VIDC: Cựu lãnh đạo lật kèo với công ty?

20:28, 07/12/2015
|

Những ngày gần đây, vụ việc Công ty Phát triển Đô thị Quốc tế Việt Nam (VIDC) bị bà Trần Thị Dung (Thanh Trì, Hà Nội) tố tự thay đổi thiết kế căn hộ để ếp khách hàng thu thêm tiền… đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội.

Theo đó, ngày 24/11/2011, VIDC và bà Dung có ký hợp đồng số 153/SPA-TH-VIDC về việc mua bán căn nhà 06/05/TH4B(M) tại Khu đô thị Park City Hà Nội. Và theo các điều khoản của hợp đồng, VIDC và bà Dung thống nhất sẽ thi công, thiết kế căn hộ như bản vẽ trong phụ lục hợp đồng. Tuy nhiên, ngày 10/1/2013, VIDC có công văn với nội dung yêu cầu bà Dung trả thêm 315 triệu đồng về việc thay đổi thiết kế căn nhà.

Không đồng tình với vấn đề này vì cho rằng hợp đồng mua bán căn nhà mà bà và VIDC đã ký được thực đúng quy định, có đầy đủ dấu của VIDC, bà Dung khẳng định mình không phải chịu trách nhiệm về việc thay đổi thiết kế này.

Liên quan đến việc thay đổi thiết kế căn hộ 06/05/TH4B(M), ông Nguyễn Chân Phương-chồng bà Dung và cũng là cựu Phó Tổng giám đốc VIDC-khi trao đổi với báo chí đã khẳng định cá nhân ông không có bất kỳ ý kiến nào với VID về việc chỉnh sửa, thay đổi thiết kế căn nhà trên.

Ông Phương cũng cho rằng, trong năm 2011, khi hợp đồng mua bán căn nhà số 06/05/TH4B(M) được ký, ông không phải là thành viên Hội đồng quản trị, không phải là người đại diện ủy quyền của cổ đông nắm giữ 40% cổ phần của VIDC. Chính vì vậy, ông cho rằng, hợp đồng mua bán số 153 không thuộc diện phải thông qua Hội đồng quản trị.

 

d
Thư điện tử ông Phương trao đổi với thư ký Nguyễn Thị Hậu và nhân viên thiết kế của VIDC Nguyễn Quang Huy.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PetroTimes, sự thật đằng sau câu chuyện này lại hoàn toàn trái ngược. Cụ thể:

Ngày 31/10/2011, ông Nguyễn Chân Phương khi đó là Phó Tổng giám đốc VIDC đã gửi thư điện tử cho bà Yean (đơn vị tư vấn thiết kế của dự án-PV) và thư ký là Nguyễn Thị Hậu xác nhận căn nhà số 6/5/Th4B(M) là của ông.

Đặc biệt, trong thư điện tử gửi ngày 9/11/2011, Nguyễn Quang Huy-nhân viên thiết kế của VIDC đã gửi Nguyễn Thị Hậu bản vẽ thay đổi căn nhà 06/05/TH4B(M) và khẳng định những thay đổi này được thực hiện theo yêu cầu của ông Phương.

Cũng tại một thư điện tử khác gửi đơn vị tư vấn thiết kế, ông Nguyễn Chân Phương viết “tôi đang mong đợi nhận được những bản vẽ từ bạn sớm”.

Ngoài ra, ông Phương còn có thư điện tử hoặc thông qua thư ký là Nguyễn Thị Hậu trao đổi về việc thay đổi thiết kế căn nhà 06/05/TH4B(M) với các nhân viên thiết kế, đơn vị tư vấn thiết kế khác của VIDC.

Như vậy, việc ông Phương khẳng định mình không có bất kỳ ý kiến gì về việc chỉnh sửa, thay đổi thiết kế căn nhà 06/05/Th4B(M) là không đúng, thậm chí nó còn được thực hiện theo yêu cầu của ông Phương như khẳng định của Nguyễn Quang Huy.

Liên quan đến việc hợp đồng mua bán số 153 không thuộc diện phải thông qua Hội đồng quản trị thì:

Theo hợp đồng liên doanh ký ngày 28/1/2008 giữa Công ty TNHH Perdana ParkCity (S) PTE (chiếm 59% cổ phần), Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Vinaconex Hoàng Thành - nay là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Hoàng Thành - (chiếm 40%) và ông Phạm Đức Trung Kiên - Việt kiều Mỹ (chiếm 1%), Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Vinaconex Hoàng Thành được đề cử Phó tổng giám đốc và Kế toán trưởng.

Căn cứ theo điều khoản trên, ông Nguyễn Chân Phương là đại diện của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Vinaconex Hoàng Thành đã được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc VIDC từ ngày 1/8/2008.

Và đến ngày 13/12/2012, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đô thị Hoàng Thành và Công ty Perdana ParkCity SDN BHD ký kết hợp đồng chuyển nhượng cổ phần. Theo đó, cơ cấu cổ đông của VIDC sẽ là Công ty TNHH Perdana ParkCity (S) PTE (Singapo) nắm giữ 59% cổ phần; Công ty Perdana ParkCity SDN BHD (Malaisia) nắm giữ 40% và ông Phạm Đức Trung Kiên nắm giữ 1%. Cơ cấu cổ đông này đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại giấy chứng nhận đầu tư số 011033002202 ngày 17/1/2014.

Cùng với sự thay đổi cơ cấu cổ đông trên, ông Nguyễn Chân Phương cũng từ nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc VIDC theo thông báo chấp thuận đơn xin nghỉ việc và chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 31/12/2012.

Trong khi đó, theo Điều 120, Luật Doanh nghiệp 2005, hợp đồng, giao dịch giữa công ty với cổ đông, người đại diện ủy quyền của cổ đông sở hữu trên 35% tổng số cổ phần phổ thông của công ty và những người có liên quan của họ phải được hội đồng quản trị chấp thuận. Ở đây, trước khi từ nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc VIDC, ông Phương là người đại diện của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Vinaconex Hoàng Thành (nắm giữ 40% cổ phần VIDC).

Từ căn cứ trên có thể khẳng định, hợp đồng số 153 phải được Hội đồng quản trị VIDC thông qua.

Nói như vậy để thấy rằng, những thông tin phản ánh của ông Nguyễn Chân Phương là hoàn toàn sai lệch.

Theo Thanh Ngọc/Petrotime


Ý kiến bạn đọc