3 “khách trọ” bất đắc dĩ giữa trại giam

06:51, 29/08/2013
|

(VnMedia)- Trại giam Thanh Xuân hiện còn những “cựu phạm nhân” người nước ngoài dù đã chấp hành xong thời hạn tù, nhưng do còn nợ phần bồi thường dân sự nên trại tiếp tục phải quản lý, nuôi ăn.

Chuyện thật như... bịa

“Khách trọ” tại trại giam? Lại là khách nước ngoài? Chuyện tưởng như bịa này lại là thực tế diễn ra ở một số trại giam trong cả nước, trong đó Trại giam Thanh Xuân là một ví dụ.

Ảnh minh họa

Hai "khách trọ" Cham Tack Choi và Tan Wei Hong tại Trại giam Thanh Xuân, Hà Nội.

Cham Tack Choi, người Malaysia, một trong hai thủ phạm vụ mua hàng hiệu bằng thẻ tín dụng giả bị bắt quả tang tại Hà Nội năm 2007. Tháng 9/2012, Cham Tack Choi được tha tù. Thay vì  về gia đình sum họp, Cham Tack Choi lại ở tầng 1 khu nhà lưu trú của Trại giam Thanh Xuân từ đó đến nay.

Căn phòng này vốn là "phòng hạnh phúc" (phần thưởng mà trại giam dành cho những phạm nhân có thành tích cải tạo tốt được gặp người thân khi thân nhân đến thăm) vì thế có khu vệ sinh khép kín, tivi, quạt treo tường, bàn uống nước, giường đệm tươm tất. Nhưng từ tháng 9/2012, đây trở thành nơi tá túc của Cham và Từ Kiến Tường, người Trung Quốc, cũng đang phải làm khách trọ bất đắc dĩ vì còn nợ tiền bồi thường dân sự.

Năm năm ở trại, Cham nói tiếng Việt khá tốt vì vậy nghe tôi hỏi xem tivi cả ngày không chán hay sao, Cham bảo cả ngày ngồi chờ 3 bữa cơm, chẳng có việc gì làm thì đành bật tivi xem cho đỡ buồn. 

Hỏi bao giờ được về, anh chàng thở dài: "Cũng chưa biết được vì em còn nợ nhiều tiền lắm, gần 300 triệu cơ, mà nhà em ở bên kia cũng chẳng có tiền gửi sang cho em trả nợ".

Hơn 5 năm trước, tháng 12/2007, Cham Tack Choi sang Việt Nam mua hàng hiệu bằng thẻ tín dụng giả để trả nợ thua bạc.

Khi bị bắt, Cham khai rằng trước đó, Cham có vay của một người 20.000 RM để đánh bạc, nhưng sau đó đã thua hết số tiền này. Không có tiền trả, chủ nợ đưa cho Cham thẻ tín dụng giả và yêu cầu sử dụng để mua hàng hiệu với trị giá tiền khoảng 35.000 RM mang về thì sẽ được xóa nợ, nếu không sẽ bị xử theo luật rừng.   

Ngày 11/12/2007, Cham cùng một người nữa sang Hà Nội và ở khách sạn Sofitel Metropole. Ngày 12/12/2007, Cham đến cửa hàng Louis Vuitton ở 15 Ngô Quyền (Hà Nội) mua vali, túi xách với tổng giá trị 9.970 USD; Cham đã dùng thẻ tín dụng America Express giả để thanh toán cho lô hàng hiệu này mà không bị phát hiện. Sau đó, Cham còn dùng thẻ Mastercard giả để thanh toán hơn 600 USD tiền phòng khách sạn.

Một tuần sau, Cham lại sang Việt Nam với hành trang là 13 chiếc thẻ tín dụng giả. Đi cùng Cham lần này còn có 4 người Malaysia nữa.

Ngày 21/12/2007, Cham lại đến cửa hàng Louis Vuitton 15 Ngô Quyền mua túi xách, sau đó Cham còn đến mua máy ảnh kỹ thuật số ở cửa hàng của Công ty Hồng Đức tại Tràng Tiền Plaza. Tổng cộng số tiền mà Cham mua hàng, thanh toán tiền khách sạn  bằng thẻ giả sau 2 lần đến Việt Nam là hơn 275 triệu đồng. Lần thứ 3 quay lại cửa hàng Louis Vuitton để mua hàng, Cham đã bị nhân viên cửa hàng phát hiện và báo công an bắt quả tang.

Cùng bị bắt với Cham Tack Choi còn có Tan Wei Hong. Nhưng trước khi cùng Cham đến Hà Nội, Tan đã từng hai lần đến Tp HCM dùng thẻ giả mua được 2 chiếc đồng hồ nhãn hiệu Swiss Watch và 1 chai nước hoa Gucci tại Parkson SGT Plaza Tp HCM có trị giá 87,2 triệu đồng; 2 chiếc đồng hồ Omega trị giá 9.000 USD, thanh toán tiền khách sạn, mua vé máy bay khứ hồi Hà Nội - Kualalumpur, mua túi xách hàng hiệu tại cửa hàng Louis Vuitton ở Hà Nội…   

Tổng số tiền mà Cham Tack Choi và Tan Wei Hong đã chiếm đoạt thông qua việc dùng thẻ tín dụng giả để mua hàng hiệu và thanh toán các dịch vụ khác tại Việt Nam là hơn 569,1 triệu đồng.

Tháng 1/2009, Cham Tack Choi và Tan Wei Hong bị TAND Tp Hà Nội phạt 7 năm tù vì tội "trộm cắp tài sản", trục xuất khỏi Việt Nam sau khi mãn hạn tù; Cham Tack Choi phải truy nộp 275,4 triệu đồng xung công quỹ; Tan Wei Hong phải truy nộp 293,6 triệu đồng xung công quỹ.

Sau gần 4 năm thụ án ở Trại giam Thanh Xuân với 3 lần được giảm án, ngày 22/9/2012, Cham Tack Choi và Tan Wei Hong cùng được tha tù. Tuy nhiên, do cả hai đều còn nợ mỗi người gần 300 triệu đồng nên sau khi nhận quyết định tha tù, Cham và Tan được đưa ra nhà lưu trú để "ở trọ" cho đến giờ. Khác hẳn với vẻ cởi mở của Cham, thấy người lạ vào phòng, Tan Wei Hong quay ra nhìn rồi lấy chăn trùm kín.  

Ở cùng phòng với Cham Tack Choi là Từ Kiến Tường, người Trung Quốc, đã ở khu nhà lưu trú này từ tháng 5/2012 và hiện là người có "thâm niên" ở khu nhà lưu trú này lâu nhất. Năm nay 40 tuổi, Từ Kiến Tường vốn là dân buôn bán ở Quảng Tây, Trung Quốc. Cũng từ việc buôn bán này, Tường quen với chị Nguyệt ở Việt Trì - Phú Thọ. Vì vậy tết các năm 2001, 2002, chị Nguyệt đưa Tường về Việt Nam chơi. Tháng 11/2003, chị Nguyệt đưa Tường nhập cảnh trái phép về nhà mình ăn tết. Tối 16/4/2004, Tường và chị Nguyệt cãi nhau, Tường đòi chị Nguyệt trả nợ và đưa mình về nước, nhưng chị Nguyệt không đồng ý và đuổi Tường ra khỏi nhà. Tường vào bếp lấy 2 con dao lên nhà chém chị Nguyệt. Lúc này, chị Phương là bạn chị Nguyệt đến chơi xông vào can ngăn cũng bị Tường chém luôn. Chị Phương bỏ chạy ra ngoài, Tường quay ra chém luôn cháu bé con chị Phương mới 4 tuổi…

Tháng 11/2004, Từ Kiến Tường bị TAND tỉnh Phú Thọ tuyên phạt 12 năm tù vì tội giết người và phải bồi thường dân sự 27 triệu đồng. Tháng 5/2012, sau 5 lần được giảm án với thời gian 3 năm 11 tháng, Từ Kiến Tường hết án và ra ở nhà lưu trú vì chưa trả được món nợ 27 triệu đồng. 

Ở đến bao giờ?

Mặc dù không muốn tiếp nhận bởi phải nuôi ăn, chăm sóc khi ốm đau và không được cho trốn, nhưng các cán bộ quản giáo tại Trại giam Thanh Xuân vẫn phải "ngậm bồ hòn làm ngọt". Vì sao?

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin đến bạn đọc.

Bài 2: Loay hoay xử lý cựu tù ngoại không tiền


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc