Những trường hợp sẽ không phải đóng viện phí

06:29, 24/05/2014
|

(VnMedia) - Mục tiêu của bảo hiểm y tế (BHYT là) hướng đến sự chia sẻ trong cộng đồng, nhằm đảm bảo an sinh xã hội. Do đó, quan điểm của Bộ Y tế và ban soạn thảo là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia BHYT và đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Bà Tống Thị Song Hương- Vụ trưởng Vụ BHYT- Bộ Y tế, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT lần này đã xây dựng theo hướng gia tăng nhiều quyền lợi của người tham gia BHYT.

Cụ thể: thân nhân của người có công với cách mạng là cha- mẹ đẻ, vợ hoặc chồng liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ, con của liệt sĩ được hưởng 100% chi phí KCB (trước đây là 80%); người thuộc hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số và đối tượng bảo trợ xã hội tăng lên 100% chi phí KCB (trước đây là 95%);

Đồng thời, Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp khám chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến, sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao chi phí lớn, thuốc ngoài danh mục; mở rộng phạm vi thanh toán cho người bị tai nạn giao thông…

Đối với trẻ em dưới 6 tuổi trong việc tham gia BHYT, theo quy định hiện nay, việc cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi chỉ có giá trị sử dụng đến ngày trẻ tròn 72 tháng tuổi. Điều này vừa làm ảnh hưởng đến quyền lợi của trẻ em vừa gây ra phiền hà cho người dân. Để khắc phục những tồn tại này, ban soạn thảo đã mở rộng quyền lợi cho trẻ em bằng quy định: Thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến hết ngày trẻ đủ 72 tháng tuổi. Trường hợp trẻ đủ 72 tháng tuổi mà chưa đến kỳ nhập học thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến ngày 31/9 của năm đó. Cũng liên quan đến quyền lợi của trẻ em, dự thảo Luật đã bổ sung quy định thanh toán BHYT đối với trường hợp trẻ em bị tật khúc xạ, cận thị cần phải can thiệp, điều trị…

Theo bà Hương, một trong những vấn đề liên quan đến chính sách BHYT thu hút sự quan tâm của dư luận là việc dự thảo Luật đã đưa quy định về gói dịch vụ y tế cơ bản sẽ được BHYT chi trả có làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia BHYT hay không; bà Hương nhấn mạnh: Luật BHYT hiện hành quy định phạm vi quyền lợi BHYT đầy đủ, toàn diện, không giới hạn dịch vụ y tế được cung cấp dẫn đến nguy cơ khó kiểm soát được chi phí khám chữa bệnh BHYT.


Kim Thảo

Ý kiến bạn đọc