Tội phạm vị thành niên không bị xử lưu động

07:19, 22/11/2013
|

(VnMedia)- Ông Trương Hòa Bình, Chánh án tòa án nhân dân tối cao khẳng định, đối với người chưa thành niên phạm tội thì sẽ không áp dụng hình phạt cao nhất, cũng không nên đưa người thành niên phạm tội ra xét xử lưu động.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu) về nội dung liên quan đến công tác xét xử đối với người chưa thành niên về các hành vi phạm tội: Tội cướp giật, tội xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của con người với tính chất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng; quan điểm của Tòa án nhân dân tối cao về khung hình phạt và hình thức xét xử thực sự có tác dụng tốt để góp phần làm dừng, làm giảm người chưa thành niên phạm tội trong thời gian tới?

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình cho biết: Chiều hướng trẻ phạm tội theo số liệu báo cáo cũng có lúc tăng, lúc giảm nhưng xu hướng chung là tăng. Cụ thể, số liệu về trẻ vị thành niên phạm tội trong năm 2011 là 3.116 bị cáo, năm 2012 là 6.584 bị cáo và năm 2013 là 5.816 bị cáo.

"Trong quá trình xử lý người chưa thành niên phạm tội, việc có nên xem xét tăng mức án hay không và có nên xét xử lưu động hay không tôi đã có dịp trình bày trong lần họp Quốc hội cách đây 2 kỳ. Nếu như việc tăng mức án và xét xử lưu động có tác dụng răn đe, phòng ngừa đó là nói chung với các loại tội phạm còn riêng đối với người chưa thành niên phạm tội nếu xét xử lưu động thì sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển tâm sinh lý của người chưa thành niên sau này, đồng thời coi việc người chưa thành niên phạm tội, mình dùng những vụ án này để đi tuyên truyền, giáo dục pháp luật thì cũng không phù hợp", ông Bình nói.

Cũng theo ông Trương Hòa Bình, về nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội đã được ghi nhận trong Bộ luật hình sự, mặt khác, người chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần là những đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là khi họ tham gia vào quá trình tố tụng và trong quá trình giải quyết các vụ án. Cho nên, tùy theo mức độ, độ tuổi của họ mà luật pháp quy định về mức chịu trách nhiệm hình sự về mức hình phạt.

"Như vậy, đối với người chưa thành niên phạm tội thì sẽ không áp dụng hình phạt cao nhất, đặc biệt nghiêm trọng là từ 20, chung thân, tử hình và đây là trách nhiệm chung của xã hội, như tôi đã trình bày trước đây và cũng không nên đưa người thành niên phạm tội ra xét xử lưu động. Còn trong thực tiễn khi họ phạm tội ở tuổi chưa thành niên, nhưng khi đưa ra giai đoạn xét xử thì họ đã thành niên, trong những trường hợp cá biệt thì cũng có đưa ra để xét xử lưu động", ông Bình nói.


Lam Nguyên

Ý kiến bạn đọc