Việt Nam đã có chiến lược đúng khi triển khai 3G

06:52, 01/04/2015
|

(VnMedia) - Chủ tịch Qualcomm khu vực Trung Đông, châu Phi và Đông Nam Á Thái Bình Dương, ông Jay Srage đánh giá, Việt Nam đã có chiến lược đúng đắn trong việc triển khai cung cấp dịch vụ công nghệ 3G. Hy vọng khi triển khai 4G-LTE cũng sẽ có những quyết định đúng đắn như triển khai 3G trước đây.

 

Tại sự kiện Hội thảo Quốc tế 4G LTE 2015 diễn ra cuối tuần trước, Tập đoàn Qualcomm đã có đại biểu tham dự và trình bày nhiều nội dung ấn tượng. Bên lề hội thảo, Chủ tịch khu vực Trung Đông, châu Phi và Đông Nam Á Thái Bình Dương, ông Jay Srage đã có những chia sẻ với phóng viên về kinh nghiệm triển khai công nghệ 4G-LTE.

 

- Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của Qualcomm trong việc phát triển 4G tại một số quốc gia trên thế giới?

 

Hiện nay đã có một số mạng 4G-LTE được triển khai tại một số quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên ở những quốc gia đó họ mới triển khai LTE ở quy mô nhỏ. Theo khung thời gian dự kiến từ nay tới cuối năm 2015 hoặc đầu năm sau, 2016, Việt Nam sẽ nằm trong khung thời gian chung với những quốc gia khác trong khu vực triển khai 4G-LTE thương mại trên phạm vi toàn quốc.

Ảnh minh họa

  Chủ tịch khu vực Trung Đông, châu Phi và Đông Nam Á Thái Bình Dương, ông Jay Srage.



Tại một số quốc gia trong khu vực như Singapore và Hong Kong, họ đã triển khaimạng LTE từ những năm 2012-2013, hiện nay họ đang chuyển sang giai đoạn 2 của LTE - LTE Advanced. Nếu như các dịch vụ công nghệ 3G đáp ứng được cho các dịch vụ data đơn giản, thì giờ, khi nhu cầu mở rộng ra các ứng dụng data khác ngày càng lớn, cần một mạng như 4G-LTE đủ dung lượng để đáp ứng những yêu cầu như vậy.

 

4G LTE - Advanced có khả năng đạt tốc độ 300-400 Mbit/s. Với mạng 4G-LTE hiện nay, chiếc điện thoại không chỉ đơn thuần chỉ để nghe, gọi, sử dụng dịch vụ data đơn giản mà được sử dụng cho rất nhiều mục đích như thực hiện các cuộc gọi video phục vụ công tác thương mại, phục vụ các ứng dụng y tế, giáo dục...

 

Việt Nam học được những gì đối với các quốc gia đi trước? Thứ nhất, về mặt phổ tần. Qualcomm cũng đã làm việc với cơ quan hoạch định chính sách của Việt Nam để đưa ra những tư vấn, đảm bảo được khi triển khai 4G-LTE cần phải có đủ phổ tần cung cấp dung lượng lớn cho truy cập. Thứ hai, chúng tôi cũng đã hợp tác với các nhà mạng viễn thông của Việt Nam để đảm bảo họ xây dựng được những mạng 4G-LTE tốt nhất, qua đó cung cấp những dịch vụ với chất lượng trải nghiệm cao cho người dùng.

 

Có thể thấy rằng khi so sánh Việt Nam với các quốc gia trong khu vực, chúng tôi thấy rằng, từ thời điểm triển khai 3G đến nay, mạng 3G của Việt Nam có chất lượng ổn định, đáp ứng nhu cầu của người dùng. Điều đó cho thấy quyết định triển khai 3G của Việt Nam là đúng đắn. Trong tương lai, khi triển khai 4G-LTE hy vọng những quyết định đưa ra ở thời điểm hiện tại cũng sẽ đúng đắn như triển khai 3G trước đây.

  Ảnh minh họa

  Các lãnh đạo của Qualcomm chụp ảnh lưu niệm với Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng (người đứng thứ hai từ trái sang).



- Với những khả năng vượt trội của công nghệ 4G-LTE, ông có thể nhìn nhận nó hỗ trợ như thế nào cho Việt Nam trong việc xử lý các vấn đề như giao thông, chăm sóc sức khỏe…?

 

Công nghệ 4G-LTE cho phép kết nối không dây không chỉ đơn thuần là kết nối thoại mà còn kết nối cả vạn vật. Những lĩnh vực tiềm năng của nó bao gồm y tế, giáo dục đào tạo, giao thông vận tải… Trong lĩnh vực Y tế, Qualcomm đã hợp tác mạnh với nhiều bên liên quan để giúp các bệnh viện ở trung tâm có thể hỗ trợ các bệnh xá ở vùng sâu, vùng xa trong công tác khám chữa bệnh cho người dân vùng nông thôn, vùng núi, hải đảo. Cụ thể, tại Hội nghị di động thế giới năm 2013, Qualcomm đã được trao tặng một giải thưởng quan trọng trong việc hỗ trợ các đơn vị y tế trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân.

 

Trong lĩnh vực giao thông vận tải, trong vòng 1-2 năm tới chúng ta sẽ thấy những loại xe hơi được trang bị thiết bị kết nối. Những kết nối đó không chỉ giúp người dùng tránh được các tai nạn xảy ra mà còn giúp điều hướng tránh ùn tắc giao thông, khi xảy ra tình trạng cấp cứu, có thể chỉ dẫn, đưa các phương tiện tới đó một cách nhanh nhất.

 

Trong lĩnh vực đào tạo, Việt Nam cũng là một nước dàn trải trên một diện tích rộng, tại vùng sâu, vùng xa, điều kiện cơ sở vật chất giáo dục đào tạo không tốt như những vùng trung tâm. Thông qua sự kết nối của mạng 4G-LTE, chúng ta có thể xây dựng những chương trình kết hợp giữa truyền hình và giáo dục đào tạo, phát quảng bá với các chương trình đào tạo với các chương trình điều chỉnh cho phù hợp với học sinh ở vùng sâu, vùng xa.

 

LTE không chỉ đơn tuần là công cụ truyền thông nữa mà nó là công cụ giúp lĩnh vực giáo dục, giao thông, y tế có thể hỗ trợ người dân tốt hơn. Khi Việt Nam đầu tư vào 4G-LTE, trong một thời gian rất sớm thôi, 4G-LTE sẽ không chỉ là công nghệ kết nối điểm - điểm mà còn là công cụ để hỗ trợ rất nhiều ngành kinh tế khác nữa.

 

- Với kinh nghiệm của mình, Qualcomm có thể định lượng chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra khi chuyển đổi từ công nghệ 3G lên 4G?

 

Rất khó để mà có thể định lượng cho việc chuyển đổi từ 3G sang 4G nhà mạng sẽ phải đầu tư bao nhiêu, bởi nó tùy thuộc vào kế hoạch kinh doanh cũng như việc triển khai cung cấp dịch vụ của mỗi nhà mạng. Triển khai 4G, có doanh nghiệp sẽ cung cấp tại các thành phố, đô thị lớn trước, sau đó mới đưa về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hẻo lánh. Nhưng cũng có nhà mạng sẽ triển khai 4G-LTE trên phạm vi toàn quốc ngay, ví dụ những nhà mạng Trung Quốc chẳng hạn, khi cung cấp 4G họ phủ sóng trên toàn quốc ngay.

 

Dù đầu tư gì thì nhà mạng cũng phải tính tới lợi ích kinh tế. Và lợi ích kinh tế này không chỉ dành cho bản thân nhà mạng mà còn phục vụ cả lợi ích của đất nước. Thống kê cho thấy, cứ phát triển 5% thuê bao di động thì sẽ đóng góp 0,5% vào tăng trưởng GDP.

 

Hiện giờ, ngoài việc hỗ trợ về mặt công nghệ, Qualcomm cũng có một bộ phận giúp cho các nhà mạng đưa ra các mô hình kinh doanh và phân tích những phương án triển khai 4G như thế nào cho phù hợp. Đối với từng nhà mạng, bài toán kinh doanh, đầu tư đặt ra sẽ khác nhau. Dựa trên các số liệu đầu vào của nhà mạng, chúng tôi sẽ đưa ra mô hình cũng như khuyến cáo các nhà mạng triển khai như thế nào để hợp lý nhất, tối ưu nhất để có thể thu lại lợi nhuận từ việc đầu tư một cách hiệu quả nhất. Những chia sẻ, hỗ trợ này được Qualcomm đưa ra dựa trên những mô hình đã được Qualcomm triển khai thành công với các nhà mạng trên thế giới.

 

- Theo ông, đâu là những yếu tố quan trọng giúp việc triển khai 4G-LTE thành công?

 

Để triển khai 4G-LTE thành công, ngoài khía cạnh nhà mạng ra thì việc chấp nhận của người dùng rất quan trọng. Vì nếu nhà mạng xây dựng mà người dùng không chấp nhận sử dụng thì sẽ không đem lại hiệu quả gì. Việc chấp nhận của người dùng phụ thuộc vào hai yếu tố đó là thiết bị đầu cuối và chi phí về dữ liệu.

 

Hiện giờ, đã có rất nhiều thiết bị đầu cuối hỗ trợ công nghệ 4G-LTE. Với 4G-LTE, tốc độ giảm giá thiết bị nhanh hơn rất nhiều so với 3G. Ngay cả ở thị trường Việt Nam, dù chưa triển khai 4G-LTE nhưng hiện giờ cũng đã có rất nhiều thiết bị đầu cuối tích hợp 4G-LTE được cung cấp ra thị trường. Có cả những thiết bị đầu cuốidưới 100 USD, chỉ khoảng 60-65 USD. Thêm vào đó, chi phí dữ liệu khi sử dụng 4G-LTE cũng thấp hơn rất nhiều so với 3G. Khi chi phí sử dụng thấp cũng sẽ khuyến khích người dùng tham gia sử dụng dịch vụ 4G-LTE nhiều hơn.

 

- Xin cảm ơn ông!


Phan Lê - (thực hiện: bài, ảnh)

Ý kiến bạn đọc