Sự cố hy hữu: Gọi điện báo bắn nổ máy bay

08:21, 20/03/2014
|

(VnMedia)- Để đảm bảo an ninh hàng không, bất kỳ hành vi nào bất thường đối với hoạt động hãng không cũng sẽ bị thẩm vấn, điều tra và xác minh làm rõ động cơ, đồng thời xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Nhưng mới đây đã có một hành khách đe dọa bắn nổ máy bay vì không được bay đúng giờ...

Choáng váng những lời thóa mạ hàng không

Ngày 16/3, nữ hành khách tên H. (SN 1982, quê Thanh Hóa) ra sân bay Tân Sơn Nhất (Tp.HCM) để đi Vinh (Nghệ An) trên chuyến bay BL522 của hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific. Tuy nhiên, hành khách này đã ra sân bay muộn nên bị từ chối làm thủ tục lên máy bay theo quy định.

Theo báo cáo của nhân viên quầy check in Jestar Pacific, bà H. có mặt tại quầy làm thủ tục lúc 15h51, tức là trước thời điểm máy bay cất cánh 24 phút. Theo quy định của các hãng hàng không, nhân viên sẽ kết sổ, ngừng làm thủ tục check in cho hành khách trước 30 phút so với giờ khởi hành. Do đó, bà H. bị từ chối làm thủ tục lên chuyến bay BL522.

Nhân viên quầy check in đã đề nghị hành khách H đi chuyến bay kế tiếp. Theo điều kiện của loại vé đã mua, muốn bay đi Vinh, bà H. phải nộp thêm 450.000 đồng để chuyển sang chuyến bay tiếp theo, cụ thể là 1 chuyến bay trong ngày 17/3. Tại sân bay, bà H. không có phản ứng gì thái quá, dù bị bay muộn 1 ngày so với kế hoạch ban đầu vì lỗi đến muộn.

Thế nhưng, đáng nói là đến 16h30 cùng ngày, tổng đài đặt giữ chỗ của Jetstar Pacific tiếp nhận một cuộc gọi bất thường. Khi nhân viên Jetstar Pacific bắt máy, 1 người đàn ông ở đầu dây bên kia đã có thái độ bức xúc và mắng chửi không ngớt với nhân viên trực tổng đài và cả hãng hàng không mà nguyên do là bởi đã để người nhà của anh ta đến sân bay mà không được bay và phải nộp thêm tiền để bay chuyến ngày hôm sau. Thậm chí, người đàn ông này còn có những lời lẽ đe dọa, nói rằng sẽ bắn tên lửa cho nổ tung máy bay.

Ngay sau đó, Jetstar Pacific đã báo cáo sự việc lên Cục Hàng không Việt Nam và cơ quan chức năng. Băng ghi âm cuộc gọi đã được chuyển đến cho cơ quan chức năng để xác minh làm rõ danh tính kẻ đe dọa. Căn cứ vào tình hình sự việc được báo cáo và đọc ghi âm cuộc gọi, nhà chức trách hàng không Việt Nam đang đặt nghi vấn đó là người quen của hành khách H ra sân bay muộn hôm 16/3.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trước đó, hàng không Việt Nam cũng đã ghi nhận và xử lý nhiều trường hợp hành khách quá khích, có lời lẽ đe dọa như nói có bom hoặc thuốc nổ khi đi máy bay. Chiều 27/2, tin từ Cảng vụ Hàng không miền Nam cho biết tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất vừa diễn ra một vụ gây rối trật tự công cộng khiến lực lượng an ninh phải bàn giao đối tượng gây rối cho công an phường 2, quận Tân Bình, Tp.HCM xử lý.

Sự việc diễn ra tại khu vực quầy làm thủ tục check in của hãng hàng không Vietnam Airlines ở Nhà ga Đi nội địa, sân bay Tân Sơn Nhất. Khi làm thủ tục lên máy bay cho 2 hành khách có chỗ trên chuyến bay VN7362 từ Tp.HCM đi Cam Ranh, nhân viên mặt đất được đề nghị bố trí cho 2 chỗ ngồi gần nhau vì đây là một cặp vợ chồng.

Tại thời điểm đó, rất nhiều hành khách của chuyến bay VN7362 đã làm xong thủ tục check in nên lúc đó trên máy bay không có 2 chỗ ngồi gần nhau còn trống, trừ vị trí gần cửa thoát hiểm.

Tuy nhiên, nhân viên mặt đất phát hiện người chồng có hơi men, hỏi lại người vợ cũng công nhận chồng mình có uống rượu trước khi ra sân bay nên nhân viên mặt đất từ chối bố trí cho cặp vợ chồng hành khách này ngồi vào 2 ghế gần cửa thoát hiểm. Đồng thời giải thích cho hành khách về quy định của ngành và nguyên nhân không được ngồi gần nhau trên chuyến bay.

Không được đáp ứng yêu cầu, nam hành khách là Trần Thanh H. lớn tiếng chửi bới, bẻ tấm ghi bảng tên đặt trên mặt quầy ném vào người nhân viên đang làm thủ tục check in.

Thấy sự việc ầm ĩ, nhân viên an ninh sân bay đến can thiệp nhưng ông H. còn đánh vào mặt một cán bộ mặc sắc phục an ninh và đập điện thoại của một nhân viên an ninh khác. Chưa hết, ông H. còn xé vé của 2 hành khách đang xếp hàng chờ làm thủ tục lên máy bay sau mình.

Lực lượng an ninh sân bay đã khống chế ông H. đưa về Cảng vụ lập biên bản và bàn giao cho Công an Phường 2, Quận Tân Bình xử lý vì đây là vụ việc gây rối trật tự công cộng, vượt ngoài thẩm quyền xử phạt của Cảng vụ Hàng không miền Nam.

Tại cơ quan chức năng, ông H. cho biết mình là Tổng giám đốc công ty Gạch men Đông Nam Á.

Theo quy định của ngành hàng không toàn cầu, cửa thoát hiểm trên máy bay chỉ được mở trong trường hợp khẩn cấp.

Trên những chiếc máy bay thân lớn đều có ghế ngồi dành cho tiếp viên tại khu vực cửa thoát hiểm để chịu trách nhiệm tại cửa thoát hiểm đó nhưng ở máy bay thân nhỏ, ít chỗ ngồi thì chỉ được bố trí cho những hành khách khỏe mạnh, không có hơi men ngồi gần để có thể hợp tác với tổ bay trong trường hợp khẩn nguy.

Sau vụ việc, ông H. đã bị lập biên bản vi phạm hành chính, chuyển giao cho công an phường 2, quận Tân Bình, Tp.HCM xử lý và bị phạt tiền 150.000 đồng đồng thời bị cơ quan an ninh hàng không áp dụng chế độ kiểm soát đặc biệt.

Bị phạt tù nếu đe dọa an ninh hàng không

Được biết, sau vụ mất tích bí ẩn của chiếc máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia, bắt đầu từ ngày 9/3, tất cả các cảng hàng không - sân bay và các hãng khai thác tại Việt Nam được lệnh áp dụng biện pháp đảm bảo an ninh cấp độ 1. Vì thế, bất kỳ hành vi nào bất thường đối với hoạt động hãng không cũng sẽ bị thẩm vấn, điều tra và xác minh làm rõ động cơ, đồng thời xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Theo đó, hành khách khi làm thủ tục check in hoặc qua cửa soi chiếu an ninh được phỏng vấn kỹ, buộc phải tháo giày đưa qua máy soi chiếu. Hành khách không được mang theo các hành lý có kích thước đóng gói quá lớn, vali quá to cũng bị kiểm tra trước khi được chấp thuận có cho vào diện hành lý ký gửi hay không Các hàng khách đã mua vé nhưng hủy chuyến bay cũng sẽ bị thẩm vấn bất kỳ.

Thậm chí, máy bay trên sân đỗ chưa đến giờ cất cánh đều bị niêm phong và giám sát bằng camera. Khi máy bay đang khai thác, tại mỗi cửa lên máy bay sẽ có 1 nhân viên an ninh canh gác, giám sát. Trên khoang máy bay, các ô trống, ghế ngồi đều không loại trừ các nghi vấn và kiểm tra. Cabin của tổ lái được khóa chặt, ngoài phi công, tiếp viên trưởng khi có nhiệm vụ quan trọng mới được vào buồng lái và phải có sự liên hệ bằng các mật mã đã được thống nhất.

Còn theo quy định tại Thông tư Quy định chi tiết Chương trình an ninh hàng không dân dụng Việt Nam và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không dân dụng do Bộ Giao thông Vận tải ban hành năm 2012 thì những hành khách gây rối làm ảnh hưởng đến an ninh hàng không sẽ được xử lý theo: Trường hợp hành khách chưa lên tàu bay, nhân viên an ninh hàng không ngăn chặn không cho phép hành khách lên tàu bay, giữ người, thu giữ giấy tờ tùy thân của hành khách, lập biên bản vi phạm, thông báo cho Cảng vụ hàng không liên quan và hãng hàng không liên quan biết;

Trường hợp hành khách đã lên tàu bay, tổ bay phải áp dụng biện pháp xử lý thích hợp theo thẩm quyền; quyết định tạm dừng chuyến bay vì lý do bảo đảm an toàn, an ninh cho chuyến bay; thông báo cho đại diện có thẩm quyền của hãng hàng không; đại diện có thẩm quyền của hãng hàng không thông báo vụ việc cho lực lượng an ninh hàng không tại cảng hàng không xuất phát (trường hợp tàu bay đang dưới mặt đất), cảng hàng không nơi tàu bay hạ cánh (trường hợp tàu bay đang bay) biết để trợ giúp và thông báo cho Cảng vụ hàng không liên quan; nếu nơi hạ cánh là cảng hàng không, sân bay của nước ngoài thì tổ bay lập biên bản vi phạm, bàn giao vụ việc cho nhà chức trách có thẩm quyền của nước sở tại để xử lý theo các quy định của pháp luật nước đó;

Nhân viên an ninh hàng không của cảng hàng không, sân bay lên ngay tàu bay hoặc ngay sau khi tàu bay hạ cánh, phối hợp với tổ bay để áp giải, áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần thiết để áp giải ngay hành khách xuống khỏi tàu bay, thu giữ giấy tờ tùy thân của hành khách, đồ vật vi phạm; tổ bay phải lập biên bản vi phạm hành chính, chuyển giao cho Cảng vụ hàng không liên quan xử lý theo thẩm quyền; đại diện hãng hàng không phải có mặt chứng kiến và phối hợp trong quá trình xử lý vụ việc;

Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định của pháp luật; trường hợp cần thiết Cục Hàng không Việt Nam cưỡng chế việc thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thực hiện các biện pháp ngăn chặn, thu giữ giấy tờ tùy thân của hành khách tại các cảng hàng không, sân bay.

Bên cạnh đó, hãng hàng không có quyền từ chối vận chuyển đối với chuyến với những trường hợp hành khách gây rối;  Người mất khả năng làm chủ hành vi; Người bị từ chối nhập cảnh, trừ trường hợp hành khách do hãng hàng không vận chuyển vào Việt Nam; Người bị trục xuất không có người áp giải...


Nhật Lâm

Ý kiến bạn đọc