Dùng thiết bị của Mỹ để tìm nguồn phóng xạ bị mất ở Bắc Kạn

15:48, 05/01/2016
|

Bộ Khoa học và Công nghệ đã mang thiết bị mới nhất do Hoa Kỳ mới viện trợ để tham gia tìm kiếm nguồn phóng xạ bị mất tại Bắc Kạn.

Thông tin trên được ông Vương Hữu Tấn  Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân cho biết sáng nay (5/1).

Cũng theo ông Tấn, ngay sau khi Sở Khoa học và Công Nghệ Bắc Kạn báo cáo vụ việc, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ đã yêu cầu Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân cử người trực tiếp lên Bắc Kạn phối hợp với các đơn vị chức năng truy tìm nguồn phóng xạ bị mất. 

Tuy nhiên, theo ông Vương Hữu Tấn, việc truy tìm nguồn phóng xạ mất là khó khăn vì bị mất từ cách đây vài tháng, thời điểm mất chưa xác định được, dù thiết bị dò tìm được điều lên Bắc Kạn là loại máy mới nhất của cục được Mỹ tài trợ vào tháng 5/2015, sau sự cố thất lạc nguồn phóng xạ ở Vũng Tàu.

Cục trưởng Tấn cho biết thêm, đây là thiết bị có độ nhạy cao, có thể phát hiện được nguồn phóng xạ trong một phạm vi rộng nếu không bị che chắn bởi vật liệu nặng như bê-tông. Ngoài ra, thiết bị này không những có thể phát hiện nguồn phóng xạ rất nhỏ mà còn có thể phân biệt được hạt nhân đó thuộc loại hạt nhân nào. Trong năm 2015, đoàn chuyên gia của Cục cũng đã hỗ trợ phía Lào tìm được một nguồn phóng xạ thất lạc trong một nhà dân khi đang để thiết bị này trên xe ô tô đang chạy.

Nguồn phóng xạ Cs-137 ở Nhà máy xi măng Bắc Kạn bị mất từ khi nào không rõ - Ảnh: Thanh Niên
Nguồn phóng xạ Cs-137 ở Nhà máy xi măng Bắc Kạn bị mất từ khi nào không rõ - Ảnh: Thanh Niên

Trước câu hỏi về việc Bộ Khoa học và Công nghệ từng khẳng định sẽ tiến hành gắn chip đối với các nguồn phóng xạ, ông Tấn cho biết, việc gắn chíp chỉ tiến hành đối với các nguồn phóng xạ lớn, mở ra là gây sát thương cho con người ngay. Đối với các nguồn nhỏ đang hoạt động ở các nhà máy thì chúng ta chỉ tăng cường công tác quản lý. Nếu nguồn phóng xạ nào cũng gắn chíp thì con số lên đến cả nghìn, điều này là không cần thiết bởi trên thế giới chẳng có nước nào làm như vậy.

Trước đó, ngày 15/12/2015, nguồn phóng xạ Cs - 137 trong Nhà máy Xi măng Bắc Kạn đóng trên địa bàn phường Xuất Hóa, TP Bắc Kạn bị mất trong quá trình lưu giữ tại kho. Nguồn phóng xạ này được sử dụng để kiểm tra mức xả clinker trong công nghệ xi măng lò đứng.

Nguồn phóng xạ Cs-137 bị mất là nguồn phóng xạ kín, được đặt ở tâm của một bình chì hình trụ (kích thước đường kính khoảng 10 x 20 cm, màu ghi xám, nặng khoảng 03-04 kg). Bình chì có tác dụng che chắn bức xạ thoát ra ngoài môi trường.

Theo ông Tấn, hiện công an đang truy tìm nguồn phóng xạ, song sau này đoàn công tác của Cục sẽ lên tận nơi để tìm hiểu, căn cứ trên kết quả điều tra của cơ quan công an để xác định đơn vị phải chịu trách nhiệm và sẽ có quyết định xử lý theo quy định của pháp luật. Cục trưởng cũng cho biết đơn vị quản lý nguồn phóng xạ vào thời điểm bị mất sẽ phải chịu trách nhiệm, căn cứ theo các điều khoản quy định pháp luật để xử phạt.


Ý kiến bạn đọc