Đẩy nhanh tiến độ thành lập doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất

21:06, 26/06/2013
|

Đây là một trong những quan điểm Thứ trưởng Lê Nam Thắng nhấn mạnh tại phiên họp lần thứ hai của Tiểu Ban giúp việc Ban Chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam.

 

Sáng 28/6/2013, tại Hà Nội, Tiểu Ban giúp việc Ban Chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam đã tổ chức phiên họp lần thứ hai để chuẩn bị những nội dung báo cáo Ban Chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam tại cuộc họp dự kiến diễn ra trong tháng 7 tới. Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, Trưởng Tiểu Ban giúp việc, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp có thành viên trong Tiểu Ban giúp việc đến từ các Bộ, ban, ngành; đại diện đài phát thanh truyền hình Trung ương và khu vực 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các doanh nghiệp tham gia thị trường truyền dẫn, phát sóng.

Tại phiên họp này, Tiểu Ban giúp việc đã góp ý và thông qua báo cáo đánh giá kết quả thực hiện công tác của Tiểu Ban giúp việc trong thời gian qua, đồng thời đề xuất một số kiến nghị nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện giai đoạn 1 của Đề án số hóa. Trong đó, việc thành lập doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất được nhiều thành viên trong Tiểu Ban giúp việc đề nghị cần đẩy nhanh tiến độ hơn nữa. “Bộ Thông tin và Truyền thông cần tiến hành cấp phép sớm tần số cho doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng đã có đủ điều kiện. Đồng thời, cần phân biệt rõ trách nhiệm giữa doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng khu vực và doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng toàn quốc”, đại diện Đài phát thanh truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (HTV) kiến nghị. Đại diện Đài phát thanh truyền hình Hải Phòng, Vĩnh Long cũng cho rằng, Bộ cần sớm cấp tần số để thành lập doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng.

Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện Đoàn Quang Hoan cho biết, trong năm 2013 không thể cấp phép tần số cho doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng khu vực. Đây là một bài toán khó, vì mỗi khu vực chỉ được phép cấp 02 tần số.

Theo Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Chu Văn Bình, cuối tháng 6, đầu tháng 7, Cục Viễn thông sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan đưa ra các tiêu chí tối thiểu để cấp phép tần số cho doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng. Sau đó, tiến hành khảo sát, từ đó xem xét có bao nhiêu doanh nghiệp yêu cầu truyền dẫn, phát sóng ở khu vực. Tùy theo số lượng doanh nghiệp mà sẽ chọn các hình thức cấp phép, thi tuyển hoặc cấp phép trực tiếp.

 

Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Lê Nam Thắng đánh giá những việc làm được và chưa làm được của Tiểu Ban giúp việc trong thời gian qua. Đồng thời, nhấn mạnh một số công việc mà Tiểu Ban giúp việc cần tập trung giải quyết trong thời gian tới. Thứ trưởng chia sẻ, để hình thành thị trường truyền dẫn, phát sóng ngay lập tức là rất khó khăn. Các doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng được cấp phép phải tuân thủ các quy định, pháp luật của nhà nước, của Luật Viễn thông. Thứ trưởng nhấn mạnh quan điểm, nhà nước không thành lập doanh nghiệp để làm nhiệm vụ chính trị.

 

Cả xã hội được lợi từ số hóa truyền hình

 

Số hoá truyền hình không chỉ là chuyện chuyển đổi công nghệ mà còn mang lại lợi toàn xã hội. Đặc biệt số hóa truyền hình được coi là một phương thức xóa "vũng lõm" sóng truyền hình một cách nhanh nhất và tiết kiệm nhất. Đối với các khu vực vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, chỉ cần có một bộ đầu thu truyền hình số vệ tinh là người dân có thể xem được hàng chục kênh truyền hình chất lượng cao.

 

Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án số hóa truyền hình cũng đã thống nhất giao các doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng truyền hình số toàn quốc là VTV, VTC, AVG triển khai ngay việc phủ sóng đối với 05 thành phố trực thuộc Trung ương gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng. Khởi động là tại Đà Nẵng và khu vực Bắc Quảng Nam sẽ được phủ sóng số từ tháng 9/2013. Theo đó, 3 doanh nghiệp này truyền tải không khóa mã các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu đang được phát sóng trên hệ thống truyền hình tương tự của Trung ương và của các địa phương.

 

Ba đơn vị lớn VTV, VTC, AVG hiện đang tích cực đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất đồng bộ, với nguyên tắc kết hợp phủ sóng truyền hình số mặt đất (DTV) và truyền hình số qua vệ tinh (DTH) để đảm bảo tiến độ và hiệu quả phủ sóng đối với các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

 

VTC được đánh giá là đơn vị đi tiên phong và có nhiều kinh nghiệm trong việc phát sóng số. Từ hơn 10 năm qua, VTC đã phủ sóng truyền hình số mặt đất chuẩn DVB-T trên 47 tỉnh, thành phố, phủ sóng 30% lãnh thổ và 60% khu vực dân cư. Trong đó VTC phát miễn phí (không khóa mã) hơn 30 kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của Trung ương và địa phương. VTC được đánh giá là doanh nghiệp có nhiều thế mạnh về truyền hình số, cả về vùng phủ sóng số rộng nhất, cũng như kinh nghiệm triển khai số hóa truyền hình.

 

Không chỉ đầu tư nâng cấp hệ thống truyền dẫn, phát sóng. Để tạo thuận lợi cho người dân thu xem truyền hình số VTC cũng chính thức nâng chuẩn chất lượng âm thanh, hình ảnh từ MPEG2 lên MPEG4 từ 15/9/2013 để phù hợp với yêu cầu số hóa truyền hình. Đây là bước đi quan trọng nhằm nâng cao chất lượng hình ảnh và âm thanh cũng như số lượng chương trình mà nhà đài này dành cho tập khách hàng của mình. Đồng thời VTC tiến hành thu đổi đầu thu kỹ thuật số mặt đất (thu quảng bá) và đầu thu VTC SD01 cho người dân sang đầu thu số vệ tinh VTC SH9, VTC HD với chất lượng âm thanh và hình ảnh theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật do Bộ TT&TT quy định.


PV

Ý kiến bạn đọc