Nhiều khó khăn trong xử lý tài sản bảo đảm

07:16, 07/07/2013
|

Vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn xử lý tài sản bảo đảm. Đó là nhận định được đưa ra tại Hội thảo Phương hướng hoàn thiện về xử lý tài sản bảo đảm và kinh nghiệm quốc tế trong việc nhận tài sản bảo đảm là động sản vừa được Bộ Tư pháp tổ chức.

Theo Phó cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm Bộ Tư pháp Hồ Quang Huy, pháp luật hiện hành chưa tạo lập được những bảo đảm pháp lý cần thiết để bên nhận bảo đảm chủ động và đơn phương xử lý tài sản bảo đảm trên cơ sở các hợp đồng bảo đảm đã được giao kết hợp pháp. Các quy định của pháp luật hiện hành chưa đề cao quyền chủ động xử lý tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm. Pháp luật cũng chưa quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc bảo đảm quyền chủ động và đơn phương xử lý tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm.

 

Đây chính là nguyên nhân dẫn đến hầu hết các vụ việc không được thực hiện theo thỏa thuận trong giai đoạn xử lý mà đều phải thực hiện khởi kiện, gây tốn kém về thời gian, chi phí, hiệu quả không cao. Do thời gian giải quyết kéo dài nên tài sản có thể bị tẩu tán, giảm giá trị, nhiều vụ việc giá trị thu hồi vốn không đáng kể, thậm chí mất vốn. Thực tế trong quá trình giải quyết tài sản bảo đảm, các cơ quan có thẩm quyền chưa công nhận và tạo điều kiện cho bên nhận bảo đảm chủ động và đơn phương thực hiện quyền của mình như cơ quan công chứng, cơ quan đăng ký quyền sở hữu, tòa án… chỉ chấp nhận bên bán là chủ sở hữu đồng thời là bên bảo đảm mà không xem xét quyền của bên nhận bảo đảm được các bên thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm đã được công chứng, đăng ký theo quy định của pháp luật.


Thực tế cũng cho thấy, trong quá trình thực hiện việc xử lý tài sản bảo đảm gặp khó khăn, vướng mắc bởi thiếu cơ chế và những đảm bảo pháp lý để bên nhận bảo đảm thực hiện quyền thu hồi tài sản bảo đảm để xử lý. Quá trình thu giữ tài sản bảo đảm gặp nhiều khó khăn do sự thiếu tinh thần hợp tác của bên bảo đảm. Việc chuyển giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm để xử lý chính là việc bên bảo đảm bị mất tài sản đó. Do vậy, bên bảo đảm thường cố tình tìm cách trì hoãn việc chuyển giao tài sản bảo đảm theo đúng cam kết đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm. Trong khi đó, pháp luật hiện hành lại chưa có quy định cơ chế hỗ trợ bên nhận bảo đảm thực thi quyền thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý trong giai đoạn tiền tố tụng gặp nhiều khó khăn do sự bất hợp tác của bên bảo đảm.

 

Không chỉ giai đoạn tiền tố tụng, ngay cả bằng con đường Tòa án thì thủ tục xử lý tài sản bảo đảm cũng còn nhiều khó khăn phức tạp, mất nhiều thời gian, chưa tạo thuận lợi cho bên nhận bảo đảm thực thi tốt quyền xử lý tài sản bảo đảm. Thực tế cho thấy, thời gian xử lý tài sản bảo đảm qua tố tụng có thể kéo dài đến 2 năm. Trong khi bên nhận bảo đảm không chỉ quan tâm đến kết quả xử lý tài sản bảo đảm mà còn quan tâm đến thời điểm thu hồi được vốn vay. Nếu việc thu hồi chậm hơn so với dự kiến sẽ ảnh hưởng đến quản lý thanh khoản của bên nhận bảo đảm, cơ hội rủi ro thanh khoản càng cao, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của bên nhận bảo đảm. Vì vậy, việc rút ngắn thời gian xử lý tài sản bảo đảm có ý nghĩa rất quan trọng đối với bên nhận bảo đảm.

Sẽ rất khó khăn đối với bên nhận bảo đảm khi thực hiện việc thu giữ tài sản khi tài sản đó là phương tiện vận tải đang lưu thông nếu không có sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của công an và chính quyền địa phương. Thực tế không ít trường hợp khi nhận được văn bản đề nghị phối hợp, hỗ trợ thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm của ngân hàng, cơ quan chính quyền địa phương (UBND cấp xã, phường, thị trấn) và cơ quan công an chưa coi đó là nhiệm vụ, trách nhiệm của mình, thậm chí né tránh vì nhiều lý do khác nhau.

 

Vấn đề đặt ra hiện nay là cần phải hoàn thiện hành lang pháp lý về giao dịch bảo đảm để khắc phục những hạn chế, bất cập của pháp luật về giao dịch bảo đảm, nhằm tạo sự thống nhất trong việc xử lý tài sản bảo đảm, giúp các tổ chức tín dụng nhanh chóng thu hồi nợ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của chủ nợ có bảo đảm.


Vân Quang

Ý kiến bạn đọc