Nhật ký chuyên văn tuổi 17 gây chấn động giới học sinh

10:16, 16/06/2015
|

(VnMedia) Cái tên sách “ Nhật ký chuyên Văn - Ông thầy, 3 con chim quý và 23 con bìm bịp ” dễ làm người ta liên tưởng tới các loại tập san nhớ bạn, nhớ thầy vốn đang thịnh. Và rất dễ bỏ qua. Hóa ra không phải nếu bạn đọc kỹ…

Nhật ký chuyên Văn không được viết ra để "cúng cụ" về thương hiệu có tiếng, trường chuyên Hà Nội - Amsterdam . Chuyện về trường chuyên lớp chọn và bọn học sinh giỏi có thể đã dễ khiến người đọc tò mò. Nhưng sức hấp dẫn lại là những góc khuất của một nhóm học sinh củatrường này. Sức sống của nó nằm ở những trang nhật ký đầy ắp sự kiện, đầy ắp những quan sát tỉ mỉ và sâu sắc nên đương nhiên, sách trở thành thước phim ghi lại trung thực nhất một thời chưa xa.

  Ảnh minh họa
 

Đó là Hà Nội của những năm 1992 - 1995. Không khí tẻ nhạt, khuôn sáo của thời bao cấp vẫn còn hiện hữu đâu đây nhưng những luồng gió mới đã bắt đầu thổi tới các ngõ ngách học đường. Thế nên, những đứa học trò một mặt vẫn bị áp lực “con ngoan trò giỏi” , một mặt không ngừng khao khát hướng ngoại và thèm khát phá cách. Và chúng đã nổi loạn trong-khuôn-khổ-cho phé: tổ chức đám cưới “đồng tính”, bỏ học tập thể đi chơi, tổ chức vũ hội khi mới ty toe vào trường…

Đó là ngôi trường của những học sinh đi thi học sinh giỏi cấp quốc gia, thi Olympic nhưng cũng rất giỏi bóng ném, bóng rổ và được tự do đeo bị cói đến trường, của những thày cô giáo không nhìn học sinh như một lũ cứng đầu cần nghiêm trị mà là những người bạn đồng hành. Những thày cô dạy học sinh khiêu vũ sau giờ giảng, và thầy trò cùng nhau khám phá thế giới ở Cúc Phương, Tam Đảo, Nhà thờ đá Ninh Bình, bãi giữa sông Hồng.

Sách không có một cốt truyện cụ thể, không có tuyến nhân vật chính nhân vật phụ, chính bút lực của những đứa trẻ 16, 17 tuổi tài hoa- giàu mộng mơ, giàu nỗi niềm và cá tính đã khiến Nhật ký chuyên Văn thoát xác các loại tập san, kỷ yếu và vững vàng trở thành một tác phẩm văn chương.

Các học sinh Ams như lớp Văn khóa 92-95 (là tác giả cuốn Nhật ký chuyên Văn) đã sống vì những điều khác, vui hơn và đầy tình cảm học trò. Cái thời mà đến lớp là đương nhiên tham gia các hoạt động tập thể, thời mà chính “ông thầy” – tức thầy Chủ nhiệm dạy môn chuyên – đã viết trong lời tựa: “Có nhiều đoạn Nhật ký viết rất hài hước mà rất lâu sau, khi đọc lại,ông thầy mới nhận ra trong đó có ẩn chứa một tố chất rất đáng quý ở lớp trẻ: Óc khôi hài. Hài hước chính là sản phẩm của một trí óc khỏe mạnh, giàu tính sáng tạo mà những người làm công tác giáo dục nên biết nâng niu trân trọng”.

Như một phần đời của bất kỳ ai đã sống, “Nhật ký chuyên Văn” chính là không khí Hà Nội 20 năm trước đầy trong trẻo và hồn nhiên, cái thời trẻ con đi ra phố và đến trường như một niềm vui bất tận. Không chỉ là câu chuyện của một lớp học đặc biệt, nó là tiếng nói chân thật của một thế hệ.

Sức lan tỏa và giá trị của sách nằm ở những nhận thức đầy bản lĩnh, những trăn trở về cuộc sống, những tự vấn bất ngờ trên hành trình khám phá bản thân của một thế hệ. Những con người trẻ của hai mươi năm trước hiện lên ngay ngắn, đàng hoàng, chan hòa và đầy nhân văn. Đó là những đứa trẻ ở tuổi mới lớn biết tự vấn bản thân, biết trăn trở, day dứt để ngày càng hoàn thiện hơn, để định hình được cái tôi cá tính và bản lĩnh của bản thân. Đó là tình thầy trò thân thiết đến tri ân tri kỷ, trở thành dấu ấn tuổi hoa niên được khắc ghi, lưu giữ mãi đến những năm về sau.

Vậy nên, bất kỳ ai cũng có thể bắt gặp bóng dáng mình trong câu chuyện của những cô cậu chuyên Văn đó, thấy một phần đời hoặc một phần tâm hồn mình trong sách. Đọc Nhật ký chuyên Văn để thấy tâm hồn tươi mới, trân trọng những bài học cuộc sống cho những thế hệ tiếp nối.


Đinh Hằng

Ý kiến bạn đọc