Những ảnh hưởng tiêu cực của việc tăng lương tối thiểu

06:25, 19/09/2017
|
(VnMedia) - Theo Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), lương tối thiểu đã tăng lên ở mức cao trong thập kỷ qua. Việc tăng lương tối thiểu có khả năng gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm, làm suy giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.
 
Người làm việc không có hợp đồng thường bị lương thấp
 
Theo Báo cáo "Tăng trưởng Tiền lương và Năng suất lao động ở Việt Nam" của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), hiện một bộ phận lớn người lao động (khoảng 50%) không có hợp đồng lao động, và do đó, không thuộc phạm vi áp dụng chính sách lương tối thiểu.
 
Đối với người lao động làm công ăn lương, có hợp đồng lao động tại các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân, nhà nước và FDI (khu vực chính thức), tỷ lệ người lao động có thu nhập cao hơn lương tối thiểu là cao. Mức tỷ lệ này còn cao hơn đối với các doanh nghiệp thuộc các ngành chế biến, chế tạo.
 
Ngoài ra, tỷ lệ người lao động có thu nhập thấp hơn mức lương tối thiểu có xu hướng tăng theo thời gian, nguyên nhân chủ yếu có thể bởi mức tăng lương tối thiểu đột ngột trong năm 2012, cũng như mức tăng ở các năm tiếp sau đó.
 
Phân tích về xác suất một cá nhân có thu nhập thấp hơn lương tối thiểu đã chỉ ra rằng, nhìn chung, lao động trẻ tuổi (hoặc lớn tuổi), có trình độ học vấn tương đối thấp, người làm việc không có hợp đồng (không được tham gia vào bảo hiểm xã hội) là những người có khả năng cao bị trả dưới mức lương tối thiểu. Thêm vào đó, hệ thống lương tối thiểu hiện nay dường như không bao hàm đầy đủ các nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương trong xã hội. Điều này cho thấy việc áp dụng lương tối thiểu như một chính sách bảo trợ xã hội (nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động và giảm nghèo) có thể không phát huy tính hiệu quả.
 
Lương tối thiểu đã tăng lên ở mức cao trong thập kỷ qua. Ảnh minh họa
Lương tối thiểu đã tăng lên ở mức cao trong thập kỷ qua. Ảnh minh họa
Trên thực tế, Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho biết, tỷ lệ điều chỉnh lương tối thiểu được tính toán bởi các thành viên của tổ kỹ thuật dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, có thể kể đến CPI, tăng trưởng GDP, nhu cầu cơ bản của người lao động và các yếu tố khác (ví dụ, năng suất lao động, khả năng chi trả của doanh nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp, số lượng doanh nghiệp giải thể...) cũng như khoản tăng thêm.
 
Tuy nhiên, làm thế nào để đo lường nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, cũng như việc xác định các tiêu chí quan trọng nhất vẫn còn nhiều tranh cãi. Với một người lao động làm công việc đơn giản nhất trong điều kiện bình thường, nhu cầu cơ bản bao gồm ba thành tố: nhu cầu lương thực thực phẩm, nhu cầu phi lương thực thực phẩm, và hỗ trợ người phụ thuộc (con cái).
 
Điều chỉnh lương tối thiểu phải phù hợp với tăng trưởng năng suất lao động
 
Đưa ra kiến nghị về chính sách tiền lương, Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho rằng, điều chỉnh mức lương tối thiểu phải phù hợp với tăng trưởng năng suất lao động. Lương tối thiểu đã tăng lên ở mức cao trong thập kỷ qua. Việc tăng lương tối thiểu có khả năng gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm, và quan trọng hơn, làm suy giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam nếu lương tối thiểu cứ tiếp tục tăng nhanh hơn năng suất lao động.
 
Cũng theo Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, lương tối thiểu không phát huy vai trò hiệu quả nếu được xây dựng như một chính sách bảo trợ xã hội. Vì hệ thống lương tối thiểu hiện nay không bao gồm người lao động không có hợp đồng, cũng như không có nhiều tác dụng đối với các nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương trong xã hội, cần có các chính sách bổ trợ khác, thay vì chỉ kỳ vọng ở chính sách lương tối thiểu.
 
“Mức lương tối thiểu hiện đang được tính theo tháng, nên dần chuyển sang hệ thống tính theo giờ. Điều này đảm bảo rằng những người làm việc theo giờ hoặc theo ngày công có thể hưởng đầy đủ các quyền lợi của họ, đồng thời cho phép các nhà tuyển dụng linh hoạt hơn trong việc sử dụng lao động”, Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách kiến nghị.
 
Cùng với kiến nghị trên, Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cũng cho rằng, mức lương tối thiểu phải được điều chỉnh dựa trên một số nguyên tắc nhất định, và do đó minh bạch hơn và dễ dự đoán được hơn. Cần phải xác định rõ các tiêu chí để thiết lập và điều chỉnh mức lương tối thiểu (bao gồm cả giỏ hàng hoá tính toán các nhu cầu cơ bản); và các điều chỉnh phải được lên kế hoạch phù hợp với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, lạm phát và bối cảnh kinh tế. Cách tiếp cận dựa trên các nguyên tắc rõ ràng sẽ làm tăng khả năng dự báo và minh bạch, giúp tránh điều chỉnh mức lương tối thiểu tùy ý, khiến nhà đầu tư và người sử dụng lo ngại.
 
Bên cạnh đó, ngoài sự tham gia của ba bên trong Hội đồng tiền lương quốc gia (Chính phủ, đại diện của người sử dụng lao động ở trung ương, và đại diện của người lao động ở trung ương), Hội đồng nên có thêm sự tham gia của các chuyên gia, có chuyên môn sâu về kinh tế vĩ mô và kinh tế lao động, có khả năng đánh tác động của mức lương tối thiểu đối với việc làm, thu nhập trước/sau khi điều chỉnh lương tối thiểu.
 
Ngoài ra, ước tính tác động của tăng lương tối thiểu cần được thực hiện thường xuyên hơn với số liệu cập nhật, dù không cần thiết phải thực hiện hàng năm. Điều quan trọng là phải theo dõi tác động của việc tăng lương tối thiểu lên nền kinh tế, để tránh việc tăng lương tối thiểu có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn như sự dịch chuyển lao động từ khu vực chính thức sang khu vực không chính thức.
 
Yến Nhi

Ý kiến bạn đọc