"Đưa giải quyết tố cáo nặc danh vào dự luật thì loạn đất nước"

14:16, 14/03/2017
|

(VnMedia) -  “Trong thời điểm này, nếu đưa quy định giải quyết tố cáo nặc danh vào dự luật thì loạn đất nước. Cho nên tôi thống nhất ý kiến Chính phủ trình chỉ giải quyết những đơn thư chính thống” - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt nói.

Thư nặc danh
“Đưa giải quyết tố cáo nặc danh vào dự luật thì loạn đất nước” - ảnh minh hoạ

Thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sử đổi bổ sung một số điều của Luật Tố cáo trong buổi làm việc sáng nay (14/3) của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), đa số các ý kiến cho rằng, không xem xét các đơn thư nặc danh trừ trường hợp có chứng cứ rõ ràng.

Theo Tờ trình của Chính phủ do  Tổng Thanh tra Phan Văn Sáu trình bày, những năm qua, các cơ quan nhà nước mới chỉ giải quyết được 87,4% tổng số đơn tố cáo có danh. Trong đó, có đến  59,3% là tố cáo sai và 28,3% tố cáo có đúng, có sai.

“Nếu Luật quy định việc giải quyết tố cáo nặc danh sẽ gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong quá trình xem xét, giải quyết. Hơn nữa, trường hợp người tố cáo lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo nặc danh sai sự thật thì không có căn cứ để xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người tố cáo”, Tổng Thanh tra nói.

Góp ý cho Dự thảo  luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt đánh giá: “Cơ chế bảo vệ người tố cáo hiện nay rất yếu, nhiều trường hợp vì miếng cơm manh áo nên người ta phải im lặng”. Tuy vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh cũng cho rằng, nhiều người tố cáo khiếu nại sai, thậm chí dựng chuyện gây khó khăn cho các cơ quan chức năng.

“Sự việc kết luận sờ sờ ra đấy nhưng không chịu mà cứ kéo bè kéo cánh gây khó khăn cho tổ chức. Cần phải xử lý nghiêm những trường hợp này” - ông Việt nói.

Chủ nhiệm Võ Trọng Việt cho rằng, “trong thời điểm này, nếu đưa quy định giải quyết tố cáo nặc danh vào dự luật thì loạn đất nước. Cho nên tôi thống nhất ý kiến Chính phủ trình chỉ giải quyết những đơn thư chính thống.”

Góp ý cho Dự thảo luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề xuất, việc bổ sung thêm nhiều hình thức tố cáo khác (bằng hình thức email, tin nhắn, fax)  phục vụ cho các cơ quan điều tra sẽ thiết thực hơn.

“Nên theo đề xuất của Chính phủ thì tốt hơn, nếu không thì nhiễu, phức tạp tình hình. Tố cáo bắt buộc phải là chính danh, còn nếu mấy dòng tin nhắn theo tôi chỉ phù hợp với cơ quan điều tra” - ông Đỗ Bá Tỵ nêu quan điểm.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, đối với những tố cáo nặc danh mạo danh có thông tin chính xác có lẽ nên nghiên cứu tham khảo điều tra. Ngoài ra, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng lưu ý đến việc bảo vệ người tố cáo là vấn đề cần lưu ý ( bởi những người tố cáo rất sợ bị trả thù) do đó “phải rõ ràng khi anh tố cáo thì anh được bảo vệ ra làm sao. Để khi người tố cáo người ta yên tâm rằng các cơ quan chức năng biết còn đối tượng bị tố cáo không biết, thế mới đi từ đầu đến cuối vụ việc được”.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh “đây là quy định mới trong dự thảo Luật nên đề nghị nghiên cứu làm rõ trách nhiệm, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan thực hiện trách nhiệm này”.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh Tế Vũ Hồng Thanh lại cho rằng, đối với bảo vệ người tố cáo, quy định còn chưa rõ ràng, cần có cơ chế bảo vệ thì mới khuyến khích tố cáo có danh.

Đồng tình với quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục - Thanh thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng, trong điều kiện xã hội hiện nay không  phải ai cũng mạnh dạn ghi tên mình trong đơn tố cáo.

“Ví dụ ở trưởng phổ thông chỉ cần cô hiệu trưởng nêu ý kiến thì giáo viên không dám nói khác, tại các cơ quan thủ trưởng nói - nhân viên im. Trong bối cảnh này, rất khó để tố cáo. Nếu tố cáo nặc danh chúng ta bỏ thì e rằng không ổn…” - Chủ nhiệm Phan Thanh Bình lưu ý.

Theo ông Phan Thanh Bình, trong thế giới phẳng, mạng thông tin xã hội là công cụ để người dân nói thẳng suy nghĩ, ý kiến của mình. “Vấn đề ở đây, chúng ta phải tiếp nhận, sàng lọc thông tin. Có những thông tin ban đầu tưởng là rất tào lao, nhưng sau này xác minh lại thấy có sự thật”, ông Bình nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, về nguyên tắc không giải quyết đơn thư nặc danh, mạo danh, nhưng trường hợp nội dung rõ ràng, có chứng cứ thì cần phải có trách nhiệm xem xét.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga lưu ý, Luật Phòng, chống tham nhũng quy định, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để công dân tố cáo trực tiếp, gửi đơn tố cáo, tố cáo qua điện thoại, tố cáo qua mạng thông tin điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Cho nên, dự thảo quy định phải cân nhắc, để không bó hẹp, làm vô hiệu hóa các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng.

Sau khi lắng nghe các ý kiến của các đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, nếu luật này không mở ra hình thức để người dân có điều kiện sử dụng thì chưa đồng bộ với Luật phòng, chống tham nhũng và xu hướng của Chính phủ.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, “tố cáo qua nhắn tin như khủng bố tinh thần". “Không phải tố cáo mình nhưng đọc những tin đó như khủng bố tinh thần, liên tục có khi nửa đêm, có khi đêm giao thừa cũng nhắn tin, chúng ta không để xã hội diễn ra một cách lộn xộn như thế”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu bổ sung hình thức tố cáo thì phải quy định thật chặt chẽ, tức là phải gửi đúng địa chỉ, cơ quan có thẩm quyền, nghiêm cấm việc gửi tin nhắn cho hàng trăm người... Đối với đơn thư nặc danh, mao danh, trường hợp nội dung rõ ràng thì cần phải có trách nhiệm xem xét.

Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu giải trình thêm và nêu quan điểm, nên giữ 2 hình thức tố cáo và giải quyết những vấn đề khác mở rộng đều xoay quanh 2 trục này.

“Ví dụ, qua mail, fax hay qua thông tin điện tử khác, cơ quan nhận được thì phải tiếp cận thông tin, tìm cho rõ người tố cáo, kể cả nội dung tố cáo để nhận bằng chứng hết sức rõ ràng để xử lý. Như vậy, chúng ta biết được địa chỉ, chức danh, tên họ của người tố cáo, nghĩa là vẫn giải quyết theo đơn có địa chỉ. Nếu không rõ, thì xử lý như đơn mạo danh, nặc danh. Tôi thống nhất cũng là xem xét nếu nội dung nếu tình tiết đó hoặc có bằng chứng hết sức cụ thể, rõ ràng để xử lý” - Tổng Thanh tra Chính phủ nói.

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc