Bộ trưởng Trần Hồng Hà: "Công bố hôm nay chưa trọn vẹn!"

16:23, 22/08/2016
|

(VnMedia) - "Môi trường đã an toàn chưa? Hải sản an toàn chưa? Nuôi trồng hải sản đã an toàn chưa?... là những câu hỏi rất thiết thực và việc trả lời là công việc quan trọng, cần thiết, cấp bách. Nhưng tại thời điểm này, những công bố này chưa đạt được trọn vẹn..." - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Trần Hồng Hà
Bộ trưởng Trần Hồng Hà

Như VnMedia đã đưa tin, sáng nay, kết quả nghiên cứu hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh miền Trung cho thấy, môi trường nước biển phần lớn đã an toàn cho các hoạt động tắm biển, du lịch, thể thao dưới biển. Tuy nhiên, điều mà người dân vùng biển đặc biệt quan tâm, đó là bao giờ cá có thể ăn được? Bao giờ có thể đánh bắt cá được và bao giờ biển trở lại như trước đây?... thì hiện vẫn chưa có câu trả lời chính xác.

Phát biểu tại Hội nghị, TS Friedhelm Schoeder, Viện Nghiên cứu tài nguyên và môi trường biển của Đức, chuyên gia tham gia vào đánh giá sự cố cá chết ở Việt Nam khẳng định, biển miền trung tương đối an toàn. Tuy nhiên cần phải giám sát thêm mới trả lời được câu hỏi đã ăn cá biển được chưa.

“Việc bơi lội, tắm biển là thoải mái. Cá nhân tôi trong chiều nay, nếu có cơ hội sẽ cơ hội sẽ đi tắm biển. Tuy nhiên, về vấn đề ăn hải sản, Bộ Y tế phải quan sát thêm, phải lấy mẫu từ biển cũng như thị trường ngoài chợ để phân tích, đánh giá” - TS Schoeder khuyến cáo.

Ông Schoeder cũng góp ý, hiện nay một số các loại cá nhỏ đã quay trở lại, tuy nhiên, nên giữ các loài cá nhỏ để thu hút các loài cá lớn nhằm đảm bảo phát triển bền vững. Cũng theo TS Schoeder, bên cạnh việc phân tích mẫu tại Việt Nam, cơ quan chức năng cũng nên lấy mẫu gửi ra các nước khác như Úc, Nhật để đối chứng.

Về nuôi trồng thủy sản, TS Schoeder cho rằng, phải tiếp tục theo dõi đánh giá, phân tích chất lượng nước, hy vọng 1-2 tháng có thể nuôi trồng bình thường khi chất lượng nước đã được kiểm soát.

Trong khi đó, đại diện cho nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh cho biết, nhân dân 4 tỉnh miền trung mong chờ Hội nghị này một câu trả lời, đó là “môi trường như nào, thực phẩm cá hải sản ra sao?”.

Vui mừng trước kết quả rằng biển đã cơ bản tự làm sạch, đặc biệt là độc tố Xyanua hiện không còn, độc tố phenol vẫn còn nhưng trong giới hạn cho phép, ông Khánh hy vọng: “Bộ TN&MT đã chủ động cử các đoàn công tác giám sát chẽ Formosa, Formosa cũng đã cam kết với Chính phủ đảm bảo môi trường. Với kết quả này, cùng với việc kiểm soát đánh giá môi trường và khả năng tự làm sạch, hy vọng thời gian rất ngắn môi trường biển quay trở lại như trước đây" - ông Khánh nói.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị cũng cho biết: “Chúng tôi sẽ mời hội đồng chuyên gia, tổ chức hội nghị lớn báo cáo với nhân dân Hà Tĩnh, mời chuyên gia đến báo cáo về việc này.”

Băn khoăn về kết luận của các nhà khoa học về hiện trạng môi trường biển, Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Chúng tôi muốn được nghe hai ý kiến quan trọng của bộ Y tế, bộ NN&PTNN nhưng mà chưa thấy ý kiến. Thủ tướng đã giao Bộ Y tế kết hợp kết luận hải sản như thế nào, tôi chưa được nghe. Chúng tôi cũng chưa thấy bộ Nông nghiệp nói đến việc ổn định sản xuất, nuôi trồng… để nhân dân biết. Giờ có kết quả này rồi, địa phương rất muốn các bộ phải làm khẩn trương cho nhân dân có niềm tin" - ông Khánh nói, đồng thời lưu ý thêm việc tính toán bồi thường cho nhân dân đảm bảo công khai minh bạch.

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Bình Lê Minh Ngân cũng bày tỏ mong muốn bộ Y tế, bộ NN&PTNT trả lời sớm cho nhân dân biết “lúc nào trong khu vực sớm nay công bố là 330km phía đông Nhật Lệ đánh bắt hải sản được, đánh bắt xong có tiêu thụ được không...”

«Câu hỏi đó đã nhiều lần, nhiều nơi, nhiều người đặt ra, đó là mong muốn của nhân dân" - ông Lê Minh Ngân nói và đề nghị, về lâu dài, các bộ cần quan tâm đến những khu vực mà các chỉ tiêu độc tố trong môi trường biển còn cao để nhân dân sớm ổn định sản xuất.

Bày tỏ sự tin tưởng ở các nhà khoa học trong nghiên cứu hiện trạng môi trường biển, Phó chủ tịch UBND Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương đề nghị nên có nghiên cứu tiếp theo để đưa ra các dự báo cho tương lai gần và tương lai xa.

“Hiện nay rất đáng mừng vì đây là kết quả tốt hơn so với trước, nhưng một số điểm vẫn còn tồn dư độc tố. Phải có dự báo, thông báo về cơ chế tự phục hồi, bởi nhiều người không hiểu cơ chế tự phục hồi là bay hơi, hòa tan, phát tán thì dư lượng của nó đi đâu về đâu… chúng tôi kiến nghị cần có thông tin thêm để bổ sung" - ông Phương nói.

Cần giám sát chặt chẽ Formosa

Một điểm đáng lưu ý, đó là tại Hội nghị, nhiều ý kiến đề nghi phải giám sát chặt chẽ các hoạt động của xả thải của Formosa, nếu không những công sức hiện nay sẽ trở nên vô nghĩa.

Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Bình Lê Minh Ngân đề nghị Hà Tĩnh cần có giải pháp kiên quyết quản lý Formosa trong suốt quá tình hoạt động, tránh xảy ra sự cố xả thải như vừa qua, ảnh hưởng đến môi trường biển và đời sống của nhân dân các địa phương.

Còn theo TS Friedhelm Schoeder, cần phải kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải ra biển, không chỉ với Formosa mà còn tất cả các công trình xả thải ở 4 tỉnh này. Chương trình quan trắc phải tăng tính kết nối, minh bạch, đảm bảo việc kiểm soát, cảnh báo sớm.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng cho biết, ngày 23/8 sẽ có buổi làm việc với Formosa để yêu cầu rõ công ty này phải lập hệ thống quan trắc khu vực bắc trung bộ, đảm bảo tuyệt đối nguồn từ Formosa phải đạt tiêu chuẩn cho phép, không thể để xảy ra sơ suất. Ông Khánh cũng khẳng định, Hà Tĩnh sẽ thường xuyên liên tục kiểm soát vấn đề này.

“Tuy nhiên, vấn đề liên quan đến dây chuyển công nghệ… phải nhờ các Bộ, Ban, ngành vì địa phương năng lực chưa đảm bảo về con người, công nghệ. Cơ quan trung ương vào, chúng tôi sẽ phối hợp hết sức” - Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh.

Công bố chưa đạt được trọn vẹn

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, 3 câu hỏi rất cụ thể, đó là vấn đề môi trường đã an toàn chưa, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm-hải sản an toàn chưa, vấn đề nuôi trồng hải sản đã an toàn chưa? là những câu hỏi rất thiết thực và việc trả lời các câu hỏi đó là công việc quan trọng, cần thiết, cấp bách.

“Nhưng tại thời điểm này, những công bố này chưa đạt được trọn vẹn” - Bộ trưởng thừa nhận.

Tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định, thông qua báo cáo cho thấy tín hiệu đáng mừng, đó là khu vực này hoàn toàn có thể làm sạch những chất ô  nhiễm là nguyên nhân gây ra cá chết như phenol, xyanua…và phần lớn các khu vực biển đã an toàn.

"Sau này các nhà khoa học sẽ xác định địa danh, diện tích để người dân có thể biết đó là khu vực biển an toàn. Về diễn biến tồn lưu-vật chất lắng đọng cho thấy quy luật tự nhiên, điều kiện tự nhiên đã làm phân tán, không còn đáng nguy hại như trước nữa” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Ông Hà cũng cho biết thêm, hiện nay đã xác định một số khu vực, dù khi so sánh theo quy chuẩn về trầm tích, chất lượng nước vẫn đảm bảo tuân thủ quy chuẩn môi trường của Việt Nam nhưng các nhà khoa học đã thận trọng trước những vấn đề sẽ tác động đến sức khỏe của người dân nên đã khuyến cáo về những “cái bẫy”, những “vùng nước xoáy” về những khả năng vùng đó còn tích tụ, chưa kiểm soát được nồng độ chất ô nhiễm.

“Đến thời điểm này, chúng ta có niềm tin rất nhanh chóng về tự nhiên có thể đào thải hết, nhưng trước mắt vì sức khỏe của người dân, chúng ta sẽ khoanh rất rõ những khu vực đó, bao gồm tọa độ để khuyến cáo cho người dân trong việc đánh bắt, trong các hoạt động du lịch, tắm biển, thể thao. Khách du lịch hoàn toàn có thể đến những khu vực đó, điều này đã được chứng minh bằng dữ liệu, cơ sở khoa học xác đáng.” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Về việc phải tiếp tục giám sát, Bộ trưởng giải thích: “Tôi cho rằng việc nuôi trồng thủy sản trên các vùng biển mà chúng ta đã xác định hoàn toàn an toàn tuyệt đối là an toàn. Tuy nhiên, để thận trọng, thì ngay sau công bố này, Bộ NN&PTNT theo nhiệm vụ sẽ sớm xem xét công bố để người dân được biết việc đã được lấy nước để nuôi trồng thủy sản hay chưa.”

Về an toàn hải sản, Bộ trưởng cho biết, hải sản có độ trễ và tích lũy về bài tiết chất tồn lưu, vì vậy, cần tiếp tục chờ đợi Bộ Y tế có giám sát chặt chẽ hơn với các khu vực đánh bắt hải sản, có nghiên cứu kết luận toàn diện, chính xác. Khi có đầy đủ số liệu, Bộ Y tế sẽ công bố thông tin an toàn với hải sản.

“Chờ kết quả của Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế và khi đó mới thực sự tuyên bố sự cố môi trường đã kết thúc. Lúc đó biển miền Trung mới an toàn trên các phương diện hải sản, chất lượng môi trường nước biển-trầm tích, cũng như kinh tế, dân sinh" - Bộ trưởng giải thích rõ hơn.

Trước những đề nghị về việc giám sát chặt chẽ Formosa, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói: “Chúng ta hoàn toàn có thể làm chủ, kiểm soát và giám sát được nguồn thải. Điều kiện tiên quyết để cho môi trường biển miền Trung một ngày gần đây an toàn,  về tương lai an toàn và luôn luôn an toàn thì yêu cầu đặt ra với các nhà quản lý trong giám sát đối với Formosa là phải kiểm soát và có những phương pháp để không xảy ra sự cố môi trường tương tự.”

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc