Những quyết sách CNTT ấn tượng nhất năm 2014

08:29, 03/01/2015
|

(VnMedia) - Có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển bền vững của lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) nước nhà, trong năm qua, nhiều chính sách, chiến lược, quy hoạch CNTT đã được ban hành và đi vào cuộc sống.

>> Năm của băng rộng 3G và Internet cáp quang!
>> Việt Nam đạt 140 thuê bao di động/100 dân

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2014 là năm có số lượng đề án do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, tham mưu được Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều nhất từ trước đến nay với 21 đề án, trong đó: Bộ Chính trị ban hành 01 nghị quyết, Chính phủ ban hành 02 nghị định và Thủ tướng Chính phủ ban hành 18 quyết định. Đặc biệt là những quyết sách dưới đây.

Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 36 nhằm thay thế Chỉ thị 58 về ứng dụng CNTT

Ảnh minh họa
ảnh minh họa

 
Sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 58-CT/TW ngày 17/10/2000 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 58-CT/TW trong khối các cơ quan chính quyền từ Trung ương đến địa phương và các doanh nghiệp Trung ương.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban cán sự Đảng Chính phủ về việc xây dựng Nghị quyết của Bộ Chính trị về ứng dụng và phát triển CNTT ở nước ta đến năm 2020, trên cơ sở những việc đã và chưa làm được trong hơn 10 năm qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng, hoàn thiện và trình Bộ Chính trị dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Ngày 01/7/2014, Tổng Bí thư đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Nghị quyết số 36 nhằm thay thế Chỉ thị 58 về đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được Bộ Chính trị ban hành năm 2000.

Trong Nghị quyết 36 đã đề ra những định hướng lớn cho sự phát triển CNTT - truyền thông Việt Nam tới năm 2030 với những quan điểm coi CNTT là một công cụ hữu hiệu tạo lập phương thức phát triển mới và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, là một trong những động lực quan trọng phát triển kinh tế tri thức, xã hội thông tin, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 36 cho thấy sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng đối với công tác ứng dụng, phát triển CNTT. Nói cách khác, Bộ Chính trị đã có sự quan tâm lớn hơn đối với vị trí, vai trò của lĩnh vực CNTT-TT trong đời sống xã hội.

Thủ tướng phê duyệt chủ trương cho cơ quan Nhà nước thuê dịch vụ CNTT

Tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT diễn ra cuối tháng 6/2014, Thủ tướng đã đồng ý cho các cơ quan Nhà nước thuê dịch vụ CNTT để tạo ra thị trường cạnh tranh, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển, cung cấp các dịch vụ CNTT. Và ngày 30/12/2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định 80/2014/QĐ-TTg quy định thí điểm về thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/2/2015, quy định thí điểm về thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước áp dụng với các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức khoa học và công nghệ công lập, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp (gọi chung là cơ quan nhà nước); các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ CNTT cho cơ quan nhà nước (gọi tắt là nhà cung cấp dịch vụ).

Theo quyết định này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước phải được thực hiện theo nguyên tắc nâng cao hiệu quả của ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước, giảm đầu tư từ ngân sách nhà nước. Trong trường hợp khả thi, tiếp tục khai thác tối đa hạ tầng kỹ thuật, hệ thống thông tin, phần mềm, phần cứng, thông tin, dữ liệu đã có.

Bên cạnh đó, xem xét áp dụng hình thức thuê dịch vụ tập trung trong phạm vi của Bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với các dịch vụ CNTT có tính chất, tính năng giống nhau mà nhiều cơ quan, đơn vị cùng có nhu cầu sử dụng.

Thông tin, dữ liệu hình thành trong quá trình thuê dịch vụ và phần mềm được đặt hàng riêng để phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ (nếu có) là tài sản thuộc sở hữu của bên thuê. Nhà cung cấp dịch vụ có trách nhiệm chuyển giao đầy đủ các thông tin, dữ liệu, mã nguồn của phần mềm đặt hàng riêng nói trên và các công cụ cần thiết khi kết thúc hợp đồng để đảm bảo cơ quan nhà nước vẫn có thể khai thác sử dụng dịch vụ được liên tục kể cả trong trường hợp thay đổi nhà cung cấp dịch vụ.

Quyết định cũng nêu rõ nguyên tắc bảo đảm các yêu cầu về chất lượng dịch vụ, về công nghệ, quy trình cung cấp dịch vụ; tính liên tục, liên thông, kết nối, đồng bộ về ứng dụng CNTT trong mỗi bộ, ngành, tỉnh, thành phố và trên toàn quốc; đồng thời bảo đảm an toàn, bảo mật và tính riêng tư về thông tin, dữ liệu của cơ quan nhà nước; tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn, an ninh thông tin, cơ yếu và Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước…

Việc cơ quan Nhà nước thuê dịch vụ CNTT có nhiều ưu điểm như cơ quan Nhà nước không phải đầu tư kinh phí xây dựng hạ tầng, không phải tăng biên chế mà vẫn có được dịch vụ chuyên nghiệp và công nghệ luôn cập nhật. Doanh nghiệp sẽ bỏ vốn đầu tư còn cơ quan Nhà nước sử dụng theo hình thức thuê lại và trả phí dần theo từng năm sẽ giải được bài toán thiếu kinh phí đầu tư cho các dự án chi từ ngân sách trong bối cảnh kinh tế khó khăn, giảm tình trạng nhiều cơ quan Nhà nước cùng xin vốn ngân sách để đầu tư xây dựng những hệ thống tương tự nhau gây lãng phí đầu tư. Mặt khác, tiến độ triển khai các dự án CNTT trong cơ quan Nhà nước sẽ được đẩy nhanh hơn vì không phải mất quá nhiều thời gian vào việc lập kế hoạch xây dựng dự án đầu tư.

Chưa đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online

Cuối tháng 11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt; trong đó, game online không bị đưa vào diện đánh thuế như có kiến nghị bổ sung trước đó. Lý do chính của quyết định này là nếu áp dụng, chỉ có những doanh nghiệp kinh doanh game online hợp pháp, với những trò chơi được kiểm duyệt kỹ bị  áp thuế khiến sức cạnh tranh giảm. Trong khi đó, các game lậu, độc hại, cung cấp xuyên biên giới lại nằm ngoài vòng kiểm soát và có cơ hội đè bẹp doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc ở trong nước.

Việc chưa bổ sung kinh doanh game online vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước phát triển, dần thay thế được các sản phẩm nước ngoài, góp phần phát triển công nghệ thông tin Việt Nam và nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách nhà nước.

Trước đó, tháng 10/2014, Bộ Tài chính đã đề xuất bổ sung game online vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, với mức thuế suất áp dụng là 10%, tương đương với trên 650 tỷ đồng/năm. Ở thời điểm đó, đã có rất nhiều ý kiến lo ngại, đề xuất này sẽ khiến ngành công nghiệp game Việt thêm một lần bị "trói".

Tuy nhiên, trước sự đề xuất của Bộ Tài chính, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực game online, Bộ Thông tin và Truyền thông đã khẳng định quan điểm bảo vệ, hỗ trợ lĩnh vực này phát triển. Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, hiện trên thế giới không có nước nào đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành game online, các nước đều có chính sách khuyến khích game phát triển. Từ chính nỗ lực của doanh nghiệp, cùng sự ủng hộ từ phía các cơ quan chức năng, ngành Công nghiệp Game online của Việt Nam sẽ tiếp tục hứa hẹn phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.


Hiền Mai

Ý kiến bạn đọc