Báo động trẻ vị thành niên phá thai, sinh con

07:11, 25/09/2014
|

(VnMedia) -  Tại Việt Nam, tỷ lệ phá thai ở tuổi vị thành niên chiếm tới 20% tổng số ca phá thai. Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ tuổi vị thành niên sinh con ở nước ta cũng cao gấp nhiều lần so với các nước trong khu vực.

Theo đó, tỷ lệ sinh con ở tuổi vị thành niên tại Việt Nam (nhóm từ 15-19) là 46/1.000, cao hơn nhiều so với các quốc gia khác ở Châu Á. Như tại Myanma tỷ lệ này 17,4, Malaysia với tỷ lệ 12 và Singapore với tỷ lệ là 5,2. Đáng nói, tỷ lệ sinh con ở tuổi vị thành niên đặc biệt cao ở nhóm dân số có trình độ học vấn thấp, mức sống thấp, các nhóm dân tộc thiểu số, nhóm dân cư khu vực nông thôn


Sinh con ở độ tuổi 15-19 có thể có những rủi ro như: sinh non, sinh nhẹ cân, thai lưu và chết sơ sinh cao hơn. Trẻ sinh ra từ các bà mẹ này cũng có nguy cơ tử vong cao hơn so với các bà mẹ trên 20 tuổi. Ngoài ra, nguy cơ tử vong do thai sản đối với các bà mẹ trong nhóm này cũng cao. Cả 3 trẻ sơ sinh tử vong mới đây tại Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn (Quảng Nam) trong cùng một ca trực đều được sinh từ các bà mẹ chỉ 17 tuổi. Cơ quan chức năng xác định 3 bé tử vong là do bệnh lý.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng trên là vấn đề tảo hôn và quan hệ tình dục trước hôn nhân. Điều tra quốc gia vị thành niên và thanh niên lần thứ 2 mới đây cho thấy khoảng 44% thanh niên và vị thành niên trong độ tuổi 14-25 chấp nhận quan hệ tình dục trước hôn nhân, trong khi nhóm tuổi này còn thiếu thông tin và kỹ năng sống liên quan đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục. Nhu cầu tránh thai chưa đáp ứng được cao nhất trong lứa tuổi vị thành niên 15-19.

Tại Việt Nam, thanh niên từ 10 đến 30 tuổi chiếm khoảng 40% dân số. Thực tế, những chương trình sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình dành cho nhóm này hầu như rất ít. Điều này khiến họ dễ bị tổn thương, dễ bị mang thai ngoài ý muốn, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV, bị lạm dụng tình dục và bạo lực giới. Theo thống kê của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300.000 ca nạo hút thai ở độ tuổi này - chiếm khoảng 20% tổng số ca phá thai.

Ông Mai Xuân Phương, Phó vụ trưởng Truyền thông Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình chia sẻ: "Tôi từng đi đến nhiều khu chế xuất tại Bình Dương, Đồng Nai…, những điểm nóng về sức khỏe sinh sản. Có những bào thai vứt ngay trong nhà vệ sinh, thùng rác, những thanh niên công nhân làm mẹ đơn thân".

Theo ông Phương, để không xảy ra những sự việc như vậy cần triển khai nhiều biện pháp đồng bộ như: cung cấp kiến thức về sức khỏe sinh sản, các biện pháp tránh thai, dịch vụ tư vấn, nhân rộng mô hình thí điểm chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục cho thanh niên, vị thành niên cả trong và ngoài trường học.

Bà Lưu Thị Hồng, Vụ trưởng Sức khỏe, Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế), cho rằng cần cung cấp kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho trẻ ngay từ khi còn trên ghế nhà trường. Bên cạnh đó, các em cũng cần thay đổi quan niệm về địa điểm tìm kiếm dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, bất kể là cơ sở công hay tư thì đều phải tuân thủ theo quy định.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.


Những hệ lụy

Tỷ lệ phá thai, sinh con ở lứa tuổi vị thành niên tại Việt Nam rất cao. Trong khi đó, sinh con ở tuổi vị thành niên có nhiều rủi ro có thể xảy ra, như nguy cơ sinh non, sinh nhẹ cân, thai lưu và chết sơ sinh cao hơn. Trẻ sinh ra từ các bà mẹ này cũng có nguy cơ tử vong cao hơn so với các bà mẹ trên 20 tuổi. Các bà mẹ vị thành niên có nguy cơ thiếu máu cao gấp 3 lần so với các nhóm máu khác. So với các bà mẹ sinh con khi ngoài 20 tuổi, nguy cơ tử vong do thai sản đối với các bà mẹ trong nhóm tuổi 15-19 cao gấp 2 lần và cao gấp 4 lần đối với nhóm các em gái sinh con dưới tuổi 15.

Khi mang thai ở tuổi vị thành niên dễ dẫn đến các biến chứng do thai nghén như: Dễ bị sẩy thai, đẻ non, nhiễm độc thai nghén, làm tăng nguy cơ tử vong mẹ hoặc làm mẹ quá trẻ, cơ thể chưa phát triển đầy đủ dẫn đến thiếu máu, thai kém phát triển dễ bị chết lưu hoặc trẻ thiếu cân, con suy dinh dưỡng.      

Một số phụ nữ mang thai và sinh con ở độ tuổi vị thành niên đã lập gia đình, tuy nhiên còn một bộ phận đáng kể mang thai là vị thành niên còn rất trẻ, chỉ có 14, 15 hoặc 17 tuổi chưa chồng, mà theo Luật hôn nhân và gia đình quy định tuổi kết hôn là 18 tuổi đối với nữ và 20 tuổi đối với nam, chỉ khi đến độ tuổi này thì việc lập gia đình, mang thai, sinh con mới là hợp pháp. 

Việc nạo phá thai không an toàn, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn và vô sinh trong tương lai, gây nguy cơ tử vong cao; bên cạnh đó, rất nhiều phụ nữ chịu những hậu quả nghiêm trọng về tinh thần sau khi nạo phá thai. 

Đẻ khó do khung chậu chưa phát triển đầy đủ, cần phải can thiệp bằng các thủ thuật và phẫu thuật trong quá trình sinh con. Tỷ lệ mắc bệnh tật và tử vong của trẻ sơ sinh cao hơn nhiều so với các bà mẹ ở tuổi trưởng thành. 
   
Dễ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Trong đó có cả HIV/AIDS. Có thai ở tuổi vị thành niên dẫn đến bỏ học giữa chừng, ảnh hưởng tới tương lai sau này. Việc bỏ học giữa chừng sẽ dẫn tới việc mất các cơ hội có tương lai nghề nghiệp tốt đẹp. Làm mẹ sớm dễ bị căng thẳng, khủng hoảng tâm lý, tổn thương tình cảm và thiếu điều kiện tốt trong cuộc sống. Một số bạn gái có thể rất chán nản và cảm thấy bị cách biệt với gia đình và bạn bè. Những chỉ trích của xã hội không tốt và xấu hổ cho cả hai bạn, nhưng chủ yếu là đối với bạn nữ. 
   
Vì thế, việc cung cấp kiến thức SKSS/TD phải thực hiện ngay khi các em còn ở trên ghế nhà trường. Bên cạnh đó cần xây dựng nhiều hơn nữa các phòng khám thân thiện cho lứa tuổi này. 
 

Minh Hải

Ý kiến bạn đọc