Bảo vệ trẻ trên môi trường mạng: Việc cấp bách!

16:31, 13/11/2015
|

(VnMedia) - Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin mở ra nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít rủi ro cho người sử dụng, đặc biệt là trẻ em. Vì vậy, việc bảo vệ trẻ trên môi trường mạng là việc làm cấp bách.

Những nguy cơ xấu trẻ em đang phải đối mặt

Tại Hội thảo tham vấn xây dựng Đề án bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng ngày 13/11, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết, khi trẻ em tham gia môi trường mạng, ngoài những mặt tích cực cũng đang bị ảnh hưởng bởi những tác động xấu. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin cùng với những diễn biến phức tạp của tội phạm công nghệ khiến trẻ em ngày càng đứng trước nhiều nguy cơ bị xâm hại, bạo lực...

Cụ thể, theo số liệu từ Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, 14% người dùng công nghệ số ở thành thị và 20% ở nông thôn cho biết đã từng ảnh hưởng, tác động xấu bởi các nội dung bạo lực trên mạng, bị bạo lực trên các trang chơi game, qua tin nhắn hoặc gọi điện, qua tán gẫu.

Trẻ em còn bị tác động xấu bởi nghiện game online và mạng xã hội. Một khảo sát của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trên 370.000 học sinh, sinh viên thuộc 1000 trường phát hiện ra rằng đa phần học sinh, sinh viên tại Hà Nội đến các quán Internet để chơi trò chơi 1-3 lần/tuần trong 1-3 giờ mỗi lần.

Trẻ em hiện còn bị bóc lột thông qua văn hóa phẩm khiêu dâm và mua bán trẻ em trên mạng. Bất chấp các quy định pháp luật về nội dung khiêu dâm, việc truy cập vào trò chơi và các trang web khiêu dâm vẫn phổ biến ở các quán cà phê Internet tại Việt Nam. Trong một nghiên cứu thăm dò của UNICEF năm 2012 (trẻ em 10 - 18 tuổi) cho thấy, có 49% trẻ em và vị thành niên được hỏi cho biết đã tiếp xúc với nội dung khiêu dâm trực tuyến, chủ yếu là do tình cờ. Ngoài ra, trẻ em hiện còn bị xúc phạm danh dự, lừa đảo trực tuyến thông qua nguy cơ chia sẻ thông tin cá nhân và quyền riêng tư.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa

Ông Phạm Công Hải - Phó trưởng phòng P2, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) cho biết, các loại hình tội phạm trước đây đang dịch chuyển dần sang phương thức thủ đoạn mới có sử dụng công nghệ cao, trong đó có tội phạm xâm hại trẻ em qua mạng như phát tán phim, ảnh khiêu dâm trẻ em qua mạng; đe dọa, tống tiền, lợi dụng mạng internet để làm quen và xâm hại trẻ em…

Từ khi thành lập năm 2010 đến nay, mỗi năm Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nhận được hàng chục đề nghị từ cảnh sát quốc tế về việc phối hợp điều tra, xác minh vụ việc liên quan đến tội phạm lạm dụng tình dục trẻ em trên mạng Internet.

Ông Phạm Công Hải cũng cho biết, việc truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy trên các website, diễn đàn trong những năm gần đây ngày càng tăng nhanh chóng. Bọn tội phạm hiện thường thành lập, tham gia các diễn đàn chia sẻ phim, ảnh đồi trụy trẻ em qua mạng Internet, tổ chức các buổi offline thành viên tại nhà riêng, quán game… để làm quen, lôi kéo, dụ dỗ hoặc ép buộc trẻ em tham gia vào hoạt động vi phạm pháp luật như mại dâm, sử dụng, mua bán chất ma túy, trộm cắp hoặc ép buộc trẻ để thực hiện hành vi xâm hại. Việc lợi dụng mạng Internet, mạng xã hội để đe dọa, gây áp lực lên trẻ em đang dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng về tâm lý, sức khỏe, học tập của trẻ em, thậm chí dẫn đến tự tử.

Đề án bảo vệ trẻ trên môi trường mạng sẽ thực hiện từ năm 2016

Trẻ em đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ xấu trên môi trường mạng, nhưng theo Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, các quy định pháp lý liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng còn thiếu, Nhà nước chưa có quy định cụ thể đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ mạng nhằm phân loại các nội dung trên internet; năng lực của các cơ quan liên quan còn hạn chế.

Bên cạnh đó, đa phần phụ huynh không có thời gian và đủ kiến thức về công nghệ thông tin để giáo dục trẻ em; các chương trình giáo dục của nhà trường mới dừng lại ở việc phổ cập tin học chứ chưa trang bị kiến thức tự bảo vệ cho trẻ. Hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Vì vậy, Đề án bảo vệ trẻ trên môi trường mạng dự kiến sẽ thực hiện từ năm 2016 năm 2020.

Đề án trên được thực hiện với mong muốn trẻ em được bảo vệ khỏi các hình thức xâm hại trên môi trường mạng, được hưởng lợi ích từ việc sử dụng tiện ích của internet mà không có nguy cơ; để phát hiện và có những hỗ trợ phù hợp cho trẻ em là nạn nhân của các hình thức xâm hại trên môi trường mạng.

Nhiều Bộ, ngành như: Bộ LĐTBXH, Bộ thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính sẽ cùng tham gia thực hiện đề án trên. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và nhiều tổ chức như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam... và các tổ chức xã hội sẽ tổ chức triển khai thực hiện.


Ý kiến bạn đọc