Tài khoản cá nhân Facebook, Microsoft bị theo dõi

08:00, 16/06/2013
|

Trong một nỗ lực để trấn an người dùng về chương trình giám sát những người truy cập Internet và các cuộc điện thoại, gọi tắt là PRISM của Chính phủ Mỹ, Facebook và tiếp sau là Microsoft đã công bố số lượng yêu cầu giám sát, cung cấp thông tin tài khoản người dùng các dịch vụ Internet của các nhà chức trách Mỹ.
 
Theo đó, trong thời gian nửa cuối năm 2012, Facebook đã nhận được khoảng từ 9.000 đến 10.000 yêu cầu cung cấp dữ liệu người dùng, tương đương 18.000 đến 19.000 tài khoản của người dùng trên mạng xã hội này. Facebook hiện  có khoảng hơn 1,1 tỷ tài khoản đăng nhập trên toàn cầu. Như vậy, con số tài khoản được đưa vào diện giám sát thông tin truy cập chưa đến 1% tổng số tài khoản đăng nhập mạng xã hội này.
 

Ảnh minh họa


Cũng trong khoảng thời gian trên, Microsoft cho biết họ đã nhận được yêu cầu tất cả thông tin về khoảng 31.000 tài khoản người dùng các dịch vụ Internet của hãng.
 
Tiếp theo sau Facebook và Microsoft, Google cho biết hãng này cũng đang đàm phán với giới chức Mỹ để công bố số lượng yêu cầu giám sát tài khoản người dùng.
 
Đa số những yêu cầu giám sát tài khoản Internet đến từ các cơ quan an ninh từ cấp liên bang đến địa phương của Mỹ với các lý do khác nhau như tìm kiếm trẻ lạc, truy lùng tội phạm truy nã cho đến điều tra mối đe dọa khủng bố.
 
Tất cả các yêu cầu cung cấp thông tin trên đều được Facebook, Microsoft và Google đồng ý cung cấp theo các điều khoản của thỏa thuận với Bộ Tư pháp Mỹ, căn cứ theo  đạo luật Giám sát tình báo nước ngoài (FISA) cho phép các cơ quan chức năng của Chính phủ Mỹ được nghe lén các cú điện thoại ở nước ngoài và xem thư điện tử của các nghi phạm khủng bố và gián điệp nước ngoài.
 
Theo thỏa thuận trên, các yêu cầu và thông tin tài khoản được theo dõi sẽ được bảo mật. Tuy nhiên, Facebook, Google, Microsoft cùng các công ty Internet khác đã kêu gọi và tiến hành đàm phán với nhà chức trách Mỹ để được tiết lộ số lượng, phạm vi các yêu cầu giám sát sau khi các tài liệu bị rò rỉ cho tờ Washington Post và The Guardian cho biết các công ty Internet hàng đầu của Mỹ  là Microsoft, Yahoo, Google, Facebook, AOL, Skype, YouTube, Apple và PalTalk, đã cho phép chính quyền "truy cập trực tiếp" vào hệ thống máy chủ để thu thập thông tin tài khoản người dùng như là một phần của chương trình PRISM.
 
Những tiết lộ về PRISM, và tiết lộ liên quan về bộ sưu tập trên diện rộng các hồ sơ cuộc gọi điện thoại, đã gây ra mối quan tâm rộng rãi của dư luận Mỹ và dẫn tới các cuộc điều trần của Quốc hội Mỹ về phạm vi và mức độ thu thập thông tin tài khoản Internet từ các cơ quan hành pháp.


TH

Ý kiến bạn đọc