Tội phạm mạng ngày càng táo tợn hơn

20:41, 02/02/2015
|

(VnMedia) - Trong tháng 1/2015, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã phát hiện 1.129 sự cố tấn công thay đổi giao diện, 2.781 sự cố về phát tán mã độc, nhiều thư điện tử giả mạo các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước để phát tán thông tin lừa đảo.

Ảnh minh họa


Chia sẻ tại Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước (QLNN) tháng 1/2015 (chiều 2/2) của Bộ TT&TT, đại diện Cục An toàn thông tin (thuộc Bộ TT&TT) cho biết, tình hình an ninh mạng trong thời gian qua vẫn diễn biến phức tạp và rất tinh vi. Nếu như trước đây chỉ có khái niệm về virus máy tính, phần mềm độc hại (Malware) nhưng từ cuối 2014, tại Việt Nam xuất hiện phần mềm độc hại mới (Ransomeware). Thay vì đánh cắp, phá hoại máy tính, kẻ xấu sử dụng phần mềm độc hại này để tiến hành mã hóa dữ liệu, khóa thiết bị của nạn nhân và đòi tiền chuộc. Đây cũng là xu hướng rất cần quan tâm.

Bên cạnh đó, Cục An toàn thông tin (ATTT)  cũng ghi nhận nhiều thư điện tử giả mạo, đặc biệt thư điện tử giả mạo các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước trong việc phát tán các thông tin lừa đảo.

Trong tháng, Bộ TT&TT đã chỉ đạo, điều phối công tác khắc phục 753 sự cố website lừa đảo, 1.129 sự cố tấn công thay đổi giao diện, 2.781 sự cố về phát tán mã độc. Ngoài ra, Bộ cũng đưa ra cảnh báo 970 lượt địa chỉ IP của các bộ, ngành, tỉnh và thành phố thuộc Trung ương bị nhiễm mã độc Botnet (khi bị lây nhiễm sẽ trở thành công cụ để hacker thực hiện các cuộc tấn công từ chối dịch vụ DDos làm ngưng trệ hoạt động, suy giảm uy tín của các trang thông tin điện tử, website).

Trong khi đó, tình hình ATTT trên thế giới nổi cộm lên 2 vụ là cuộc tấn công qua lại giữa nhóm hacker phản đối bộ phim The Interview của hãng Sony Picture (nội dung mang tính châm biếm lãnh tụ Triền Tiên) và các cuộc tấn công ngược lại nhằm vào Triều Tiên làm tê liệt và gián đoạn hệ thống mạng của nước này.

Trước những nguy cơ, thách thức trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn trên môi trường mạng, đặc biệt trong các tổ chức, cơ quan nhà nước, Bộ TT&TT đang tăng cường nhiều hoạt động, giải pháp nhằm đảm bảo an toàn an ninh như xây dựng dự thảo Chỉ thị của Bộ trưởng về chương trình hành động xử lý phần mềm độc hại trên mạng; văn bản hướng dẫn bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống thư điện tử của các cơ quan nhà nước.

Bộ TT-TT  sẽ ban hành văn bản để hướng dẫn phòng chống thư giả mạo cũng như nâng cao biện pháp bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin của Bộ, Ngành trong dịp Tết 2015. Bên cạnh đó, Bộ TT-TT cũng gấp rút soạn thảo Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về an toàn thông tin đến năm 2020” để sớm trình Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về ATTT, hình thành văn hóa ATTT của người sử dụng mạng tại Việt Nam...

Một tín hiệu đáng mừng cũng được đại diện Cục ATTT chia sẻ chính là trong năm 2014, Việt Nam đã có 3 trong 8 cơ sở đào tạo trọng điểm về An toàn an ninh thông tin lần đầu tiên tiến hành tuyển sinh kỹ sư, cử nhân chuyên ngành ATTT. Năm 2014 đã tuyển sinh được 820 chỉ tiêu đào tạo, đồng thời công tác đào tạo sau đại học đã được chú trọng. Năm 2014 là năm đầu tiên có 53 chỉ tiêu thạc sĩ về ATTT. “Việc đào tạo sẽ tạo ra đội ngũ cán bộ ATTT tinh nhuệ chứ không chạy theo số lượng”, vị đại diện này khẳng định.


Tuệ Minh

Ý kiến bạn đọc