Mặt trái không ngờ tới của smartphone

11:35, 08/04/2015
|

(VnMedia) - Không ít người cho rằng công nghệ, thiết bị và mạng internet sinh ra để phục vụ con người và chẳng có lý do gì họ phải ghi nhớ đủ loại thông tin khi mà đã có smartphone hỗ trợ. Tuy nhiên, không chỉ lười ghi nhớ, nhiều người còn lười cả suy nghĩ.

 

Chẳng hạn, khi gặp một câu hỏi, người dùng không nghĩ đủ lâu mà họ nhanh chóng tìm đến các công cụ tìm kiếm. Càng ngày, họ càng phụ thuộc nhiều hơn vào chiếc smartphone bên cạnh vì luôn muốn có câu trả lời ngay lập tức thay vì dành thời gian phân tích vấn đề.


  Ảnh minh họa

Bởi vậy, thông qua các kết quả nghiên cứu về việc sử dụng thiết bị điện tử và trình tìm kiếm trên thiết bị điện tử của Khoa tâm lý thuộc đại học Waterloo, Canada đã chỉ ra rằng nhóm người thường xuyên sử dụng smartphone, máy tính có điểm số năng lực nhận thức và tư duy phân tích thấp hơn.


Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí “Máy tính trong hành vi con người” do Khoa tâm lý thuộc đại học Waterloo, Canada thực hiện đã chỉ ra rằng sự phụ thuộc vào các trình tìm kiếm trên điện thoại có thể khiến chúng ta lười suy nghĩ hơn. Nghiên cứu chỉ ra rằng, những người sử dụng smartphone mà là những người suy nghĩ trực quan - những người thường dựa vào cảm giác khi ra quyết định - thường sử dụng các công cụ tìm kiếm hơn là sức mạnh bộ não của họ.

 

Các nhà nghiên cứu đã đưa ra một loạt các câu hỏi với format giống nhau cho 190 người được tuyển chọn từ chương trình Amazon Mechinical Turk. Theo nhóm nghiên cứu, mỗi câu hỏi có 2 câu trả lời, 1 câu trả lời hiển nhiên ai cũng có thể trả lời được một cách dễ dàng bằng suy nghĩ trực giác nhưng không đúng; và 1 câu trả lời đúng sẽ cần tư duy phân tích nhiều hơn.

 

Nhóm nghiên cứu đã thông qua câu hỏi để kiểm tra năng lực cũng như tỉ lệ sử dụng smartphone của những người được khảo sát. Ngoài ra, cuộc khảo sát còn thu thập thông tin về thời gian sử dụng các trình tìm kiếm trên smartphone của nhóm người tham gia nghiên cứu.

 

Kết quả cho thấy không có sự khác biệt về năng lực giữa những người sử dụng smartphone và những người không dùng smartphone. Tuy nhiên, đã có những khác biệt giữa những người dành ít, trung bình và rất nhiều thời gian dùng smartphone, mỗi nhóm này có khoảng 40 người. Trong nhóm những người sở hữu smartphone và sử dụng nhiều, đặc biệt là những người cho biết họ thường xuyên dùng trình tìm kiếm trên điện thoại thì năng lực của họ thấp hơn trong các bài kiểm tra tư duy phân tích.

 

Trước khi thực hiện nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã thực hiện một cuộc khảo sát với 208 người qua chương trình Amazon Mechanical Turk nhằm thu thập các kết quả bổ sung về việc sử dụng máy tính và trình tìm kiếm trên máy tính. Ngoài ra, họ còn thu thập dữ liệu sử dụng các ứng dụng/dịch vụ giải trí, mạng xã hội cũng như dữ liệu tổng quan về năng lực nhận thức. Và kết luận cuối cùng cho thấy nhóm người không sử dụng smartphone mà ngược lại sử dụng các trình tìm kiếm trên máy tính nhiều cũng có điểm số năng lực nhận thức và tư duy phân tích thấp hơn.

 

Tuy nhiên, khi đưa ra nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu cũng nhận thức rõ những hạn chế trong quá trình nghiên cứu và đưa ra khả năng về một yếu tố thứ 3 tác động đến cả khía cạnh suy nghĩ phân tích và sử dụng smartphone. Nhiều khả năng, trình tìm kiếm chính là yếu tố thứ 3 gián tiếp ảnh hưởng đến khả năng tư duy phân tích khi cung cấp một nguồn thông tin ngoài rất lớn. Do đó, người dùng có thể chuyển tải suy nghĩ sang các trình tìm kiếm và khai thác nguồn thông tin này.

 

Theo ông Gordon Pennycook, đồng tác giả nghiên cứu và là nghiên cứu sinh ở Khoa tâm lý tại Đại học Waterloo chia sẻ: "Việc quá phụ thuộc vào Internet khiến bạn không dám chắc bạn trả lời đúng không trừ khi bạn suy nghĩ một cách logic và thấu đáo". Ông Pennycook cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi chỉ cung cấp mối quan hệ giữa dùng quá nhiều điện thoại thông minh và trí thông minh thấp hơn. Tuy nhiên, có hay không có việc smartphone đã thực sự làm giảm đi trí thông minh vẫn là câu hỏi mở”.

 

Trong khi đó, Tiến sĩ Nathaniel Barr, tác giả chính của báo cáo và đang nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Waterloo cho rằng: “Việc chúng ta phụ thuộc vào smartphone hay một thiết bị nào đó dường như chỉ tiếp tục tăng lên. Điều quan trọng là cần biết điện thoại thông minh sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tâm lý con người trước khi các công nghệ này ảnh hưởng quá mức làm cho chúng ta không biết cuộc sống sẽ như thế nào nếu thiếu nó”.

 

Theo các tác giả của nhóm nghiên cứu, nghiên cứu này mới chỉ là bước đầu và cần có thêm các khảo sát mới để trả lời chính xác việc smartphone ảnh hưởng như thế nào đến tư duy hay có khiến mọi người trở nên lười nghĩ hơn hay không. Đồng tình với quan điểm trên, Eric Kandel, nhà thần kinh học tại Đại học Columbia (Mỹ) cho rằng hiện còn quá sớm để kết luận smartphone ảnh hưởng lâu dài đến kỹ năng tư duy.


Thanh Châu - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc