2015 – một năm thành công của Bộ trưởng Đinh La Thăng

07:53, 02/01/2016
|

(VnMedia) - Báo cáo Tổng kết công tác năm 2015 của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy, năm qua, ngành Giao thông đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, với khối lượng công việc đồ sộ. Đặc biệt, đã tiết giảm được khoảng 57.242 tỷ đồng...

Tai nạn giao thông đã giảm trên 20%

Báo cáo cho biết, giai đoạn năm 2011 - 2015, tai nạn giao thông (TNGT) liên tục giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương; cụ thể, đã xảy ra 149.380 vụ, làm 46.391 người chết, bị thương 152.817 người; so với giai đoạn năm 2006 - 2010, số người chết do TNGT đã giảm 12.023 người, giảm 20,58%...

Năm 2015, cả nước xảy ra 22.404 vụ, làm chết 8.671 người, làm bị thương 20.556 người. So với năm 2014, giảm 2.918 vụ (-11,52%), giảm 325 người chết (-3,61%), giảm 3.861 người bị thương (-15,81%).

Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp số người chết vì TNGT giảm xuống dưới 9.000 người; là năm thứ 18 liên tiếp không để xảy ra tai nạn hàng không.

Bộ Giao thông khẳng định, giai đoạn 2011 - 2015, tình hình bảo đảm TTATGT đã có chuyển biến rõ rệt. Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia cùng các bộ, ngành và địa phương đã có những chỉ đạo kịp thời, sát sao, huy động được cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc; đặc biệt, trên cơ sở tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện công tác bảo đảm TTATGT hàng năm, từ những tồn tại hạn chế, Chính phủ, đã đề ra các kế hoạch hành động cụ thể, xác định nhiệm vụ trọng tâm, xử lý kịp thời những bất cập từ những nguyên nhân gốc của TNGT.

Giai đoạn năm 2011 - 2015, TNGT liên tục giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương; cụ thể, đã xảy ra 149.380 vụ, làm 46.391 người chết, bị thương 152.817 người; so với giai đoạn năm 2006 - 2010, số người chết do TNGT đã giảm 12.023 người, giảm 20,58%.

Giải ngân vượt kế hoạch, hoàn thành nhiều công trình lớn

Báo cáo cũng cho biết, kết quả thực hiện giải ngân của ngành năm qua đã đạt 89.907 tỷ đồng (chiếm khoảng 26,33% giá trị giải ngân của cả giai đoạn 2011-2015), vượt 11,77% kế hoạch năm 2015.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Lễ khánh thành đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Năm 2015, công tác đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tiếp tục được đẩy mạnh. Ngay sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII, Bộ GTVT đã khẩn trương thành lập, ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; đồng thời, Bộ đã trình và được Thủ tướng Chính phủ giao cho Tổng công ty Cảng HKVN làm chủ đầu tư lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Giai đoạn 1 của Dự án. Đã hoàn tất công tác chuẩn bị để khởi công, triển khai thi công mới 51 công trình, dự án. Trong đó, Bộ đã huy động các nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư 15 dự án theo hình thức BOT với tổng số vốn huy động trên 45 nghìn tỷ đồng, vượt 21% so với kế hoạch năm 2015.

Phương án sử dụng vốn dư trái phiếu Chính phủ của các dự án mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên đã được Quốc hội thông qua và hiện nay, Bộ GTVT đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục cần thiết theo quy định để sớm triển khai các dự án trong danh mục đã được Quốc hội thông qua, bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn vốn này.

Năm qua, ngành giao thông đã hoàn thành, đưa vào khai thác 112 công trình, dự án, kịp thời phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Bên cạnh việc tích cực huy động các nguồn lực từ xã hội thông qua chương trình “Nhịp cầu yêu thương” để triển khai Đề án Xây dựng cầu dân sinh đảm bảo ATGT cho vùng dân tộc thiểu số, Bộ cũng đã tích cực làm việc với Ngân hàng Thế giới lập Dự án đầu tư tổng thể xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương để đầu tư xây dựng 2.192 cầu dân sinh; khôi phục, cải tạo 674km đường và sửa chữa định kỳ 334km đường địa phương với tổng mức đầu tư là 9.023 tỷ đồng (tương đương 409 triệu USD).

Công tác xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, quyết toán các dự án hoàn thành tiếp tục được đẩy mạnh, đã lập và trình báo cáo quyết toán 541 dự án , vượt 56% kế hoạch; phê duyệt quyết toán 593 dự án , vượt 62% kế hoạch năm 2015 với tổng giá trị phê duyệt quyết toán đạt trên 69 nghìn tỷ đồng.

Giai đoạn 2011 - 2015, Bộ đã kêu gọi đầu tư ngoài NSNN cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được 186.660 tỷ đồng (chiếm 92,15% tổng số vốn huy động được từ trước đến nay); lĩnh vực hàng hải thu hút 121.453 tỷ đồng (chiếm 77,06% tổng số vốn huy động được từ trước đến nay); hoàn thành vượt mức các mục tiêu về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông như đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo khoảng 4.400 km đường bộ và hơn 94.000 m cầu đường bộ; đặc biệt là đã hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng và đưa vào khai thác toàn tuyến đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên sớm hơn 1,5 năm so với kế hoạch; cơ bản hoàn thành nâng cấp, mở rộng QL1A từ Thanh Hóa đến Cần Thơ, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch. Đã đầu tư và đưa vào khai thác khoảng 704 km đường cao tốc, vượt 104 km so với mục tiêu đề ra.

Đồng thời, hàng loạt công trình lớn, hiện đại đã được đưa vào khai thác như các đường cao tốc: Hà Nội - Thái Nguyên, Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, Nội Bài - Nhật Tân; các cầu có quy mô lớn như Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Cổ Chiên, Mỹ Lợi, Hạc Trì...; hoàn thành đầu tư cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải và nhiều cảng khác, đưa tổng công suất các cảng hiện nay lên khoảng 450 triệu tấn/năm; hoàn thành, đưa vào khai thác các dự án, công trình tại các cảng hàng không quan trọng như nhà ga T2 - Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cần Thơ, Phú Quốc, Pleiku, Vinh, Thọ Xuân… đưa tổng năng lực của các cảng hàng không từ 42 triệu hành khách năm 2010 lên khoảng 70 triệu hành khách năm 2015… Trong đó, 3 công trình Nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, cầu Hữu nghị Việt - Nhật (cầu Nhật Tân) và đường Võ Nguyên Giáp được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) trao tặng Giải thưởng Cống hiến.

Về giao thông nông thôn, trong 5 năm qua, ngành GTVT đã tiến hành xây dựng mới, nâng cấp được 47.436 km đường giao thông nông thôn (GTNT); mở mới 61.400 km đường thôn xóm… Đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ đề án “Xây dựng cầu dân sinh đảm bảo ATGT vùng dân tộc thiểu số” với nội dung thực hiện đầu tư xây dựng 4.145 cầu, trong đó có 3.664 cầu cứng (dầm BTCT, thép) và 481 cầu treo với tổng mức đầu tư là 8.338,98 tỷ đồng trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số thuộc 50 tỉnh/thành. Đã kịp thời triển khai xây dựng 235 cầu treo và cầu cứng, đến nay đã hoàn thành đưa và khai thác 195 cầu.

Song song với việc huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển mạnh hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ, công tác quản lý, sử dụng các nguồn vốn đầu tư cũng được thực hiện rất hiệu quả, đã rà soát 68 dự án và tiết giảm được khoảng 57.242 tỷ đồng so với tổng mức vốn đầu tư dự kiến ban đầu.

Nhờ những nỗ lực nêu trên, theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), mức hữu dụng và chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam năm 2015 đứng ở vị trí 67, tăng 9 bậc so với năm 2014, tăng 36 bậc so với năm 2010.

Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải cũng thừa nhận, bên cạnh đa số công trình của ngành GTVT có chất lượng tốt, cục bộ ở một số dự án sau một thời gian đưa công trình vào khai thác sử dụng đã xuất hiện hiện tượng hằn lún vệt bánh xe trên mặt đường bê tông nhựa như một số dự án mở rộng Quốc lộ 1, cao tốc Nội Bài - Lào Cai… Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan liên quan có giải pháp kịp thời khắc phục, xử lý.

Ngoài ra, TNGT giảm trên cả 3 tiêu chí nhưng TNGT đường sắt, đường thủy nội địa tăng so với cùng kỳ năm 2014. Hiện tượng ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có dấu hiệu gia tăng trở lại.


Ý kiến bạn đọc