Mất điện, y tá tiêm nhầm thuốc làm chết 3 trẻ sơ sinh

06:57, 23/05/2014
|

(VnMedia)  - Thiếu tướng Lê Công Dung, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, y tá Nguyễn Thị Thuận vi phạm quy tắc nghề nghiệp tiêm nhầm thuốc Esmeron gây ra cái chết 3 trẻ sơ sinh.

Ảnh minh họa



Sáng 22/5, Công an tỉnh Quảng Trị họp báo công bố sơ bộ quá trình điều tra vụ 3 trẻ sơ sinh tử vong tại Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) xảy ra vào ngày 20/7/2013.

Công an cho biết đã thu thập đầy đủ chứng cứ, theo đó sáng 20/7/2013, y tá Nguyễn Thị Thuận nhận y lệnh của bác sĩ đã viết 3 phiếu tiêm chủng vắcxin viêm gan B rồi đến phòng khám của bệnh viện lấy vắcxin.

Thời điểm này, bệnh viện mất điện nên bà Thuận dùng ánh sáng điện thoại di động để lấy 3 lọ thuốc. Bà Thuận “xạc” thuốc vào 3 bơm kim tiêm đặc chủng rồi lần lượt tiêm cho 3 trẻ sơ sinh.

Ít phút sau, gia đình của 3 trẻ sơ sinh kêu cứu, 2 trẻ được đưa lên phòng đơn nguyên để cấp cứu. Lúc này, bà Thuận nghĩ tiêm nhầm thuốc nên chạy đến tủ lạnh phòng khám lấy hộp đựng 3 lọ thuốc trước đó đã tiêm cho 3 trẻ sơ sinh, đồng thời lấy thêm 3 lọ vắcxin viêm gan B đổ hết thuốc ra rồi bỏ vỏ lọ vào sọt rác, đồng thời vứt vỏ 3 lọ thuốc tiêm nhầm ra gốc cây nhãn ở khoa sản bệnh viện.

Xem hộp thuốc tiêm nhầm, bà Thuận thấy ngoài hộp ghi chữ “Thuốc độc” bằng bút lông, vỏ hộp có in nhãn nhưng không biết tiếng Anh nên bà Thuận không rõ đây là thuốc gì. Bà Thuận vò hộp thuốc vứt ra ngoài cửa sổ rồi bồng trẻ thứ 3 lên phòng đơn nguyên cấp cứu nhưng cả 3 trẻ tử vong.

Kết quả điều tra xác định, thuốc bà Thuận tiêm nhầm là Esmeron - loại thuốc giãn cơ, dùng trong gây mê, thuộc nhóm thuốc độc do bác sĩ gây mê Lê Huỳnh Sơn gửi vào tủ lạnh phòng khám để bảo quản. Trước khi gửi, bác sĩ Sơn đã lấy bút lông viết ngoài vỏ hộp chữ “Thuốc độc”, thời gian gửi từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6/2013.

“Như vậy, việc bị can Thuận tiêm nhầm thuốc Esmeron dẫn đến cái chết của 3 trẻ sơ sinh một phần do thuốc Esmeron được bỏ chung ngăn trong tủ lạnh bảo quản vắcxin viêm gan B, còn nguyên nhân cơ bản là do cẩu thả trong thao tác, không kiểm tra nên lấy và tiêm nhầm”, thượng tá Lê Quang Công, quyền Trưởng phòng Cảnh sát trật tự xã hội cho hay.

Tháng 3/2014, Cơ quan điều tra đã thu giữ 3 vỏ lọ thuốc Esmeron tiêm nhầm ở tình trạng tương đối tốt, trưng cầu giám định Viện Khoa học hình sự về hoạt chất, thành phần chính của Esmeron trong lọ.

“Bị can Thuận ngay từ đầu có hành vi cản trở điều tra, cố tình tiêu hủy chứng cứ”, thượng tá Công nói.

Hiện trường vụ án bị xáo trộn, người gây ra hành vi chính có ý thức tiêu hủy chứng cứ, đối phó với cơ quan điều tra, một số mẫu vật thu giữ được không phải trong vụ án, buộc phải điều tra cẩn thận, tỉ mỉ. Vụ án ở lĩnh vực y tế, liên quan nhiều kết luận khoa học nên Bộ Công an tổ chức hội thảo khoa học để chuyên gia tư vấn, định hướng điều tra.

“Quá trình điều tra diễn ra đúng trình tự, luật định chứ không có tác động từ bên ngoài”, đại tá Trần Đức Việt, thủ trưởng cơ quan điều tra khẳng định. Đại tá Việt bày tỏ sự trăn trở trước cái chết của 3 nạn nhân, nỗi đau của 3 gia đình, chịu nhiều áp lực trước dư luận xã hội đòi hỏi làm rõ, Bộ Y tế yêu cầu sớm chứng minh chương trình tiêm chủng mở rộng thực hiện đúng quy định… nên quá trình điều tra diễn ra rất thận trọng.

Giám đốc sở Y tế Trần Văn Thành thừa nhận việc bà Thuận không tham gia tập huấn tiêm chủng nhưng vẫn được ngành y tế Quảng Trị cấp chứng nhận là sai và cơ quan y tế tiến hành thu hồi chứng chỉ này.

Ông Thành cho biết thêm Esmeron là thuốc giãn cơ trong gây mê, không có chỉ định cho trẻ em. "Dù bệnh viện Hướng Hóa cấp cứu kịp thời nhưng các cháu mới sinh ra, cơ quan hô hấp chưa hoàn chỉnh nên việc cứu sống là rất khó khăn", ông Thành phát biểu.

Tại buổi họp báo, ông Thành một lần nữa chia buồn với gia đình nạn nhân, xem đây là nỗi đau của ngành y tế và “xin nói lời xin lỗi trước gia đình và nhân dân”.

Bà Nguyễn Thị Thuận, 50 tuổi, trú thị trấn Khe Sanh (huyện Hướng Hóa), tốt nghiệp y sĩ năm 1990 tại trường Trung cấp y tế Bình Trị Thiên (cũ) và công tác tại bệnh viện đa khoa Hướng Hóa từ đó cho đến ngày phạm tội.

Thiếu tướng Lê Công Dung kết luận: “Cơ bản xác định rõ nguyên nhân vô ý gây chết người, xác định rõ đối tượng của vụ án là Nguyễn Thị Thuận, bản thân chị Thuận khai nhận và cơ quan điều tra thực nghiệm vụ án với đầy đủ chứng cứ chứng minh”.

Về trách nhiệm của một số người liên quan, trong đó có bác sĩ Lê Huỳnh Sơn, người tự ý gửi thuốc vào tủ lạnh và đã bị đình chỉ công tác từ tháng 4/2014, công an Quảng Trị cho biết đang tiếp tục mở rộng điều tra và sẽ xem xét xử lý trách nhiệm hình sự hoặc hành chính tùy theo hành vi.

Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của một số phóng viên báo chí về trách nhiệm có liên quan của một số cá nhân cũng như ngành y tế, Cơ quan Cảnh sát điều tra khẳng định: Vụ án vẫn chưa kết thúc và đang được tiếp tục điều tra, làm rõ trách nhiệm của những y, bác sỹ liên quan đến quy trình tiêm chủng tại Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa cũng như các tập thể và cá nhân liên quan.

Bên cạnh đó, trong quá trình điều tra, hiện trường đã bị xáo trộn hoàn toàn do đó công tác khám nghiệm hiện trường, thu lượm dấu vết, tài liệu gặp nhiều khó khăn. Công tác điều tra nguyên nhân tử vong của 3 trẻ sơ sinh phụ thuộc rất nhiều vào kết quả giám định pháp y, trên cơ sở các xét nghiệm và kết luận khoa học của các cơ quan chức năng. Do đó, vụ án đã kéo dài thời gian điều tra...

Cũng trong buổi họp báo, Cục Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã trao phần thưởng, biểu dương Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Quảng Trị trong quá trình điều tra làm rõ nguyên nhân của vụ án.


* Gần 3 tháng sau khi xảy ra vụ việc, công an Quảng Trị khởi tố vụ án “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” làm 3 trẻ tử vong. Đến 26/3, công an Quảng Trị khởi tố bị can, bắt tạm giam y tá Nguyễn Thị Thuận để điều tra vụ việc.


(tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc