Khả năng rất cao vi rút Ebola lây sang Việt Nam

17:04, 20/10/2014
|

(VnMedia) -  Theo thông tin của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tình hình dịch bệnh do vi rút Ebola hiện nay tiếp tục diễn biến rất phức tạp; số trường hợp mắc bệnh và tử vong tiếp tục gia tăng. Tính đến ngày 17/10/2014 đã ghi nhận 9.284 trường hợp mắc, trong đó 4.604 tử vong tại các quốc gia.

Cụ thể:

 

Guinea :1.519 trường hợp mắc, trong đó 862 trường hợp tử vong

Liberia : 4.262 trường hợp mắc, trong đó 2.484 trường hợp tử vong

Sierra Leone : 3.410 trường hợp mắc, trong đó 1.200 trường hợp tử vong

Nigeria : 20 trường hợp mắc, trong đó 08 trường hợp tử vong

Senegal : 01 trường hợp mắc, 0 trường hợp tử vong

USA : 03 trường hợp mắc, 01 trường hợp tử vong

Tây Ban Nha:01 trường hợp mắc, 0 trường hợp tử vong

D.R.Congo: 68 trường hợp mắc, trong đó 49 trường hợp tử vong

 

Trong 3 tuần qua số mắc mới và tử vong tăng gần gấp đôi đặc biệt lại tại 3 quốc gia Guinea, Liberia, Serra Leone.Hiện đã ghi nhận sự lan truyền dịch bệnh sang các quốc gia ngoài khu vực châu Phi, cụ thể: tại Mỹ ghi nhận 2 trường hợp mắc bệnh, Tây Ban Nha ghi nhận 1 trường hợp. Cả 3 trường hợp trên đều là nhân viên y tế và bị lây nhiễm tại cơ sở y tế trong quá trình chăm sóc bệnh nhân Ebola tại bệnh viện. Cho đến nay, số nhân viên y tế mắc bệnh Ebola lên tới 431 người và 244 người đã tử vong.
 

Ứng phó đối với dịch bệnh Ebola ở các nước trên thế giới

 

Tại Mỹ: Tăng cường áp dụng các biện pháp sàng lọc hành khách đi và đến tại các sân bay lớn và áp dụng quy trình giám sát người nhập cảnh từ các nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh do vi rút Ebola. Các cơ sở y tế áp dụng biện pháp kiểm soát và phòng chống nhiễm khuẩn tại bệnh viện. Cơ quan phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ phối kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các ban ngành liên quan, sân bay, y tế và các đối tác khác nhằm hỗ trợ triển khai sàng lọc hành khách và khuyến cáo người dân hạn chế đi tới các nước đang có dịch.

 

Ngày 9/10/2014, Australia, Anh đều tuyên bố tăng cường hệ thống nhằm giám sát chặt chẽ những du khách đến đi bằng đường biển, hàng không từ châu Phi và những người nghi nhiễm virus Ebola.

 

Tại Singapore : Thực hiện các biện pháp giám sát đối với du khách nhập cảnh ở nhiều sân bay quốc tế. Công dân và du khách đến từ những nước bị ảnh hưởng dịch bệnh Ebola được đưa trực tiếp tới các điểm kiểm tra thân nhiệt trước khi hoàn tất thủ tục nhập cảnh. Áp dụng tờ khai y tế tại các cửa khẩu đường hàng không, đường bộ và đường thủy; cảnh báo những trường hợp nghi ngờ nhiễm vi rút Ebola, tiến hành các biện pháp ngăn chặn lây nhiễm chặt chẽ, đặc biệt ở bệnh viện công. Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân không nên tới những nước có dịch Ebola cũng như có các biện pháp phòng ngừa nếu phải đến đó.

 

Cộng hòa Séc và Cộng hòa Maldivesvà nhiều quốc gia khác đã áp dụng các biện pháp kiểm tra thân nhiệt tại các sân bay quốc tế.

 

Ngày 16/10/2014, các quan chức y tế của các nước EU đã nhóm họp tại Bỉ và kêu gọi tăng cường các biện pháp sàng lọc đối với hành khách đến từ các nước Tây Phi.


 Ảnh minh họa

 GS. TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo


 

Vi rút Ebola và khả năng lây lan vào Việt Nam rất cao

 

Bộ Y tế nhận định dịch bệnh do vi rút Ebola là bệnh có tốc độ lây lan nhanh và có tỉ lệ tử vong cao (tỉ lệ tử vong hiện tại là 50%),WHO đã công bố dịch bệnh Ebola tại Tây Phi là tình trạng khẩn cấp đối với sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế, dịch bệnh đã lan truyền ra ngoài khu vực châu Phi.

 

Có 2 quốc gia Tây Phi là Senegal và Nigeria (ghi nhận các trường hợp nhiễm Ebola sau khi trở về từ Sierra Leone và Liberia) đã qua 42 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới Ebola, WHO đã thông báo 2 quốc gia này đã hết dịch bệnh Ebola. Mặc dù vậy, WHO cũng dự báo rằng nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống lây lan trong thời gian tới đặc biệt là tại 3 quốc gia Guinea, Liberia và Sierra Leone thì dịch bệnh còn có thể diễn biến gia tăng mạnh (khoảng 10.000 mắc/tuần).

 

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, đến nay, Việt Nam chưa xuất hiện trường hợp nhiễm virus Ebola. Tuy nhiên, do Việt Nam có nhiều công dân sống và làm việc tại những quốc gia có dịch nên khả năng lây nhiễm rất cao qua người lao động về nước hoặc hành khách nhập cảnh từng qua vùng có dịch.

Việt Nam có 4 cơ sở có thể xét nghiệm Ebola
 

Hiện nay, Việt Nam đã có đủ khả năng xét nghiệm xác định vi rút Ebola. Bộ Y tế đã xây dựng quy trình xét nghiệm sàng lọc vi rút Ebola dựa trên các hướng dẫn của WHO và CDC và đã tiến hành thẩm định phòng xét nghiệm của các Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh và Bệnh viện các bệnh nhiệt đới Trung ương. Tới nay, các Viện/Bệnh viện nói trên đã có thể tiến hành xét nghiệm xác định Ebola.

 

Các Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh chủ động hợp tác với các phòng xét nghiệm đã được Tổ chức Y tế thế giới công nhận để nâng cao năng lực, trợ giúp kỹ thuật cũng như hỗ trợ cung cấp các sinh phẩm chẩn đoán tác nhân gây bệnh; Đồng thời các Viện có trách nhiệm hỗ trợ cho phòng xét nghiệm của các địa phương trong việc lấy mẫu, vận chuyển mẫu theo đúng quy định đối với bệnh do vi rút Ebola.

 

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương, của các tổ chức quốc tế, các hoạt động sẵn sàng, ứng phó, phòng chống dịch bệnh do vi rút Ebola không để lan truyền vào Việt Nam đã được thực hiện hiệu quả, cơ bản đã đáp ứng được các tiêu chuẩn, khuyến cáo của WHO. Mặc dù Việt Nam đang ở giai đoạn 1 của Kế hoạch hành động phòng chống Ebola (chưa có ca bệnh xâm nhập), song cần kích hoạt và triển khai tích cực một số hoạt động của giai đoạn 2 nhằm tiếp tục chủ động giám sát phát hiện kịp thời, phòng chống lây lan và xử lý hiệu quả trong trường hợp ghi nhận ca bệnh xâm nhập.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc