Đề xuất giao một cơ quan quản lý phân bón

16:19, 15/11/2016
|
(VnMedia) - Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã báo cáo với Chính phủ xem xét giao trách nhiệm quản lý về thị trường phân bón và mặt hàng phân bón cho một cơ quan duy nhất là quản lý nhà nước.
 
 
Mỗi Bộ quản lý một loại
 
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương sáng nay (15/11), đại biểu Võ Đình Tín (đoàn Đắk Nông) đặt câu hỏi  liên quan đến vấn đề quản lý Nhà nước trong đấu tranh chống hàng lậu, hàng gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém phẩm chất và đặc biệt liên quan đến mặt hàng phân bón.
 
Theo phân tích của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, thị trường phân bón ở Việt Nam đã có sự cắt khúc và chia đôi, một phần về quản lý phân bón vô cơ thì giao cho Bộ Công Thương, còn lại các loại phân bón hữu cơ thì giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý bao gồm từ cả khâu sản xuất cũng như cấp phép sản xuất rồi sau đó là công bố hợp quy và quản lý kinh doanh. 
 
Trên thực tế, với việc hai Bộ cùng tham gia quản lý phân bón và trong bối cảnh các loại phân bón rất đa dạng và có nhiều loại hình lẫn nhau, nó trộn lẫn kể cả giữa loại phân đơn và phân đan rồi cũng như các loại phân và hợp chất phân bón vô cơ rồi hữu cơ. Phân vi lượng và nhiều loại phân khác dẫn đến tình trạng chồng chéo của hai cơ quan quản lý Nhà nước. Vì vậy, hiệu lực và hiệu quả của quản lý Nhà nước trong thời gian vừa qua không được đảm bảo trên địa bàn cả nước đối với các mặt hàng phân bón kể cả sản xuất cũng như nhập khẩu.
 
Thứ hai, tình trạng tồn tại quá nhiều các loại phân bón, riêng đối với Bộ Nông nghiệp có hơn 5.000 hợp quy dành cho phân bón hữu cơ và Bộ Công Thương có hơn 5.700 hợp quy khác dành cho phân bón vô cơ. 
 
Chính vì vậy, dẫn đến tình trạng các loại phân bón rất nhiều và cơ quan quản lý nhà nước không đủ nguồn lực và điều kiện kiểm soát chất lượng cũng như hàm lượng, định lượng của các sản phẩm phân bón này. 
 
Để khắc phục được điều này, bản thân Bộ Công Thương cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có nhiều đợt cùng phối hợp làm việc và mới đây nhất đã báo cáo với Chính phủ, thống nhất đề xuất với Chính phủ xem xét giao trách nhiệm quản lý về thị trường phân bón và mặt hàng phân bón cho một cơ quan duy nhất là quản lý nhà nước.
 
Hai, hai Bộ, ngành và các bộ, ngành khác có liên quan phải phối hợp tổ chức lại thị trường phân bón, đặc biệt theo hướng giới hạn lại các loại mặt hàng phân bón được sản xuất kinh doanh trên thị trường của Việt Nam. Vì trên thực tế, tại các nước khác, kể cả những nước như Thái Lan có nền nông nghiệp phát triển cũng chỉ có hơn 100 loại phân bón được lưu hành.
 
Thứ ba, phải tăng cường hơn nữa hiệu lực quản lý nhà nước, đặc biệt của lực lượng quản lý chức năng để đấu tranh chống phân bón giả, chống phân bón kém phẩm chất và phân bón lậu. Ví dụ, các lực lượng của quản lý thị trường, của biên phòng, của công an kinh tế, v.v...
 
Thứ tư, phải sớm xây dựng và hoàn thiện các khung pháp lý, đặc biệt là hệ thống quy chuẩn quốc gia cũng như hệ thống tiêu chuẩn để chúng ta thống nhất quản lý Nhà nước trong phân bón. Tạo điều kiện để phân bón phát triển một cách bền vững với chất lượng đáp ứng được yêu cầu về môi trường, cũng như yêu cầu để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của chúng ta. Bộ Công Thương đang tiến hành xây dựng và khẩn trương để hoàn chỉnh, có thể đầu năm 2017 sẽ gửi Bộ Khoa học, Công nghệ để thông qua hệ thống 16 bộ quy chuẩn quốc gia trong các loại phân bón để chúng ta thống nhất việc này.
 
Ngoài ra, còn có rất nhiều việc khác rất cần có sự phân cấp và vai trò của chính quyền địa phương trong phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để quản lý tận gốc các hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, nhất là sau khi chúng ta đã tổ chức lại sản xuất phân bón ở tại địa phương. Với những điều kiện đây là mặt hàng của nhóm hai, có nghĩa sản xuất phải theo điều kiện. 
 
Vì vậy, cần phải có sự quản lý tận gốc để không cho những cơ sở nhỏ, lẻ cũng như những cơ sở có dấu hiệu gian lận trong cả sản xuất cũng như kinh doanh có thể tham gia vào thị trường phân bón với những sản phẩm phân bón giả, phân bón kém phẩm chất để gây ra thiệt hại cho nền kinh tế cũng như cho người tiêu dùng.
 
Siết các đơn vị cấp giấy chứng nhận
 
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh sáng nay (15/11), đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) chia sẻ, thiệt hại phân bón giả và phân bón kém chất lượng cho nền nông nghiệp và cho 60 triệu nông dân là rất lớn. Vừa qua, các cơ quan quản lý đã phát hiện được việc cấp khống phân bón hữu cơ, hợp chuẩn phân bón hữu cơ tại Bộ Nông nghiệp và đã xử lý hàng loạt cán bộ. Mặc dù, đối với phân bón vô cơ chưa phát hiện được sai phạm, tuy nhiên các chuyên gia vẫn cho rằng có đến 30% đến 40% tỷ lệ phân bón vô cơ là giả và kém chất lượng. Vậy, trách nhiệm quản lý nhà nước của bộ về phân bón vô cơ ở đây được xác định như thế nào?. 
 
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận, để xảy ra tình trạng trên có vai trò của quản lý nhà nước. Xuất phát từ việc chỉ định cho các tổ chức xác nhận, cả việc công bố về hợp quy. Sau khi báo chí phản ánh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có chủ động tổ chức thanh tra và phát hiện ra những sai phạm này. Chính đây là một nguyên nhân làm cho thị trường phân bón tiếp tục bị phân bón giả và phân bón kém phẩm chất hoành hành.
 
"Sau khi có những thông tin của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức thanh tra, Bộ Công Thương cũng tổ chức kiểm tra 2 đợt trong tháng 5, tháng 6 năm 2016. Phát hiện có 2 trong số mười mấy tổ chức được chứng nhận xác nhận có sự vi phạm trong thực hiện những hoạt động về chứng nhận sản xuất phân bón cũng như công bố về hợp quy. Bộ Công Thương đã rút giấy phép đã cấp cho các tổ chức đó và đồng thời cũng có yêu cầu với các đơn vị chức năng phối hợp để xử lý các hậu quả và hệ quả có thể gây ra từ việc hủy bỏ chức năng và giấy phép đó của hai tổ chức xác nhận." - Bộ trưởng nói.
 
Bên cạnh đó, Bộ cũng đã chủ động giao cho các đơn vị trong Bộ khẩn trương rà soát kiểm tra lại toàn bộ hệ thống căn cứ các quy định của pháp lý để thực hiện các nhiệm vụ về chỉ định các tổ chức xác nhận cũng như các tổ chức về công bố hợp quy. Sắp tới, trong khuôn khổ về những biện pháp để siết chặt lại và tổ chức lại quản lý nhà nước đảm bảo hiệu quả về thị trường phân bón từ sản xuất cho đến kinh doanh. 
 
Mới đây nhất, Bộ Công Thương đã chỉ đạo cho Ban 389 của Bộ Công Thương và các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra các hoạt động sản xuất phân bón và kinh doanh phân bón trên địa bàn trọng điểm Thành phố Hồ Chí Minh, một số quận, huyện cụ thể và đã phát hiện trên địa bàn có rất nhiều tổ chức sản xuất kinh doanh, riêng một quận có tới hơn 43 tổ chức sản xuất kinh doanh phân bón, sản xuất phân bón ở quy mô nhỏ lẻ và có việc không chấp hành đầy đủ pháp luật. 
 
Bộ đang chỉ đạo quản lý thị trường cùng các lực lượng chức năng tiến hành xử lý vi phạm hành chính và căn cứ theo sự vi phạm để có thể phối hợp với chính quyền địa phương xử lý theo pháp luật. Đồng thời, xem xét trách nhiệm và yêu cầu chính quyền địa phương thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật trong quản lý các hoạt động sản xuất phân bón ở tại địa phương cũng như kinh doanh phân bón.
 
Khánh An (ghi)

Ý kiến bạn đọc