Giải thưởng điện ảnh Việt: Vì sao kém hấp dẫn?

18:10, 30/04/2013
|

(VnMedia) - Cánh diều, Bông sen là những giải thưởng “tổng kết” lĩnh vực, giống tính chất của Oscar, Bafta, Cesar, Grammy… ở nước ngoài, hay Cống hiến, Mai Vàng, HTV Awards… ở Việt Nam. Vì thế, lối tổ chức theo kiểu những liên hoan phim quốc tế, hay những cuộc thi sáng tác trong nước thực sự bất hợp lý.

>> Cánh diều: 10 năm vẫn chưa chuyên nghiệp
>> Cánh diều bay mãi chưa thoát kiếp nghiệp dư!

Trong vô số các cuộc thi, giải thưởng đang nở rộ trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn hiện nay, có 2 dạng.

Thứ nhất là những cuộc thi tìm kiếm tài năng như Sao Mai Điểm hẹn, Bài hát Việt, VietNam Idol, VietNam’s got talent, VietNam’s Next Top Model, The Voice, So you think you can dance, Bài hát yêu thích, Master Chef, Project Runway…

Ảnh minh họa

Mang tính chất một kỳ thi cuối năm, cuối khóa, nhưng Cánh diều và Bông sen lại tổ chức theo kiểu thi tuyển sinh đầu vào


Thứ hai là những giải thưởng mang tính tổng kết một lĩnh vực nào đó, như giải âm nhạc Cống hiến, giải diễn xuất HTV Awards (vốn chỉ dành cho khu vực phía Nam), giải thưởng điện ảnh – truyền hình – ca nhạc – sân khấu Mai Vàng (cũng chỉ trong khuôn khổ miền Nam)…

Trong lĩnh vực điện ảnh, nếu LHP quốc tế Hà Nội, LHP ngắn trực tuyến YxineFF, cuộc thi Làm phim 48h và phần nào là Đại hội điện ảnh Việt Nam quốc tế ViFF… có tính chất gần gũi (dù không hoàn toàn giống) dạng thứ nhất, thì Cánh diều, Bông sen thuộc diện thứ hai.

Thế nhưng, cả Cánh diều và Bông sen lại đang có format tổ chức giống như những cuộc thi dạng thứ nhất. Nghĩa là phát động cuộc thi, ngồi nhận đăng ký… chứ không phải chủ động điểm danh, xem xét, đánh giá, phân chia thứ hạng các tác phẩm trong năm.

Cánh diều, Bông sen “kém” ViFF, YxineFF?

Liên hoan phim ngắn trực tuyến YxineFF - cuộc thi phim ngắn lớn nhất lúc này (sau khi giải Cánh diều Vàng phim ngắn được/bị sát nhập vào giải Cánh diều Vàng) không chỉ nhận được những hưởng ứng tích cực của giới underground (không chuyên) mà còn “quyến rũ” không ít dân chuyên nghiệp. Đại hội điện ảnh Việt Nam quốc tế ViFF – sân chơi chung của giới làm phim người Việt trong và ngoài nước cũng tỏa ra một mùi vị hấp dẫn tương tự.

 Ảnh minh họa

Có tầm vóc và vai trò cao hơn, nhưng Cánh diều và Bông sen có phần kém "hấp dẫn" hơn YxineFF, ViFF


Trong khi đó, 2 giải thưởng Cánh diều và Bông sen, dù cả về độ chuyên nghiệp, quy mô, tầm vóc, ý nghĩa và vai trò của nó trong đời sống/lịch sử điện ảnh… xét ra đều hơn, nhưng lại có khoảng cách tâm lý vô hình và hữu hình với không chỉ khán giả, báo giới mà cả một bộ phận người làm phim. Để nhiều người (nói chung là những người gần gũi cộng đồng underground) ngần ngại phô bày sự tự tin hay tự hào khi liên quan.

Điều này không xảy ra trong các lĩnh vực nghệ thuật khác, cả Âm nhạc, Văn học… dù đối tượng (gần gũi) underground ở 2 khu vực này cũng không ít và chẳng kém tài năng, cá tính. Nhìn vào sự hiện diện hớn hở của nhiều gương mặt nổi tiếng và uy tín trong giới nhạc tại buổi họp báo giải Cống hiến, chứng kiến sự tụ hội đông đúc và chan hòa phấn khởi của các đại thụ văn học lẫn cây bút trẻ, và niềm tự hào lấp lánh của những hội viên mới kết nạp trong giải Tổng kết năm của Hội Nhà văn… mới thấy 2 giải thưởng của Điện ảnh – ngành nghệ thuật hấp dẫn nhất, đại chúng nhất vẫn chưa thực sự tỏa sáng như nó hoàn toàn có thể.

Có nhiều lý do về sự kém sắc, kém duyên của Cánh diều rồi Bông sen, từ nào là nhà nghèo ít kinh phí đến nghệ sỹ kém ý thức, từ truyền hình ki-bo sóng đến rạp phim eo hẹp phòng… Thực ra, hầu hết những điều này không khó để giải quyết với hình thức xã hội hóa, nhất là khi lĩnh vực hấp dẫn này gắn bó với các yếu tố ngôi sao, showbiz.

Tuy nhiên, ngay cả khi chưa cần sự rộng tay về kinh phí, 2 giải thưởng điện ảnh này vẫn có thể tăng uy tín, sức lan tỏa và cả sự hấp dẫn bằng chỉ một thay đổi nhỏ trong format tổ chức.

Khi thi học kỳ theo hình thức tuyển sinh

Đó là việc LẬP BẢNG ĐỀ CỬ. Thay vì kêu gọi đăng ký tác phẩm như kiểu phát động cuộc thi sáng tác như hiện nay.

VnMedia đã từng đề cập đến điều này ở giải Cánh diều năm ngoái. Đến nay, thấy điều này không chỉ cần thiết và hợp lý với riêng Cánh diều mà cả Bông sen – tức là LHP quốc gia.

Ảnh minh họa

Trong khi các LHP chỉ công bố các tên phim tham dự thì giải thưởng mang tính tổng kết như Oscar, Bafta... công bố một danh sách đề cử chi tiết ở các hạng mục


Cả hai giải thưởng này đều mang ý nghĩa tổng kết ngành (Cánh diều là trong một năm, còn Bông sen là trong hai năm), có nghĩa là tổng kết, đánh giá thành tựu, hoạt động của một lĩnh vực trong một thời gian nhất định. Chúng khác với một liên hoan phim quốc tế (Cannes, Venice, Berlin… cho tới Tokyo, Thượng Hải, Bangkok… hay HANIFF) là nơi mà người ta tìm kiếm và giới thiệu những tác phẩm mới.

Nói cách khác, trong khi Oscar, Bafta, Cesar hay Grammy được tổ chức trên cơ sở đã biết về những đối tượng được đánh giá. Thì Cannes, Venice, Berlin… khán giả và thậm chí giám khảo không biết về đối tượng dự giải trước khi nó xuất hiện.

Vì thế, trong khi Oscar, Bafta, Cesar… đưa ra một hệ thống bảng đề cử cho từng hạng mục thì Cannes, Venice, Berlin… chỉ công bố những cái tên phim. Chả thế mà trong khi Oscar đòi tiêu chuẩn chiếu đã thương mại ít nhất 1 tuần đối với các phim Mỹ thì Cannes, Venice, Berlin… lại đòi tiêu chuẩn chưa từng được chiếu hoặc trên toàn thế giới, hoặc toàn châu Âu (tức là phải hoàn toàn mới với khán giả).

Ở Việt Nam, trừ LHP quốc tế Hà Nội – HANIFF đúng nghĩa là liên hoan phim, còn cả LHP quốc gia (tức giải Bông sen) và Cánh diều đều mang tính chất một giải tổng kết ngành.

Vậy mà bao lâu nay, chúng vẫn được tổ chức như kiểu một liên hoan phim. Có khác là các LHP quốc tế, người ta có công đoạn sơ loại tác phẩm trước khi chốt danh sách tham gia, thì ở cả Cánh diều và Bông sen, có bao nhiêu tác phẩm đăng ký thì bấy nhiêu cùng được vào dự thi.

(Tiếp: Từ Cống hiến, Mai Vàng nhìn sang Cánh diều)


Lan Anh

Ý kiến bạn đọc