Tắt sóng mạng di động: Việt Nam chọn 2G hay 3G trước?

09:54, 16/03/2016
|
Cùng với việc các mạng 4G LTE đang được triển khai mạnh mẽ trên toàn thế giới, nhiều quốc gia đã, đang hoặc lên kế hoạch tắt sóng các mạng di động thế hệ trước (2G, 3G). Một vài trong số này lựa chọn tắt sóng 2G trước còn một vài lại lựa chọn 3G. Theo kế hoạch các nhà mạng trong nước sẽ triển khai mạng LTE trong năm nay nên vấn đề tắt sóng mạng 2G, 3G cũng đã bắt đầu được đề cập tới. Chúng ta sẽ chọn mạng nào? 2G hay 3G?
 
a
a
Vì sao phải ngắt sóng các mạng di động thế hệ cũ?
 
Câu trả lời chính là tài nguyên băng tần có hạn. Giống như để xây một ngôi nhà, chúng ta cần phải được cấp đất thì trong viễn thông, để triển khai một mạng di động bất kỳ, các nhà mạng đều cần phải được cấp phát một lượng tài nguyên băng tần nhất định. Tài nguyên tần số được cấp phát cho rất nhiều lĩnh vực khác như di động, truyền hình, phát thanh, quân sự, vệ tinh..., vì vậy cũng như các lĩnh vực khác, di động chỉ được cấp phát cho những dải tần nhất định để hoạt động. 
 
Với nhu cầu sử dụng dịch vụ ngày càng gia tăng của người dùng di động, đặc biệt là các dịch vụ dữ liệu, video..., các nhà mạng phải triển khai các mạng thế hệ công nghệ kế tiếp tiên tiến hơn. Đó là nguyên nhân thúc đẩy sự ra đời của các mạng 3G, 4G và sắp tới là 5G. Càng những công nghệ mới thì hiệu quả sử dụng tài nguyên băng thông lại lớn hơn so với các công nghệ cũ. Tuy nhiên, mức cải thiện hiệu quả là hữu hạn, trong khi nhu cầu người dùng lại là vô hạn. Chính vì vậy bên cạnh việc triển khai mạng 4G, nhà mạng vẫn luôn tìm cách để có thêm băng tần để dung lượng hệ thống có thể đáp ứng nhu cầu người dùng ở mức tốt nhất.
 
Trong khi không còn tài nguyên tần số hoặc các công nghệ mới chưa hoạt động được ở những tần số còn “rỗi” thì cách đơn giản nhất để có thêm băng tần chính là ngắt sóng các mạng di động thế hệ trước nếu như hiệu quả khai thác các mạng này không còn cao. 
 
Thêm vào đó, các băng tần được cấp phát cho mạng 2G, 3G trước đó đã được chứng minh là những băng tần “lý tưởng” với lĩnh vực di động. Nhiều nghiên cứu và thử nghiệm thực tế cho thấy nó đem lại lợi ích cao hơn nhiều so với những băng tần khác (về chi phí, về độ rộng vùng phủ...) khi được sử dụng để triển khai 4G. Hầu hết các thiết bị đầu cuối cầm tay của người dùng hiện nay đều hỗ trợ băng tần này nên không phát sinh các vấn đề liên quan tới tương thích giữa mạng và thiết bị.
 
Thực tế con số thống kê cho thấy tới cuối năm 2015, có tới hơn 50% mạng LTE trên toàn thế giới đang được triển khai trên các băng tần trước đó đã được sử dụng để triển khai các mạng di động 2G, 3G.
 Hơn 50% mạng LTE trên toàn thế giới đang được triển khai trên các băng tần trước đó đã được sử dụng để triển khai các mạng di động 2G, 3G
Hơn 50% mạng LTE trên toàn thế giới đang được triển khai trên các băng tần trước đó đã được sử dụng để triển khai các mạng di động 2G, 3G
 
Thế giới đang ngắt sóng mạng di động cũ như thế nào?
 
Theo logic, những mạng cũ nhất sẽ bị khai tử để dành “đất” cho những mạng cải tiến hơn. Như vậy, 2G sẽ bị tắt sóng đầu tiên và không ít nhà mạng ở khu vực châu Á - TBD và Bắc Mỹ đã ngừng hoạt động các mạng 2G để dành phổ tần triển khai mạng 4G LTE. Những gương mặt có thể kể tới là nhà mạng Softbank, NTT, KDDI (Nhật), 3 và Smartone (Macao), AIS (Thái Lan)...
​ Các nhà mạng đã ngắt sóng hoặc lên kế hoạch ngắt sóng mạng 2G, 3G
​ Các nhà mạng đã ngắt sóng hoặc lên kế hoạch ngắt sóng mạng 2G, 3G
Tuy nhiên, cũng không ít nhà mạng lại quyết định vẫn giữ mạng 2G và ngắt sóng 3G trước. Ví dụ như KT (Hàn Quốc); CTM (Macao); TrueMove (Thái Lan); StarHub, M1(Singapore)... Năm 2015, tổ chức GSMA Intelligence có tổ chức một cuộc khảo sát về vấn đề này với một nhóm gồm 18 tập đoàn viễn thông lớn đến từ 10 nước thành viên châu Âu, đại diện cho 106 nhà mạng đến từ 90 quốc gia trên toàn thế giới (chi nhánh của nhà mạng ở các quốc gia khác). Kết quả cho thấy phần lớn trong số này đều dự định sẽ tắt sóng mạng 3G trước, mạng 2G sẽ được giữ lại tiếp tục sử dụng.
 
Nguyên nhân của quyết định này là do dù hiện tại phần lớn thuê bao di động của các nhà mạng đã chuyển lên sử dụng dịch vụ 3G, 4G song mạng 2G vẫn đang được sử dụng để cung cấp một lượng lớn các dịch vụ kết nối máy-máy (M2M) và đang đem lại phần doanh thu tương đối cho các nhà mạng. Các hợp đồng cung cấp dịch vụ M2M thường có thời hạn rất dài (theo hết vòng đời của các thiết bị được kết nối, thường kéo dài từ 5-30 năm). Việc thay thế thiết bị từ hỗ trợ kết nối trên nền mạng 2G sang hỗ trợ kết nối 3G là điều tốn kém và không khả thi.
 
Thêm vào đó, việc chuyển chuyển thuê bao từ mạng 3G sang mạng 4G có phần dễ dàng hơn so với việc chuyển thuê bao từ mạng 2G sang 4G bởi nhu cầu dịch vụ của người dùng có sự thay đổi đáng kể giữa 2G và 4G. Những thuê bao có nhu cầu sử dụng các dịch vụ dữ liệu, video...thì đã chuyển từ 2G lên 3G khi nhà mạng triển khai các mạng 3G. Phần lớn các thuê bao chưa chuyển đổi này cũng ít có nhu cầu đổi máy điện thoại nên nếu chuyển họ lên 4G sẽ đồng nghĩa với việc sẽ phải hỗ trợ điện thoại cho họ. Còn những thuê bao đang sử dụng 3G, phần lớn họ đang sử dụng smartphone và đã hỗ trợ cả 4G nên tỷ lệ phải hỗ trợ điện thoại sẽ rất thấp.
 
Việt Nam: Chọn tắt sóng 2G trước hay 3G trước?
 
Ngay sau khi bắt tay triển khai thử nghiệm cung cấp dịch vụ LTE vào cuối năm ngoái, Viettel đã kiến nghị Bộ TT&TT về việc lên kế hoạch ngắt sóng mạng 2G để dành băng tần cho việc triển khai 4G và sau này là 5G. Các nhà mạng khác cũng cho biết việc ngắt sóng mạng 2G là điều tất yếu song vào thời điểm nào thì còn phụ thuộc vào thuê bao.
 
Như vậy, tới thời điểm này, các nhà mạng trong nước đang có vẻ lựa chọn sẽ ngắt sóng 2G trước. Tới thời điểm này, đây là một quyết định hợp lý bởi hiện các dịch vụ M2M trên mạng 2G của các nhà mạng chưa được phổ biến nên ít sự ràng buộc. 
 
Điều khó nhất đối với các nhà mạng trong nước là làm sao chuyển đổi thuê bao lên mạng 3G, 4G khi tỷ lệ thuê bao sử dụng mạng 2G đang còn quá lớn. Theo số liệu thống kê của Bộ TT&TT, tính tới cuối năm 2015, Việt Nam có 84,5 triệu thuê bao 2G, tương ứng với khoảng 70% tổng số thuê bao di động cả nước. Chính vì vậy, quan trọng nhất hiện nay là xác định thời điểm nào là hợp lý, hài hòa giữa chi phí nhà mạng phải bỏ ra để hỗ trợ thuê bao đổi thiết bị đầu cuối và băng tần được giải phóng sớm để đưa vào sử dụng.
 
Thời điểm đang được đề xuất là vào năm 2025, khi mà số lượng người dùng LTE đã tương đối cũng như 5G bắt đầu trở nên phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, cơ quan quản lý hiện chưa lên tiếng về vấn đề này.
 
Theo Xahoithongtin.com.vn

Ý kiến bạn đọc