Túi bánh rán giá 700.000 và hành động xấu xí của người Việt!

17:43, 04/06/2017
|

Phải mua túi bánh rán giá 700.000 đồng, trả tới 7 triệu đồng cho một con mực, 900.000 đồng cho một lần đánh giày hay 300.000 đồng/bát phở… là những sự việc khiến du khách nước ngoài có ấn tượng chưa đẹp khi đến với Việt Nam. Vì lợi trước mắt, những hành động xấu xí này có thể làm du khách “một đi không trở lại”.

Xấu hổ với hành động của người bán hàng!

Chia sẻ với phóng viên, chị Thu Anh (làm việc tại một cửa hàng trên phố Lý Quốc Sư, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, rất bất ngờ khi câu chuyện “khách tây bị ép mua bánh rán với giá cắt cổ” của mình lại nhận được sự quan tâm của dư luận như vậy. Theo chị, sự việc xảy ra vào ngày 1.6 trên phố Lý Quốc Sư (Hà Nội).

Câu chuyện vị khách nước ngoài mua túi bánh rán giá 700.000 đồng vẫn đang được chia sẻ trên mạng xã hội. Ảnh: Thu Anh.
Câu chuyện vị khách nước ngoài mua túi bánh rán giá 700.000 đồng vẫn đang được chia sẻ trên mạng xã hội. Ảnh: Thu Anh.

“Người khách bước vào cửa hàng tôi với thái độ rất tức giận, trên tay còn cầm túi bánh rán. Tôi bán hàng ở khu vực phố cổ đã lâu và chứng kiến rất nhiều trường hợp khách nước ngoài bị chặt chém giá trên trời. Bởi vậy, khi thấy thái độ của vị khách, tôi và các nhân viên khác trong cửa hàng biết ngay là bà ấy vừa bị ép mua bánh rán” – chị Thu Anh chia sẻ.

Khi chị hỏi vị khách mua chỗ bánh đó với giá bao nhiêu, như được cởi lòng, vị khách đã kể lại đầu đuôi sự việc, với sự bức xúc, giận dữ.

Cũng theo chị Thu Anh, vị khách đó nói bà không hề có ý định mua bánh rán, nhưng người bán hàng cứ đi theo, dí túi bánh rán vào mặt bà. Khi bà lấy ví ra thì người bán hàng đã tự thò tay vào ví để rút 2 tờ tiền (mệnh giá 500.000 đồng và 200.000 đồng), rồi đưa cho bà túi bánh rán, sau đó bỏ đi trong sự ngỡ ngàng của vị khách.

“Sau khi nghe câu chuyện túi bánh rán của vị khách Tây, là một người Việt, tôi thấy rất xấu hổ, hổ thẹn thay cho người bán hàng. Hành động đó như là ăn cướp vậy. Không biết nói gì, tôi chỉ biết khuyên vị khách rằng, ở Việt Nam khi bạn đi ra đường, có mua hàng gì cũng phải hỏi giá tiền trước và phải hết sức cẩn thận với mấy bà bán tăm, hoa quả, kẹp tóc, bánh rán ven đường", chị Thu Anh kể lại.

Mong cơ quan chức năng rốt ráo xử lý

Chị Thu Anh cũng cho biết thêm, trường hợp “vị khách Tây bị ép mua túi bánh rán với giá 700.000 đồng” chỉ là điển hình trong nhiều sự việc chị đã chứng kiến.

Cách đây không lâu, chị cũng bối rối khi biết một vị khách người Hàn Quốc phải trả số tiền 600.000 đồng khi cho việc di chuyển khoảng 5km ở Hà Nội. Đặc biệt, hôm đó là ngày đầu tiên ông đến Việt Nam nên việc đã bị “chặt chém” như vậy đã khiến ông từ kinh ngạc chuyển sang giận dữ.

Thỉnh thoảng, những câu chuyện về việc ăn bát phở giá vài trăm nghìn, mua con mực giá vài triệu... lại làm nóng dư luận. “Hãy trả lại văn minh cho Hà Nội” – chị Thu Anh kêu gọi mỗi người dân Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng ý thức hơn trong mỗi hành động của mình.

Việc bán hàng kiểu này chỉ là lợi trước mắt, còn hệ lụy của nó rất lớn. Nếu một vị khách có ấn tượng không tốt, họ sẽ kể cho nhiều người, người nọ kể cho người kia.

“Khi thấy người bán hàng rong chèo kéo khách, chúng tôi đều chạy từ cửa hàng ra để nói những người bán hàng đó không được làm vậy. Có người bỏ đi, có người thì mắng chửi lại chúng tôi. Mong các cơ quan chức năng vào cuộc để xử lý nghiêm hành vi này, tránh ảnh hưởng xấu đến hình ảnh con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế", chị Thu Anh nhấn mạnh.

Thời gian qua, nhiều câu chuyện về hình ảnh xấu xí của người Việt Nam được các khách Tây chia sẻ trên nhiều diễn đàn. Người nước ngoài thậm chí còn rỉ tai nhau rằng, du lịch ở phố cổ Hà Nội, hay đến Việt Nam, nên tránh xa mấy người bán hàng rong, để không phải mua đồ giá cắt cổ, cũng như tránh bị móc túi. Cảnh giác hơn, thay vì đeo sau lưng, họ lại đeo balô về phía trước ngực để tránh bị mất đồ.

Đọc những lời chia sẻ đó, là người dân Việt Nam ai nấy đều thấy buồn và xấu hổ. Trong khi chúng ta đổ rất nhiều tiền của để quảng bá du lịch thì chỉ một hành động không đẹp đã đổ đi công sức của rất nhiều người.

(Theo Lao Động)


Ý kiến bạn đọc