Cần có mạng xã hội Việt Nam cạnh tranh với YouTube, Facebook

17:19, 18/04/2017
|

(VnMedia) - Về giải pháp lâu dài, cần có mạng xã hội do doanh nghiệp Việt Nam cung cấp để cạnh tranh tương đương với các trang mạng xã hội của nước ngoài như YouTube, Facebook.

Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Trương Minh Tuấn chia sẻ tại phiên chất vấn trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về các vấn đề liên quan tới công tác quản lý an toàn thông tin mạng; việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên các phương tiện thông tin điện tử… diễn ra chiều 18/4.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn chiều ngày 18/4 (ảnh VOV).
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn chiều ngày 18/4 (ảnh VOV).

Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, mạng xã hội không chỉ giúp người dùng giao lưu, chia sẻ thông tin hiệu quả không phân biệt không gian, thời gian và ngày càng chứng tỏ những tính năng siêu việt của nó. Chính những khả năng siêu việt này nên mạng xã hội có vai trò quan trọng với xã hội và nhiều nước coi mạng xã hội là quyền lực thông tin mới. Mạng xã hội như một con đường, người tốt thì mang lại điều tốt, người xấu mang lại điều ác. Trên đó có cả những thông tin tốt và tin xấu, bôi nhọ xúc phạm danh dự các cá nhân, tổ chức. Vấn đề này đang diễn ra rất nóng và đặt ra nhiều thách thức mới cho các cơ quan quản lý nói chung.

Đây không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam mà các nước trên thế giới rất đau đầu với kẻ xấu, tin xấu trên mạng xã hội. Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng, ở Việt Nam, nhận thức pháp luật của một bộ phận dân cư mạng còn yếu. Các trang được cấp phép thì phần lớn tuân thủ lập pháp. Nhưng những mạng xã hội nước ngoài, cung cấp thông tin xuyên biên giới như Google, YouTube, Facebook lại được nhiều người dùng thiếu hiểu biết cung cấp thông tin xuyên tạc, bôi nhọ, vu khống. 

Theo Bộ trưởng, Việt Nam có tới 45 triệu người dùng mạng xã hội Facebook và là một trong 10 nước có người dùng trên YouTube nhiều nhất. Điều này cho thấy những thông tin xấu nếu xuất hiện trên các trang nước ngoài này sẽ có tác động lớn đến người Việt Nam nên dễ bị kẻ xấu lợi dụng phát tán tin tức độc hại.

Giải pháp về vấn đề này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, khi báo chí chính thống không đầy đủ và chậm, người dân sẽ tìm đọc trên mạng xã hội. Luật pháp của nước ta có đủ điều kiện xử phạt các hành vi vi phạm. Từ đầu năm 2017 tới nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử phạt 10 trường hợp vi phạm. Chính vì vậy, việc quy hoạch báo chí là biện pháp giải quyết căn bản nhất để có thể áp đảo thông tin sai trái trên mạng. “Khi báo chí chính thống không đầy đủ và chậm, người dân sẽ tìm đọc trên mạng xã hội. Luật pháp của nước ta có đủ điều kiện xử phạt các hành vi vi phạm” Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói.

Ngoài ra, việc ra đời thông tư 38 về Quản lý thông tin xuyên biên giới gần đây đã tạo hành lang pháp lý để xử lý các vi phạm trên các trang mạng xã hội này. 

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cho biết, trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã yêu cầu Google gỡ bỏ 2.200 clip nói xấu bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước trên YouTube. Tới nay, Google đã gỡ bỏ 1.299 clip. Tới đây, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục làm việc với Facebook để gỡ bỏ các trang mạo danh lãnh đạo Đảng, nhà nước trên mạng xã hội này.

Ngoài ra bên cạnh việc tạo hành lang pháp lý để quản lý các trang mạng xã hội do các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp về giải pháp dài hạn để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng, cần có mạng xã hội do doanh nghiệp Việt Nam cung cấp cạnh tranh đương đương với các mạng xã hội của nước ngoài như Facebook, YouTube.

B.H


Ý kiến bạn đọc