Cầu vồng không sắc: Tận cùng bi kịch “yêu đồng tính”

12:26, 17/03/2015
|

(VnMedia) - Hai anh em trai yêu nhau, mẹ ra sức ngăn cản, cấm đoán đến độ đuổi người anh ra khỏi nhà, người em bấn loạn chạy theo tiếng gọi tình yêu, băng qua đường khi xe tải đang lao đến, người anh vì cứu em đã bị ô tô đâm chết, đó là cái kết bi thảm của mối tình đồng tính trong phim Cầu vồng không sắc.

>> Phim Việt tấn công màn ảnh nhỏ
>> Phim đồng tính khuấy đảo phim Việt

Ảnh minh họa


Hình ảnh trong phim đẹp như MV ca nhạc


Những năm gần đây, điện ảnh Việt Nam bắt đầu khai thác đề tài đồng tính, bắt đầu một cách “chính thức” là phim Những cô gái chân dài của Vũ Ngọc Đãng. Và vẫn là Vũ Ngọc Đãng gần 10 năm sau, anh làm phim đồng tính một cách chân thật hơn, khai thác tương đối sắc nét trong phim “Hot boy nổi loạn”, ở thời điểm đó, nhiều khán giả xem đến cảnh hai chàng trai trần truồng trên giường thì có người hét lên “ghê quá”, có nhiều cô gái bịt mồm, bịt mắt rúc vào vai người yêu… Tuy nhiên, đến nửa cuối năm 2014, khi phim Lạc giới của Phi Tiến Sơn ra rạp, cả khán phòng đã gần như im lặng theo dõi câu chuyện tình éo le của các nhân vật trong phim, nhiều khán giả đã khóc thương cho những thân phận bất hạnh ấy, đó chính là sự thay đổi về góc nhìn của người bình thường đối với những người đồng tính. Phim Lạc giới, không chỉ đạt về ngôn ngữ nghệ thuật mà còn mang đến cho khán giả một thông điệp nhân văn và tương đối rõ ràng. Đây cũng chính là lý do mà Lạc giới (cùng với Hương ga và Những đứa con của làng) đoạt Cánh diều Bạc (không có Cánh diều vàng) ở giải thưởng Cánh diều 2015 vừa diễn ra cách đây ít ngày.

Ngoài Lạc giới và Hotboy nổi loạn khai thác khá rõ ràng về vấn đề đồng tính, còn lại nhiều phim khác “ăn theo” để gây thu hút, hoặc lấy chuyên đồng tính ra để làm trò cười, hoăc sex đồng tính để câu khác… những bộ phim như vậy không những không làm cho người dị tính thông cảm hơn với người đồng tính, mà ngược lại, có thể làm họ sẽ càng mất thiện cảm với những người thuộc giới tính thứ ba.

Ảnh minh họa


Dàn mẫu nam tham gia vai quần chúng trong phim


Những điều này đã được giải đáp trong phim Cầu vồng không sắc của đạo diễn trẻ Nguyễn Quang Tuyến vừa ra mắt báo chí tối qua 16/3 ở cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một bộ phim tâm lý với cảnh quay đẹp, xử lý màu sắc phim rất trẻ trung và hợp với xu hướng phim giải trí dành cho giới trẻ hiện hiện nay. Phim kể về câu chuyện tình đầy nước mắt giữa hai anh em trai Hùng và Hoàng. Hoàng và cô em gái tên Lan được sinh ra trong một gia đình giàu đó, khi họ tầm 6-7 tuổi thì bố mẹ Hoàng nhận nuôi một cậu bé tên Hùng. Cậu bé này lớn tuổi hơn Hoàng nên được làm anh cả. Trong suốt quá trình tuổi thơ gắn bó, Hùng và Hoàng luôn bên nhau như hình với bóng, khi bắt đầu bước vào tuổi yêu, trớ trêu thay, họ lại yêu nhau thay vì đi tìm hạnh phúc nơi những cô gái như các chàng trai khác. Mọi câu chuyện bắt đầu từ đây và đỉnh điểm là sự ngăn cấm quyết liệt của người mẹ dẫn đến cái chết bi thảm của Hùng. Câu chuyện có một cái kết buồn nhưng vẫn le lói tia hi vọng về một cuộc thay đổi góc nhìn của xã hội về vấn đề đồng tính, bởi thông điệp mà bộ phim Cầu vồng không sắc đưa ra, đó chính là: Đồng tính không phải một dạng bệnh lý, và vì thế không thể nào “chữa bệnh” được. Chúng ta cần đối diện với nó và nên cảm thông, chia sẻ.

Cầu vồng không sắc được thực hiện bởi một ekip trẻ. Dĩ nhiên, trẻ thì sẽ nhiều sáng tạo, táo bạo vì thế, đây là môt bộ phim mang một cái nhìn cực kỳ chân thật, rõ ràng, thậm chí đầy “khốc liệt” về một câu chuyện tình đồng tính. Những nút thắt, kịch tính, cao trào và cách giải quyết vấn đề rất mạnh mẽ, tận cùng và đôi khi trần trụi khiến bộ phim mang lại cảm xúc rất mạnh và rất chân thực cho khán giả. Đạo diễn Nguyễn Quang Tuyến là cái tên rất mới trong làng điện ảnh, và ngay cả siêu mẫu Vũ Tuấn Việt (vai Hùng) và đặc biệt là MC Thanh Tú (vai Hoàng) đều là những nghệ sỹ mới bước chân vào làng điện ảnh nhưng ngay lập tức tạo dấu ấn tốt cho công chúng. Ở trong phim này, đạo diễn Nguyễn Quang Tuyến đã khai thác triệt để sự “lầm lỳ” toát ra từ gương mặt của Vũ Tuấn Việt để thể hiện sự giằng xé nội tâm trong một anh chàng luôn phải giấu diếm bản thân, hay như Mc Thanh Tú vào vai Hoàng – một anh chàng ngây thơ trong sáng chỉ biết yêu hết mình và quên tất cả, Hoàng thể hiện tình yêu theo đúng bản năng mà không cần phải giữ gìn, vì thế Thanh Tú đã diễn vô cùng nhập vai bởi ngoại hình, gương mặt cả phong cách của anh cũng rất hợp với nhân vật, đây chính là ưu điểm khiến cho vai diễn của Thanh Tú để lại ấn tượng vô cùng sâu đậm và chắc chắn anh sẽ là một cái tên “hot” trong làng diễn viên trẻ sau bộ phim này.

Ảnh minh họa


MC Thanh Tú đã có vai diễn phim nhựa đầu đời rất xuất sắc


Ở Cầu vồng không sắc, một điểm khen ngợi nữa là nhạc phim. Châu Đăng Khoa cũng là một nhạc sỹ mới và trẻ tuổi nhưng khá tài năng. Nhiều bài hát của anh trở thành “hit” của một số ca sỹ trẻ, anh cũng từng có ca khúc lọt vào Bài hát Việt. Trong phim này, Châu Đăng Khoa đã sáng tác bài hát chủ đề rất ấn tượng và rất phù hợp với không khí phim, vì thế, ca khúc này chính là chất xúc tác mạnh mẽ góp phần đẩy cảm xúc của khán giả lên đến đỉnh điểm ở đoạn Hùng và Hoàng hát trong Lễ hội halowen và đoạn cuối cùng khi người cha chơi bản nhạc quen thuộc của hai người.

Thực ra, Cầu vồng không sắc cũng còn khá nhiều điều phải “tút tát” lại như đạo diễn hơi tham phần hình ảnh, một số hình ảnh thừa, chi tiết đôi khi bị dàn trải, hơi bị lạm dụng lfycam hoặc Thanh Tú diễn đôi lúc hơi “thái quá”… tất cả những điều này chắc chắn sẽ được rút kinh nghiệm ở những bộ phim sau, bởi họ còn rất trẻ.

Bỏ qua những lỗi về chuyên môn có thể chấp nhận được, thì Cầu vồng không sắc đã đạt được 2 yếu tố rất quan trọng của một bộ phim, đó là Cảm xúc và Thông điệp truyền tải đến khán giả. Vì thế, đây là một bộ phim tâm lý tình cảm đáng xem và rất đáng được trân trọng bởi những gì mà ekip đã dày công làm nên, đặc biệt là thông điệp nhân văn mà phim mang tới cho khán giả, đó là: Đồng tính không phải là bệnh và chúng ta nên đối diện với nó, và xã hội nên có cái nhìn cảm thông và chia sẻ với những người đồng tính.


Tùng Huy

Ý kiến bạn đọc