấy ý kiến rộng rãi có đề cập đến việc không mở rộng thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Viện Kiểm sát. Ông có nhận xét gì về điều này?
 
Luật sư Nguyễn Anh Thơm: Căn cứ Điều 2, khoản 3 Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2014 qui định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”

Trong đó, cơ quan điều tra trong công an nhân dân thuộc hệ thống cơ quan hành pháp do Chính phủ quản lý. VKS thuộc hệ thống cơ quan tư pháp, được Quốc Hội ủy quyền giám sát tối cao việc thực thi pháp luật. Do đó, việc phân công nhiệm vụ, phân chia quyền lực đều nhằm phối hợp và chế ước lẫn nhau.

Xuất phát từ nguyên tắc này, Pháp lệnh về tổ chức điều tra hình sự được Quốc Hội ban hành ngày 20/8/2004 đã qui định tại Điều 18: Thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra của VKSND tối cao

“Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao điều tra các vụ án hình sự về một số loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ thuộc các cơ quan tư pháp khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân.

Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương điều tra các vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại khoản 1 Điều này khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự”.

Ảnh minh họa

 Nếu không có sự vào cuộc của cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân Tối cao thì vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) sẽ rất khó được làm sáng tỏ.

Quá trình thực thi Pháp lệnh về tổ chức điều tra hình sự đến nay gần 10 năm, thì thấy hiệu quả của việc tồn tại cơ quan điều tra của Viện kiểm sát được Nhà nước công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ, có hiệu quả đáng kể trong việc trừng trị, răn đe, phòng ngừa đối với nhóm những đối tượng bị cơ quan điều tra của Viện kiểm sát hướng tới. Việc qui định cơ quan điều tra của Viện kiểm sát trong Pháp lệnh này là rất quan trọng trong việc phòng ngừa hành vi vi phạm và phạm tội. Nó tương tự như trong Bộ luật Hình sự có một số loại tội ít khi bị xử lý Hình sự nhưng vẫn phải qui định, để nó tồn tại nhằm mục đích răn đe và phòng ngừa tội phạm.

Xuất phát từ nguyên tắc kiểm soát quyền lực lẫn nhau trong Hiến pháp qui định, theo quan điểm của tôi việc tiếp tục kế thừa và có tồn tại cơ quan điều tra của Viện kiểm sát là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai.

Ví dụ như vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang bị kết án oan sai. Nếu không có sự vào cuộc của cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân Tối cao thì vụ án sẽ rất khó được làm sáng tỏ và những người làm oan sai cũng rất khó xử lý trước pháp luật. 

Ngoài vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn, trên thực tế còn những vụ án nào bị bỏ lọt tội danh hay không?

Luật sư Nguyễn Anh Thơm: Qua quá trình hành nghề luật sư trong lĩnh vực tố tụng hình sự trong thời gian qua thì thấy rằng thực tế hiện nay đang tồn tại trong quá trình kiểm sát điều tra một số vụ án hình sự còn nổi lên việc Viện kiểm sát phát hiện việc cơ quan điều tra khởi tố đối với người phạm tội chưa đúng tội danh hoặc còn bỏ lọt tội phạm, Viện kiểm sát đã yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố hoặc yêu cầu thay đổi khởi tố nhưng cơ quan điều tra không chấp hành. Viện kiểm sát buộc phải khởi tố hoặc thay đổi khởi tố Bị can để chuyển cho cơ quan điều tra tiến hành điều tra đối với người phạm tội đó. Mặc dù đã được Viện kiểm sát yêu cầu nhưng cơ quan điều tra không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ việc điều tra thu thập chứng cứ theo quyết định mà Viện kiểm sát đã thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can mà có căn cứ người đó phạm tội khác với tội mà cơ quan điều tra đã khởi tố hoặc bỏ lọt tội phạm, người phạm tội.

Những trường hợp như vậy đã và đang xảy ra ở nhiều địa phương mà chưa có cách giải quyết cơ bản theo qui định của pháp luật, gây khó khăn cho việc truy tố và xét xử người phạm tội.

Vậy có cách nào khắc phục sự việc này không, thưa luật sư?

Luật sư Nguyễn Anh Thơm: Để tránh việc lạm quyền và pháp luật được thực thi đầy đủ và thống nhất theo đúng qui định của pháp luật thì những trường hợp nêu trên thấy cần thiết phải giao cho cho cơ quan điều tra cùng cấp của ngành kiểm sát tiến hành mới đảm bảo việc điều tra thu thập chứng cứ chứng minh người đã thực hiện hành vi phạm tội một cách đầy đủ và khách quan giúp cho việc xử lý đối tượng đúng pháp luật. 

Mặt khác, hiện nay chống tham nhũng là vấn đề cấp bách của Đảng và Nhà nước . Mặc dù Nhà nước rất quan tâm đến vấn đề chống tham nhũng nhưng hiện nay cần thiết phải lập cơ quan điều tra chống tham nhũng hữu hiệu hơn nữa. Đã có rất nhiều cơ quan cơ quan được Nhà nước giao nhiệm vụ chống tham nhũng trong đó có cơ quan điều tra trong công an nhân dân, Thanh tra Nhà nước, Thanh tra chính phủ,.. và mới đây có thêm Ban Nội chính Trung ương.

Thực tế cho thấy đối tượng phạm tội tham nhũng chủ yếu nằm trong cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan hành pháp. Cơ quan điều tra chống tham nhũng có chế tài xử lý hiện nay thuộc Chính phủ. Các cơ quan khác có nhiệm vụ chống tham nhũng nhưng lại không có chế tài xử lý. Do đó, theo quan điểm của cá nhân, tôi thấy cần thiết phải thành lập thêm cơ quan điều tra độc lập chống tham nhũng không trực thuộc Chính phủ thì mới đảm bảo việc chống tham nhũng một cách khách quan và có hiệu quả hơn nữa. Để đảm bảo được các điều kiện và yêu cầu trên thì cần giao nhiệm vụ điều tra chống tham nhũng cho cơ quan điều tra của Viện kiểm sát. Tương lai nên giao thêm nhiệm vụ này cho cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhằm tránh việc “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Bởi cơ quan điều tra của Viện kiểm sát là cơ quan điều tra có chuyên môn, nghiệp vụ và có quyền lực về chế tài xử lý.

Hiện, theo quy định của pháp luật, tội như xâm phạm hoạt động tư pháp được hiểu như thế nào? Nếu cần quy định cụ thể một số loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp là những tội nào, ông có thể đưa ví dụ cụ thể được không?

Tội xâm phạm hoạt động tư pháp được hiểu là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan điều tra, kiểm sát, xét xử và thi hành án trong việc đảm bảo quyền lợi của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
 
Chủ thể của điều luật này là người tiến hành tố tụng trong lĩnh vực hình sự, dân sự, kinh tế, hành chính, lao động, …. Ví dụ như: Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa, Chấp hành viên và một số người trong một số cơ quan được giao khởi tố ban đầu như: Kiểm lâm, Hải quan, Bộ đội biên phòng, …

Một số tội thuộc nhóm tội xâm phạm hoạt động tư pháp như: Tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội; Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội; Tội ra bản án trái pháp luật; Tội ra quyết định trái pháp luật,; Tội dùng nhục hình; Tội bức cung; Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án; Tôi nhận hối lộ; Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ,…


Thanh Hường

Ý kiến bạn đọc