Dẹp vỉa hè: Cấm hàng rong nhưng lại "nhường" ô tô, xe máy!

10:07, 14/03/2017
|

(VnMedia) -  Việc cấm hàng rong vì sợ chiếm vỉa hè trong khi lại cho phép đỗ xe hoặc tệ hơn, là xén bớt vỉa hè để mở rộng đường cho những người lái xe thiếu kiên nhẫn phải đợi khi tắc đường là điều không hợp lý” - Bà Debra - Giám đốc vùng Quỹ HealthBridge (Nhịp cầu sức khoẻ) Canada nêu quan điểm.

Những ngày gần đây, dư luận cả nước đặc biệt quan tâm đến chiến dịch lấy lại vỉa hè ở các thành phố lớn, trong đó có Hà Nội. Hầu hết các ý kiến đều ủng hộ việc lấy lại vỉa hè cho người đi bộ, lập lại trật tự văn minh đô thị.

Quan sát trên vỉa hè Hà Nội trong những ngày gần đây sẽ thấy, hàng quán trên vỉa hè đã được dẹp bỏ khá triệt để. Nhiều hàng quán hàng lâu nay sống nhờ vỉa hè, thậm chí nổi tiếng như quán gà tần phố Hàng Bồ, quán phở vỉa hè hàng Trống… đã phải đóng cửa. Những món ăn vỉa hè của Hà Nội từng được lên cả sách báo quốc tế như bánh cuốn Hàng Bồ, cũng đã phải tạm đóng cửa dù chỉ bán buổi tối.

Về chuyện này, trên mạng xã hội còn xảy ra một “cuộc chiến”, tranh luận xem liệu có cái gọi là “nền kinh tế vỉa hè” hay không?

Tuy nhiên, đáng chú ý, xe máy vẫn được đỗ trên vỉa hè dù đã gọn gàng hơn. Thậm chí, với những phố có vỉa hè hẹp thì những chiếc xe máy tiếp tục được ưu tiên che kín vỉa hè, người đi bộ phải đi xuống lòng đường. Ô tô cũng vẫn tiếp tục được đỗ dưới lòng đường ở nhiều tuyến phố, trong đó có cả những con phố nhỏ

vỉa hè
Cấm hàng rong nhưng lại cho phép để xe máy, ô tô trên vỉa hè là không hợp lý - Tuệ Khanh

Và câu hỏi được đặt ra là: dẹp vỉa hè thế nào cho hợp lý?

Là người đặc biệt ủng hộ việc đi bộ, ủng hộ các chiến dịch chống lại phương tiện giao thông cơ giới cá nhân, bà Debra Efroymson - Giám đốc vùng Quỹ HealthBridge (Nhịp cầu sức khoẻ) Canada, chia sẻ:

“Tôi đi bộ bất cứ khi nào có thể. Nhưng tôi phải nói rằng, Hà Nội đang có khá nhiều thách thức. Đây là một thành phố đáng yêu xinh đẹp và có nhiều điểm tham quan khiến du khách cảm thấy vui thích khi đi bộ. Tôi không bao giờ cảm thấy buồn tẻ khi đến đây. Nhưng tôi rất ngạc nhiên khi thấy những trở ngại mà tôi gặp phải".

“Tôi đã cười khi nhìn thấy biển “Cấm đỗ xe” trước một cửa hàng, bởi làm gì có ai ngu ngốc đỗ xe cản lối trước cửa một cửa hàng? Nhưng ngay sau đó tôi đã phải đi vòng trước một cái xe máy đỗ ngay ở lối ra vào của một tiệm bánh ngọt. Người ta thường đỗ xe máy ngay trên vỉa hè, bất cứ chỗ trống nào, hay chặn hoàn toàn lối đi bộ bằng một chiếc ô tô đỗ trên vỉa hè. Dường như người ta không nhận ra rằng vỉa hè không phải là chỗ được lái xe lên” - bà Debra nói.

Về các nhà hàng, quán cà phê và các cửa hàng khác cũng lấn chiếm vỉa hè, bà Debra cho biết “ít cảm thấy bực bội vì điều đó hơn". Theo bà, “ít ra thì cũng có một cái gì đó sống động khi nhìn những người dân ngồi ăn uống trò chuyện trên vỉa hè".

“Trong chuyến thăm Hà Nội lần này, tôi ít nhìn thấy những người bán hàng rong, có thể họ đã bị cấm vì người ta cho rằng họ chiếm dụng vỉa hè. Nhưng việc cấm hàng rong vì sợ chiếm vỉa hè trong khi lại cho phép đỗ xe hoặc tệ hơn, là xén bớt vỉa hè để mở rộng đường cho những người lái xe thiếu kiên nhẫn phải đợi khi tắc đường là điều vô lý” - Bà Debra nói.

Theo Giám đốc vùng Quỹ HealthBridge Canada, “một thành phố sống động và sống tốt thường có các quán cà phê vỉa hè và người bán hàng rong nhưng không có hình ảnh phương tiện giao thông chiếm dụng vỉa hè". “Hoặc ít nhất, nếu một phần của vỉa hè bị sử dụng để đỗ ô tô hay kinh doanh thì hãy nhớ, dành khoảng trống cho người đi bộ” - bà Debra nói.

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc