Ác mộng với những tên trộm ngay trong nhà

07:49, 24/06/2013
|

(VnMedia)- Xã hội hiện đại với cuộc sống bận rộn nên nhiều gia đình đã bị lệ thuộc vào “ôsin”. Trái ngược với sự tin tưởng tuyệt đối của chủ nhà khi giao con cái, nhà cửa… cho trông nom, nhiều “ôsin” đã trở thành những tên trộm chuyên nghiệp.

 Ảnh minh họa

 "Chuyên gia" ăn trộm dưới vỏ bọc ôsin Đỗ Thị Chi tại cơ quan điều tra.


Chuyên gia trộm vàng, tiền núp bóng… ôsin

17h30 ngày 22/6, công an phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội nhận được tin trình báo của anh Lê Văn H, trú tại tầng 21 nhà N09B2, khu đô thị mới Dịch Vọng, về việc người giúp việc có dấu hiệu trộm cắp tài sản. Đối tượng được xác định là Đỗ Thị Chi, 37 tuổi, trú tại Tân Hiệp, Yên Thế, Bắc Giang.

Trước đó, đã rất nhiều lần, người thân đến thăm gia đình anh H và nhà mẹ vợ anh liên tục bị mất trộm điện thoại. Tiền lễ trên bàn thờ cũng tự dưng… “không cánh mà bay mất”.

Tại cơ quan công an, Chi đã thừa nhận hành vi trộm cắp điện thoại của mình. Kiểm tra đồ dùng của đối tượng, cơ quan công an thu giữ 6 chiếc điện thoại di động các loại.

Trong đó có 3 chiếc điện thoại, đối tượng khai nhận đã lấy trộm tại nhà mẹ vợ anh H, mỗi lần theo vợ chồng anh về đó chơi. Còn một chiếc điện thoại lấy trộm của khách đến nhà, đối tượng đã đem bán lấy tiền tiêu xài. Đến nay, những chiếc sim điện thoại của chủ cũ, Chi vẫn cẩn thận cho vào một chiếc hộp nhỏ cất trên tủ bếp của gia đình…   

Tìm hiểu sâu hơn về đối tượng, cơ quan công an phát hiện, từ khi bắt đầu lên Hà Nội làm giúp việc, Chi đã lập được 4 cuốn sổ tiết kiệm, có trị giá từ cả chục đến trăm triệu đồng. Đáng chú ý là cuốn sổ được lập vào tháng 4/2013 có trị giá 2.105 USD… Với mức lương 3 triệu đồng/ tháng của Chi như hiện nay thì hàng trăm triệu đồng đó từ đâu ra?!

Ban đầu, đối tượng gan lỳ, nhất quyết khai nhận, tất cả đều là tiền gom góp từ bao năm mà có. Tuy nhiên, đấu tranh đến 4h sáng ngày 23/6, đối tượng bị Đại úy Bùi Mạnh Hà, Tổ trưởng tổ Hình sự, công an phường Dịch Vọng bắt quả tang hành vi giấu một gói đồ trong người. Bên trong chiếc gói nhỏ là 10 chiếc nhẫn vàng. Nhiều chiếc nhẫn được gói cẩn thận cùng biên lai từ những năm 1991?!

Trước khi làm việc cho nhà anh H tại tầng 21, Đỗ Thị Chi là người giúp việc của gia đình chị Nguyễn Minh A tại tầng 7 cùng tòa nhà. Làm ở đây 2 năm, từ tháng 6/2010 đến tháng 10/2012, đối tượng đã lấy trộm của chị A 2.105 USD và đem gửi tiết kiệm. Trong quá trình làm việc, biết được nơi cất giữ vàng, trang sức của gia chủ, Chi đã lấy của gia đình 6 chiếc nhẫn vàng. Thấy “hành trang” đã kha khá, đối tượng liền tạo mâu thuẫn, xin nghỉ để chuyển đến làm người giúp việc cho gia đình anh H.  

Phụ lại sự tin tưởng, yêu mến của những gia đình mình làm việc, đối tượng không những ra tay “thó” tài sản khi có sơ hở, còn nhiều lần lén lút đưa nhân tình về nhà chủ “tâm sự yêu đương”.

CAP Dịch Vọng đã làm rõ số tài sản đối tượng trộm cắp của hai gia đình là hơn 70 triệu đồng. Với 7 triệu đồng tiền mặt đối tượng mang theo trong người, 3 chiếc điện thoại di động, 3 cuốn sổ tiết kiệm trị giá 155 triệu đồng và 4 chiếc nhẫn vàng, cơ quan công an đang tiếp tục điều tra làm rõ.

Chủ đi tắm, ôsin lục ví trộm tiền

Khoảng 20h ngày 3/3/2013, anh Nguyễn Phương Duy, trú tại Nam Quất, Nam Triều, Phú Yên, hiện đang tạm trú tại xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, Hà Nội đến Đồn công an số 18 trình báo về việc bị mất trộm một số tài sản.

Anh Duy cho biết: Khoảng 18h ngày 2/3, anh Duy để 20.000.000 đồng dưới gối trong phòng ngủ. Sau khi tắm xong, anh kiểm tra phát hiện mất 10.000.000 đồng. Lực lượng công an Đồn công an số 18 đã nhanh chóng triển khai xuống hiện trường thu thập chứng cứ truy tìm thủ phạm. Sau khi khám nghiệm hiện trường, cơ quan công an nhận định, rất có thể thủ phạm là người quen nên mới biết chỗ để tiền của anh Duy.

Rất nhanh chóng, Đồn công an số 18 đã điều tra, làm rõ, xác định thủ phạm chính là người giúp việc trong nhà anh Duy - Trần Hà Giang (sinh năm 1994) trú tại Tản Lĩnh, Ba Vì. Vật chứng thu giữ là 3.085.000 và 1 điện thoại Samsung Galaxy S5360.

Tại cơ quan công an, bước đầu Giang khai nhận, số tiền trộm được từ nhà anh Duy, Giang đã dùng để làm một bộ tóc mới với giá 2,5 triệu đồng và mua một bộ quần áo “hàng hiệu”. Đồn công an số 18 đã lập hồ sơ vụ việc và chuyển Đội CSĐT tội phạm về TTXH CAH Từ Liêm để tiếp tục xử lý đối tượng.

Trước đó, khoảng 13h ngày 14/2, chị Nguyễn Thị Hà Liên (ở 47 Nguyễn Như Đổ, hiện tạm trú ngách 88/4 Trần Quý Cáp, Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội) đến công an phương Văn Miếu trình báo chị bị mất 9 triệu đồng để ở đầu giường.

Qua truy xét, ngày 15/2, công an phường Văn Miếu làm rõ kẻ gian chính là Đào Thị Vinh (sinh năm 1960, ở Văn Chấn, Yên Bái) là người giúp việc đã lấy trộm số tiền trên. Công an phường Văn Miếu thu hồi tang vật, chuyển đối tượng công an quận Đống Đa xử lý.

Rước sói vào nhà

Có một thực tế đáng báo động là, hầu như các gia đình có nhu cầu tìm giúp việc hiện nay đều khá chủ quan, dễ dãi khi tuyển ôsin. Chỉ cần qua môi giới (không biết trước), qua những lời giới thiệu vu vơ, đôi khi là các ôsin tự đi tìm việc là chủ nhà đã gật đầu. Tuy nhiên, chính bởi sự dễ dãi đó, nhiều gia đình đã đưa “sói vào nhà”.

“Giúp việc cũ nhà tôi về quê ăn tết, rồi đột ngột nói không lên nữa khiến hai vợ chồng không kịp trở tay” - Nguyễn Văn Vương (sinh năm 1969), ở quận Ba Đình, Hà Nội cho hay. Ngày 5/2/2012, bị hại lên mạng và biết một phụ nữ tên Dung, nhà ở làng Phú Đô, huyện Từ Liêm chuyên môi giới người giúp việc. “Chúng tôi gọi điện thì Dung hẹn vài ngày nữa sẽ có người đến làm”. Về phía Dung, tuy có đăng tin môi giới nhưng trong tay cô ta thời điểm đó chẳng có ai để “mối lái”. Đang loay hoay tìm lý do trì hoãn với khách, Dung bất ngờ nhận được điện thoại của một cô gái tên Đào Thị Hoài Thương (sinh năm 1994), nhà ở Cẩm Phả, Quảng Ninh nói muốn đi làm giúp việc với mức lương 3 triệu đồng/tháng.

“Sáng 7/2, trước khi đi làm tôi rút ít tiền trong túi máy tính ra tiêu, có lẽ Thương ở ngoài nhìn thấy” - bị hại lý giải về sơ hở của mình. Chờ lúc cả nhà anh đi vắng, Thương vào phòng ngủ của vợ chồng gia chủ, lục lọi lấy đi 30 triệu đồng, chiếc máy tính xách tay rồi bỏ trốn về quê.

Tương tự như anh Vương là trường hợp chị Trần Kim Hoa (sinh năm 1975), ở phường Láng Hạ, quận Đống Đa. Chị Hoa từng bị người giúp việc tên Đoàn Thị Thao (sinh năm 1969), ở Việt Yên, Bắc Giang - mới thuê làm việc 2 tháng, mở tủ trộm cắp 6 lượng vàng cùng nhiều trang sức quý. Hôm đó, chị Hoa có việc ra ngoài đã cẩn thận khóa trái cửa nhà, gửi chìa khóa cho hàng xóm. Bị nhốt trong nhà, Thao vào phòng ngủ bà chủ lục lọi, phát hiện chùm chìa khóa. Cô ta lần lượt mở tủ quần áo, mở két sắt lấy cắp 6 lượng vàng và một số trang sức. Để “qua mặt” hàng xóm, cô này vờ kêu la bị đau răng, nhờ  mở cửa đi mua thuốc rồi cao chạy xa bay…

Lỗi tại ai?

Trên đây chỉ là một số vụ trộm cắp mà ôsin là thủ phạm diễn ra trong thời gian gần đây. Thậm chí, vì ăn trộm mà có ôsin đã phải lĩnh án tới 16 năm tù. Đấy là trường hợp của ôsin Trần Thị Yến Linh (sinh năm 1970, quê Trà Vinh), ăn trộm của chủ nhà cả tỷ đồng. Cuối năm 2012, dư luận được phen choáng váng khi biết được thông tin một nữ giúp việc đã ăn trộm của chủ nhà tới 6 tỷ đồng để về quê lấy chồng. Khi bị bắt, trên người đối tượng còn 1.500USD và 49,5 triệu đồng. Cơ quan điều tra cũng đã đã thu hồi được số nữ trang mà Dung chưa kịp bán gồm sợi dây chuyền, lắc tay, nhẫn trị giá khoảng 200 ngàn USD... Ấy vậy nhưng, rất nhiều gia đình vẫn còn tâm lý chủ quan khi thuê người giúp việc.

Trao đổi với báo chí xung quanh vụ việc ôsin trộm tiền của chủ rồi "hú hí" với giai, Trung tá Bùi Văn Đang, Trưởng công an phường Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội khẳng định: Vụ việc là bài học cảnh giác cho các gia đình đang thuê người giúp người trên địa bàn Hà Nội. Sự thiếu kiểm tra, kiểm soát đối với bản thân người giúp việc và tài sản của chính mình đã tạo điều kiện cho các hành vi phạm pháp xảy ra, gây ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ tới an ninh trật tự trong khu vực mà còn ảnh hưởng đến hạnh phúc của mỗi gia đình.

Phòng ngừa người giúp việc trộm cắp thế nào? Cách tốt nhất mà cơ quan công an khuyến cáo, là mỗi người dân hãy cảnh giác, thận trọng trong bảo quản tài sản, cùng việc chủ động khai báo tạm trú cho những người này. Khai báo tạm trú ngoài giúp cơ quan công an quản lý tốt địa bàn, còn gián tiếp giúp các gia chủ biết chính xác nhân thân, lai lịch của những người lạ. Họ “dính” tiền án - tiền sự chưa, có ăn ở thường xuyên tại quê nhà không, mối quan hệ của người này tại địa phương có gì phức tạp; quan trọng hơn, người giúp việc này chính xác là con người có tên, tuổi như giấy tờ họ “xuất trình”  không… là những thông tin quan trọng được cơ quan công an giải đáp qua “phiếu xác minh 2 chiều”, sau khi gia chủ hoàn thành thủ tục đăng ký tạm trú. Tuy nhiên, bên cạnh sự tự giác của người dân, yêu cầu đặt ra đối với lực lượng công an cơ sở, là kiên quyết xử phạt đối với những trường hợp chậm trễ khai báo tạm trú.


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc