Cơ hội để Việt Nam bắt kịp làn sóng công nghệ lần thứ 4

07:00, 21/01/2017
|

(VnMedia) - Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 - cuộc cách mạng số - với tác động mạnh mẽ của làn sóng dịch chuyển sang số hóa và xu hướng vạn vật kết nối Internet (IoT), được dự đoán sẽ làm thay đổi cơ bản lối sống, phong cách làm việc và cách thức giao tiếp của cả xã hội. Hiện nay, hầu hết các hãng công nghệ lớn trên thế giới đã ứng dụng công nghệ điện toán đám mây. Tuy nhiên, tại Đông Nam Á và Việt Nam phần lớn doanh nghiệp vẫn còn lưỡng lự khi đẩy hệ thống và dữ liệu lên đám mây, đặc biệt là các khách hàng có quy mô lớn. VnMedia đã  trao đổi với ông Vũ Minh Trí, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam xung quanh nội dung này.

- Những hiểm họa trực tuyến và vấn đề bảo mật khiến các doanh nghiệp quan ngại và được liệt kê là những rào cản lớn nhất trong chuyển đổi kỹ thuật số. Quan điểm của Microsoft về vấn đề này là gì?

Ông Vũ Minh Trí: Sự gia tăng những đe dọa an ninh mạng trong nền kinh tế số hóa hiện nay là có thật và không thể bỏ qua. Vẫn còn có những quan niệm từ các lãnh đạo là đám mây thì thiếu bảo mật hơn. Tuy nhiên, sẽ an toàn hơn nếu sử dụng đám mây so với các giải pháp CNTT truyền thống. Trong thực tế, theo một nghiên cứu vào tháng 9/2016 của Microsoft với đối tượng là các chuyên gia CNTT cho thấy, 87% tin rằng trong dài hạn, giải pháp đám mây sẽ được an toàn. Microsoft cam kết xây dựng nền tảng chuyển đổi kỹ thuật số đáng tin cậy để bảo đảm hành trình chuyển đổi kỹ thuật số được nhanh và an toàn nhất. Chúng tôi xây dựng những giải pháp bảo mật ưu tiên cho những thiết bị di động và đám mây ngày nay. Bảo mật được thiết lập trong tất cả các đám mây của Microsoft cũng như các hệ thống tại doanh nghiệp một cách thống nhất, đảm bảo một cách tiếp cận toàn diện những vẫn giảm thiểu độ phức tạp.

- Microsoft nhìn nhận như thế nào về hành trình chuyển đổi kỹ thuật số của các tổ chức châu Á?

Theo báo cáo mang tên Nghiên cứu về chuyển đổi Kỹ thuật số của Microsoft Châu Á  thì các nhà lãnh đạo Đông Nam Á đang chỉ ra sự cấp thiết cần nắm bắt cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư, 84% trong số họ tin rằng họ cần chuyển đổi lên Doanh nghiệp số để có thể tăng trưởng và 83% đồng thuận rằng có tầm nhìn về dữ liệu mới có thể dẫn dắt dòng doanh thu mới cho tổ chức của họ. Đây là những điểm chủ chốt. Dù phần lớn lãnh đạo các doanh nghiệp nhận thức được nhu cầu cấp thiết của chuyển đổi kỹ thuật số để giải quyết môi trường kinh doanh thay đổi, nghiên cứu vẫn cho thấy rằng hành trình chuyển đổi các tổ chức khu vực Đông Nam Á vẫn ở giai đoạn sơ khai. Thực tế, chỉ có 31% các lãnh đạo doanh nghiệp có một chiến lược chuyển đổi kỹ thuật số đầy đủ và chỉ 47% đang trong hành trình đưa sáng kiến chuyển đổi kỹ thuật số cụ thể cho các phòng ban được lựa chọn của họ. Khoảng 22% có rất ít hoặc chưa có chiến lược chuyển đổi.

- Vậy theo ông, làm sao để có thể chuyển đổi kỹ thuật số hiệu quả nhất?

Theo các phân tích, để chuyển đổi lên đám mây thành công, các DN cần nắm bắt 4 yếu tố chủ chốt để chuyển đổi như sau.

Thứ nhất là gắn kết khách hàng. Người tiêu dùng dần thông thái hơn nhờ truy cập dữ liệu để hiểu biết thêm về dịch vụ và sản phẩm. Để tồn tại, các tổ chức cần đưa ra những trải nghiệm mới, cá nhân hóa và nhập vai và đáng tin cậy về bảo mật.

Thứ hai là cần trao quyền cho nhân viên: Bản chất của cách chúng ta làm việc và không gian làm việc - đã trải qua cuộc tiến hóa mạnh mẽ. Các doanh nghiệp có thể trao quyền cho nhân viên và giúp họ làm việc tốt hơn nhờ sức mạnh của di động, cho phép nhân viên cộng tác từ bất cứ nơi nào, trên thiết bị bất kỳ và truy cập vào những ứng dụng và dữ liệu họ cần, dù vẫn đảm bảo giảm thiểu rủi ro về bảo mật.

Thứ ba là tối ưu hóa vận hành. Các xu hướng công nghệ như IoT đang đẩy nhanh các tiềm năng cho các doanh nghiệp để tối ưu hóa hoạt động. Điều này được thực hiện nhờ thu thập dữ liệu qua các thiết bị đầu cuối được phân tán rộng, khắc họa những hiểu biết thông qua phân tích tiên tiến, và sau đó áp dụng những bài học này để giới thiệu những cải tiến dựa trên cơ sở thu thập liên tục. Các doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ, và thậm chí chăm sóc sức khỏe có thể thay đổi từ chỉ đơn thuần là phản hồi thụ động hành vi, tới việc có thể đáp ứng trong thời gian thực, hoặc thậm chí dự đoán trước và giải quyết các vấn đề của khách hàng.

cuối cùng là chuyển đổi sản phẩm và các mô hình vận hành. Cơ hội để nhúng trực tiếp phần mềm và công nghệ vào sản phẩm và dịch vụ đã thay đổi cách các tổ chức cung cấp giá trị, giúp kích hoạt những mô hình vận hành mới và thay đổi các thị trường truyền thống.

- Xin cảm ơn ông!

Hiền Mai (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc