Bộ Y tế: Không công bố dịch không có nghĩa là không có dịch!

06:49, 19/04/2014
|

(VnMedia) - Chiều ngày 18/4, tại cuộc họp khẩn về tình hình dịch sởi. ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định: “Bộ Y tế không công bố dịch sởi không có nghĩa là không có dịch. Thực chất dịch sởi đã và đang diễn ra”.

Không công bố không có nghĩa là không có dịch


Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Thanh Long phát biểu tại buổi họp khẩn về tình hình dịch sởi chiều 18/4.

Ông Nguyễn Thanh Long cho biết, sởi là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ. Sởi rất đáng lo ngại nhưng một trong những nguyên nhân gây tử vong là do virus và trẻ chưa được tiêm vắc xin. Theo ông Long, các chủng vi rút sởi ở Việt Nam chưa có những biến đổi gen một cách khác biệt so với sự lưu hành của các chủng vi rút trong khu vực và không có sự gia tăng về độc lực.

Hiện tại nhiều nước không gọi công bố dịch nữa mà dùng từ thông báo dịch. Nếu dịch bệnh diễn ra, quốc gia không thể kiểm soát được sẽ là thông báo tình trạng khẩn cấp hoặc công bố dịch. Khi đó sẽ áp dụng các biện pháp hành chính chặt chẽ như đóng cửa trường học, hạn chế họp chợ, giao thông, cưỡng chế và cách ly.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, trong thời gian qua, đúng là có chuyện nóng về mặt chỉ đạo, lạnh về mặt thực hiện trong công tác phòng chống dịch sởi

Theo ông Long, ngay từ khi dịch sởi, công hay không công bố, Bộ Y tế vẫn tìm các biện pháp chuyên môn để khống chế bệnh sởi. Đến thời điểm này, tất cả những công điện, thông báo đều nói có dịch sởi.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: "Ngay khi có dịch rải rác ở 3 tỉnh miền núi Yên Bái, Lai Châu, Hà Giang, Bộ Y tế đã yêu cầu cơ quan chuyên môn triển khai ngay những biện pháp cần thiết để phòng chống dịch, chính vì vậy mà chúng ta đã ngăn chặn, khống chế được dịch trong giai đoạn cuối năm 2013".

Thứ trưởng Long cho biết, để phòng dịch, cán bộ y tế đã phải đón giao thừa ngay tại Yên Bái, để tổ chức tiêm vét cho các trẻ chưa tiêm chủng. Hiện nay Yên Bái đã khống chế rất tốt ngay từ đầu. Khi dịch có dấu hiệu lan ra Hà Nội, TP HCM và một số địa phương khác, ngay lập tức Bộ Y tế đã chỉ đạo các tỉnh - thành phố tổ chức chiến dịch tiêm vét  cho tất cả trẻ em dưới 2 tuổi. Lúc đó dịch mới chỉ xuất hiện ở 4 tỉnh mà đã tổ chức tiêm vét ở cả 63 tỉnh. Đây là một quyết định khá táo bạo: áp dụng cả 2 hình thức tiêm vét ngay tại ổ dịch và tiêm vét đại trà cho cả 63 tỉnh thành phố.

Ông Long khuyến cáo, khi phát hiện trẻ có sốt phát ban, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị và cách ly kịp thời, tránh lây nhiễm cho cộng đồng. Để phòng, chống bệnh sởi, cách tốt nhất là nên đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin sởi đầy đủ, đúng lịch. Ngoài ra, người dân không nên nghe theo lời đồn thổi như tắm  hạt mùi để phòng sởi, vì không hiệu quả.

Phụ huynh đưa con đi khám vượt tuyến gây tình trạng lây chéo

Ông Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Bộ Y tế cho biết nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong do sởi cao ở Bệnh viện Nhi Trung ươngmột phần do các bậc phụ huynh đưa con em đi khám bệnh đã vượt tuyến và tập trung tại các bệnh viện ở tuyến trung ương, trong đó đông nhất là Bệnh viện Nhi Trung ương.  

Theo ông Phu, tình hình dịch bệnh trong mùa xuân thường phức tạp và tăng cao hơn các mùa khác. Nếu không có bệnh sởi thì bệnh viêm phổi vẫn thường phát triển trong mùa này và gây tử vong rất cao.

Về nguyên nhân gây tử vong có liên quan đến virus sởi, TS Nguyễn Văn Kính – Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, có 3 nguyên nhân chính: Nguyên nhân thứ nhất là do chính virus sởi gây ra; nguyên nhân thứ 2 là bệnh nhân có virus sởi gây viêm cơ tim và gây phù phổi cấp; những biến chứng của nó diễn biến rất nhanh và đây là vấn đề vượt ngoài khả năng của y học. Và nguyên nhân thứ 3 là gây viêm não.

Liên quan đến những con số không thực sự thống nhất trong đợt bệnh sởi đang diễn ra, ông Kính cho biết, trong số hơn 100 ca bệnh tử vong do sởi và liên quan đến sởi, các nhà khoa học mới xác định chính xác được 25 ca là do virus sởi gây ra, còn những trường hợp tử vong có liên quan đến sởi thì đều mắc những bệnh nặng sẵn có. Có trường hợp tử vong, kết quả xét nghiệm cho thấy người bệnh mang tới 4 loại virus (trong đó có virus sởi). Hoặc trong số các ca tử vong đã công bố, có 1 ca trẻ đột tử tại nhà nhưng đang trong vùng dịch tễ nên ngành y tế vẫn buộc phải để trường hợp này vào danh sách số người tử vong liên quan đến sởi.

Hiện các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục điều tra các nguyên nhân cụ thể dấn tới việc tử vong của các trường hợp có liên quan đến sởi.

Thông tin cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế cho thấy, tại Việt Nam, từ đầu năm 2014 đến ngày 18/4 ghi nhận 3.256 trường hợp mắc sởi trên 8.779 người bị phát ban nghi mắc bệnh sởi. Phần lớn số mắc là trẻ em dưới 10 tuổi (76,5%), 87% ca mắc sởi không được tiêm chủng hoặc không rõ tình trạng tiêm chủng vắcxin sởi.

Theo chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới và báo cáo của các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur hiện nay các chủng virus sởi gây bệnh tại Việt Nam chưa có sự biến đổi về gen cũng như độc lực của virus sởi.


Kim Thảo

Ý kiến bạn đọc